0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (96 trang)

Nội dung quy định về bảo vệ việc làm

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN (Trang 38 -41 )

6. Tính khó và tính mới của đề tài: Error! Bookmark not defined.

2.1.1. Nội dung quy định về bảo vệ việc làm

Việc làm và bảo vệ việc làm đối với lao động chưa thành niên là một trong những yêu cầu quan trọng đối với việc bảo vệ người lao động nói chung và lao động chưa thành niên nói riêng. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Bộ luật Lao động 2019

thì “việc làm là hoạt động tạo ra thu nhập mà pháp luật không cấm”. Quy định về

thuật ngữ việc làm tại Bộ luật Lao động năm 2019 tương đồng với Luật Việc làm năm 2013. Qua đây thể hiện sự thống nhất trong cách hiểu về thuật ngữ việc làm, tạo cơ sở để quy định các chế định liên quan đến việc làm đối với người lao động nói chung và lao động chưa thành niên nói riêng. Tại Bộ luật Lao động năm 2019, lao động chưa thành niên được xác định lao động dưới 18 tuổi và ở từng nhóm độ tuổi chưa thành niên khác nhau được quy định có thể làm các công việc khác nhau. Một trong những điểm mới trong Bộ luật Lao động năm 2019 đó là việc không quy định về độ tuổi tối thiểu để tham gia quan hệ lao động của lao động chưa thành niên. Thực tế, khi soi chiếu vào các tiêu chuẩn quốc tế, quy định này chưa phù hợp bởi theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Công ước về độ tuổi lao động tối thiểu năm 1973 quy định: “Độ tuổi tối thiểu nêu trong khoản 1 điều này phải không được thấp hơn độ tuổi kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc, và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được

dưới 15 tuổi”. Song, tại Khoản 4 Điều 143 của Bộ luật Lao động năm 2019 vẫn quy

định một số công việc mà người chưa thành niên dưới 13 tuổi có thể làm. Do đó, ở quy định này chưa có sự tương thích so với tiêu chuẩn quốc tế.

Xét đến quan hệ việc làm, khi Nhà nước cho phép lao động chưa thành niên tham gia quan hệ lao động thì phải đảm bảo về vấn đề bảo vệ việc làm cho họ, bảo vệ họ được làm việc theo quy định của pháp luật và bảo đảm các quyền cơ bản khi tham gia quan hệ lao động đó là được “làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc” [2; Điều 5].

Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, người chưa thành niên khi lao động hợp pháp cũng có đầy đủ những quyền như người lao động thành niên. Tuy nhiên, pháp luật nước ta cũng có những quy định riêng về việc làm đối với nhóm đối tượng này. Thực tế, lao động chưa thành niên rất dễ bị lợi dụng để làm những công

34

việc không phù hợp, nặng nhọc, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của họ. Bởi vậy, tại các Điều 144, Điều 145 và Điều 147 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm hoặc chỗ làm có ảnh hướng xấu tới sự phát triển về sức khoẻ nhân cách. Cụ thể hóa quy định của pháp luật, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên đã đưa ra các danh mục nghề, công việc, nơi làm việc áp dụng đối với lao động chưa thành niên.

Đối với nhóm người chưa thành niên chưa đủ 13 tuổi, pháp luật nước ta chỉ cho phép làm các công việc liên quan đến nghệ thuật, thể dục, thể thao mà không ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách. Điều này được quy định tại khoản 3 Điều 145 Luật Lao động 2019.

Đối với nhóm người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi, họ chỉ được làm những công việc nhẹ. Tại Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH đã quy định cụ thể về các công việc mà nhóm đối tượng trong độ tuổi này được làm, bao gồm: biểu diễn nghệ thuật; vận động viên thể thao; lập trình phần mềm; các nghề truyền thống không mang tính chất độc hại; các nghề thủ công mỹ nghệ; đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên; một số công việc đóng gói (trừ việc vận hành hoặc sử dụng các máy, thiết bị, dụng cụ đóng gói); chăn nuôi.

