Văn hóa truyền thống dân tộc, địa phương là một trong những yếu tố có ảnh hưởng khá lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội của đất nước, địa phương ấy. Xuất phát từ những phong tục, tập quán lâu đời đó, theo thời gian sẽ tác động đến lối tư duy, hành vi xử sự của con người. Lối tư duy, suy nghĩ của người Việt Nam phần lớn chịu ảnh hưởng của phương thức sản xuất nông nghiệp, văn hóa cộng đồng, vùng miền, văn hóa làng xã tạo nên sự gắn kết cộng đồng cao. Tuy nhiên, điều này làm vai trò của tập thể được đề cao, cái tôi cá nhân ít được chú trọng, cá nhân sẽ bị chi phối bởi những chuẩn mực của cộng đồng nên thường không dám làm điều gì trai ngược với chính kiến của đám đông, vai trò cá nhân không được đề cao do vậy sẽ không thúc đẩy phát huy sức sáng tạo của mỗi cá nhân, dễ dẫn đến sự trì trệ, thiếu ý thức trách nhiệm, kĩ năng làm việc nhóm kém.
Bên cạnh đó, với tư duy “phép vua thua lệ làng” cũng là một trong những hạn chế của người Việt Nam trong việc chấp hành pháp luật, họ thường làm theo thói quen, theo đám đông hơn là theo pháp luật. Ngoài ra, với đặc thù là Thủ đô của cả nước, Hà Nội là một trung tâm giao thoa của văn hóa các vùng miền, địa phương trong cả nước, bên cạnh đó, còn có sự du nhập văn hóa nước ngoài, do đó hiện trạng văn hóa tại Hà Nội tương đối đa đạng và phức tạp, ảnh hưởng đến việc quản lý Nhà nước.
Cũng từ yếu tố văn hóa, phong tục tập quán này mà người dân cũng như một bộ phận tổ chức, cá nhân có liên quan chưa có ý thức, nhận thức đầy đủ với lĩnh vực du lịch cũng như pháp luật về du lịch. Đây thực sự là một khó khăn không nhỏ đối với các đối tượng trong việc thực hiện pháp luật về du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội.