Quyền lợi của các chủ thể trong hoạt động du lịch sẽ không được đảm bảo, pháp luật về du lịch không được thực hiện trên thực tiễn cuộc sống nếu các tổ chức, cá nhân kinh doanh không tuân thủ đầy đủ pháp luật về du lịch.
Trong pháp luật về du lịch, nhà nước đã quy định các hành vi mà tổ chức, cá nhân kinh doanh không được làm và trách nhiệm của họ đối với khách du lịch. Tuy nhiên, các quy định pháp luật đó có được thực hiện trên thực tế hay không lại phụ thuộc vào ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đó. Đã từ lâu vấn đề xây dựng ý thức pháp luật của các thành viên trong xã hội nói chung và các tổ chức, cá nhân kinh doanh nói riêng đã trở nên cấp thiết. Muốn có một nền kinh tế phát triển bền vững thì các chủ thể trong xã hội phải luôn có ý thức tuân thủ pháp luật, các quy định pháp luật trở thành các chuẩn mực hành vi trong các hoạt động, giao dịch giữa các chủ thể
liên quan. Nhất là trong quan hệ giao dịch giữa các tổ chức, cá nhân và khách du lịch. Chính vì vậy ý thức tuân thủ pháp luật về du lịch của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về du lịch trên thực tiễn cuộc sống.
Để xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, bên cạnh việc thực hiện đa dạng các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhà nước cần phải tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Điều quan trọng là nhà nước phải xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về du lịch. Bên cạnh đó nhà nước cần tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi, tạo cơ chế cởi mở đối với các tổ chức, cá nhân có uy tín, chất lượng được khẳng định.