Đối với nhóm người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi do xuất phát từ đặc điểm sinh lý, độ tuổi này phát triển khá đầy đủ về nhận thức và sức khoẻ nên các công việc họ được làm được mở rộng hơn và đa phần đều có thể tham gia các công việc khác nhau. Song, với yêu cầu bảo vệ đối với nhóm đối tượng này, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có quy định về những công việc, nơi làm việc không được sử dụng nhóm lao động này cụ thể tại Điều 147, bao gồm: mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác; sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; phá dỡ các công trình xây dựng; nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ và các công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên. Về nơi làm việc, lao động chưa thành niên trong độ tuổi này không được làm trong môi trường dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; làm việc tại các công trường xây dựng, cơ sở giết mổ gia súc, sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp, điểm kinh doanh xổ số,

35

dịch vụ trò chơi điện tử và các nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.

Ngoài những công việc, nơi làm việc cấm lao động chưa thành niên thì lao động chưa thành niên không được làm việc ở những nơi hay những công việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên. Điều này đã được quy định tại Điều 9 Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH, cụ thể là tại phụ lục III quy định về công việc và phụ lục IV quy định về nơi làm việc.

Bên cạnh đó, đối người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được phép làm thêm giờ hoặc được làm vào ban đêm và đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi được làm thêm giờ với các công việc như đưa tin, thư bưu phẩm, bưu kiện, đóng gói bưu phẩm; bán hàng tận nhà, qua điện thoại hoặc trực tuyến; đánh giày; chế biến, bán hàng thực phẩm trên hè phố; gia sư; quét dọn, giúp việc trong các gia đình, phụ giúp vệ sinh nhà cửa; bảo vệ, trông xe các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng; thu tiền từ máy bán hàng tự động, ghi số từ các đồng hồ; thu ngân, bán hàng trong siêu thị; các công việc trong nhà hàng, quán ăn, quán cà phê (lễ tân, pha chế đồ uống, phụ bàn, phụ bếp, đầu bếp, tạp vụ); các công việc văn phòng (photo, đánh máy, trực điện thoại); dịch vụ bán hàng (quần áo, giày dép, sách báo, tạp hóa); sơ chế nông sản (phân loại, gọt vỏ, bóc vỏ, tách nhân, đóng gói); làm cỏ vườn rau sạch, thu hoạch rau, củ, quả sạch theo mùa; nuôi gia súc, gia cầm, nuôi giun, dế, côn trùng không độc hại, nguy hiểm. Còn các nghề, công việc được làm vào ban đêm chỉ bao gồm biểu diễn nghệ thuật và vận động viên thể thao.

Như vậy, pháp luật nước ta đã quy định chi tiết các nghề, công việc cũng như nơi làm việc mà lao động chưa thành niên được làm và không được làm tùy theo từng độ tuổi khác nhau. Đây chính là cơ sở để Nhà nước xem xét xử lý các vi phạm của người sử dụng lao động khi sử dụng đối tượng lao động đặc thù này. Và nhìn nhận một cách khách quan, việc quy đinh này của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Trong Công ước số 182 Công ước về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất của Tổ chức lao động quốc tế mà Việt Nam kí quyết định phê chuẩn vào ngày 17 tháng 11 năm 2000 cũng đề cập đến các công việc độc hại. Cụ thể, tại Điều 3 Mục II Công việc độc hại của Khuyến nghị số 190 Khuyến nghị về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất thuộc Công ước số 182 quy định các loại công việc và những nơi làm việc có khả năng làm hại đến sức khỏe, sự an toàn hay hay đạo đức của trẻ em do bản chất của công việc hay do hoàn cảnh, điều kiện tiến hành công việc bao gồm: “Công việc khiến trẻ em lâm vào tình trạng dễ bị lạm dụng về mặt thể chất tâm lý hay tình dục; Công việc dưới mặt đất, dưới nước, ở các độ cao nguy hiểm

36

hay trong các khoảng không gian bị tù hãm; Công việc với các loại máy móc thiết bị và dụng cụ nguy hiểm hoặc công việc đòi hỏi phải dùng sức để xử lý hoặc vận chuyển những khối hàng nặng; Công việc trong môi trường có hại cho sức khoẻ ví dụ như có thể khiến trẻ em phải tiếp xúc với các chất những tác nhân hay những chu trình độc hại hoặc với tiếng ồn, nhiệt độ hay độ rung làm tổn hại đến sức khoẻ của trẻ em; Công việc trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ví dụ làm việc trong nhiều giờ liền hay công việc vào ban đêm hay công việc khiến trẻ em bị giam hãm vô lý tại địa điểm của

người sử dụng lao động”. Qua đây, có thể thấy, những quy định về bảo vệ việc làm

đối với lao động chưa thành niên của Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN (Trang 38 -41 )

×