Ở trường đại học thì đội ngũ giảng viên giữ một vai trò hết sức quan trọng trong nhà trường và chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Còn đội ngũ cán bộ làm việc ở các phòng ban thì đa số xuất phát từ giảng viên sau đó chuyển sang làm việc ở các phòng ban nhưng vẫn kiêm giảng một số học phần chuyên ngành sâu của mình. Do vậy trong phạm vi đề tài này sẽ chú trọng phân tích về đội ngũ giảng viên.
Chúng ta đang sống trong thời đại có quá nhiều biến động khó lường trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội cho đến khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Có những dự báo khi mới đưa ra được coi là táo bạo nhất cũng bị thực tiễn vượt qua một cách nhanh chóng cả về mặt thời gian, quy mô, hiệu quả và khả năng tác động. Thậm chí, có những phát minh được coi là sự đột phá, nhưng chưa kịp ứng dụng thì đã có phát minh khác tiến bộ hơn thay thế. Do vậy, nó đặt ra cho người cán bộ giảng viên cần phải rèn luyện và nâng cao năng lực để có thể đảm nhận vai trò trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trước khi đưa ra những tiêu chuẩn năng lực tối thiểu hoặc đánh giá cán bộ giảng viên, những nhà quản lý cần phải xác định rất cẩn thận năng lực. Theo Pearson (1980), ba luận chứng cần đặt ra để xác định năng lực của một người giảng viên:
- Người giảng viên cần dược trang bị những kiến thức gì để dạy học đảm bảo đạt mức tối thiểu?
- Kỹ năng chung gì được đặt ra cho mỗi người dạy tại một trình độ nhất định? - Thái độ của những người giảng viên cần thiết như thế nào?
Theo những nhà nghiên cứu, họ tin tưởng rằng có thể xác định được hiệu quả (năng lực) của người giảng viên thông qua kết quả đầu ra đo được. Đó là kết quả học tập của sinh viên đạt được thể hiện trong những bài kiểm tra.
Mặt khác, nhiều vấn đề về chất lượng liên quan đến hiệu quả giảng dạy. Điều này bao gồm: những mong chờ của người học, những sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo, sự mở rộng vốn kỹ năng giảng dạy và những kỹ thuật hỗ trợ dạy học tích cực. Một giờ học tốt là giờ học tạo cho người học cảm giác thoải mái, có chất lượng.
Năng lực giảng viên là năng lực chuyên biệt, đặc trưng của nghề sư phạm. Năng lực giảng viên là tổ hợp của nhiều năng lực, đặc biệt là năng lực chuyên môn và năng lực sư phạm. Năng lực giảng viên có điều kiện cần là năng lực chuyên môn và điều kiện đủ là năng lực sư phạm. Giảng viên thiếu một trong hai điều kiện trên thì chưa đủ năng lực giảng viên. Ví dụ: Người giảng viên dạy nghề nếu chỉ có năng lực chuyên môn nghề thì đó là nhà kỹ thuật chứ không phải là người giảng viên dạy nghề. Họ có thể tiến hành hoạt động nghề nghiệp rất tốt nhưng không có khả năng dạy người khác nắm được chuyên môn nghề, vì họ không biết cách thức, con đường để truyền đạt kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho người học, không biết tổ chức điều khiển quá trình dạy nghề. Ngược lại, nếu một người có năng lực sư phạm, nhưng không có năng lực chuyên môn nghề thì không thể dạy nghề vì họ không có kiến thức, kỹ năng và kỹ xảo nghề nghiệp để giảng dạy, hướng dẫn cho người học. Cũng giống như chúng ta không thể sử dụng giáo viên phổ thông để dạy nghề mặc dù họ có năng lực sư phạm vững vàng.
Từ phân tích trên ta có thể hiểu: Năng lực cán bộ giảng viên trường đại học
là sự tổ hợp các đặc điểm tâm lý của nhân cách nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động sư phạm để đào tạo người học với chất lượng cao.
Năng lực cán bộ giảng viên là năng lực phức hợp, muốn có năng lực này nhất thiết phải được đào tạo theo mục tiêu và chương trình xác định. Năng lực cán bộ giảng viên trường đại học bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ của người cán bộ giảng viên đối với công việc của mình.
- Kiến thức của cán bộ giảng viên trường đại học là sự hiểu biết của người giảng viên về nhiều lĩnh vực đặc biệt là về lĩnh vực chuyên môn thông qua sự giáo dục đào tạo hay thông qua các trải nghiệm thực tế. Trong xu thế phát triển hiện nay, đòi hỏi người cán bộ giảng viên phải được đào tạo cơ bản, nghiêm túc. Bất cứ ngành gì đều phải có chuyên môn của ngành đó. Kiến thức chuyên môn là quan trọng nhất đối với giảng viên, muốn trở thành giảng viên tốt nhất thiết phải có chuyên môn giỏi. Nó là tiêu chuẩn đầu tiên để tuyển chọn giáo viên, đồng thời cũng là yếu tố để phân biệt giáo viên với các ngành khác.
- Kỹ năng của cán bộ giảng viên trường đại học là việc vận dụng các kiến thức, sự hiểu biết của mình vào các hoạt động trong thực tiễn để đạt được mục tiêu của mình. Kỹ năng cùa người cán bộ giảng viên mang yểu tố thực hành và nó sẽ được phát triển khi qua trải nghiệm và rèn luyện thực tế. Nó thể hiện sự thành thạo
của mỗi cán bộ giảng viên khi vận dụng sự hiểu biết vào công việc nhằm đạt được
mục tiêu đã đề ra.
- Thái độ của cán bộ giảng viên trường đại học là những suy nghĩ, ứng xử,
niềm yêu thích, sự say mê của cán bộ giảng viên đối với công việc. Một người cán bộ
giảng viên giỏi chưa chắc đã có kết quả tốt nếu người cán bộ giảng viên đó không yêu thích công việc của mình hay nói cách khác người cán bộ giảng viên không có thái độ tốt đối với công việc. Đặc biệt là thái độ của người giảng viên có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thái độ học tập của sinh viên. Vì thế, nếu người giảng viên có thái độ làm việc tích cực sẽ có khả năng truyền lửa và lôi cuốn sinh viên học tập tốt.
1.4.Tiêu chí đánh giá năng lực của cán bộ giảng viên trong trường đại học
Một trong những luận điểm quan trọng nhất của việc đánh giá chất lượng giáo dục nói chung và đánh giá năng lực giảng viên nói riêng đó là đánh giá như thể nào? Có những cơ sở khoa học gì để đánh giá? Những phương pháp và công cụ gì để đánh giá? Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi chỉ khi chúng ta có những tiêu chí đánh giá dựa trên những công cụ được thiết kế khoa học cùng với các phương pháp đánh giá phù hợp thì khi đó đánh giá mới có vai trò đúng nghĩa của nó.
Nhiều học giả cho rằng đánh giá năng lực hoạt động của một thành viên trong mỗi tổ chức phải dựa trên việc xem xét việc thực hiện các trách nhiệm cũng như thành quả lao động của thành viên đó ở tất cả mọi mặt. Cho đến nay, khi người giảng viên giảng dạy ở một trình độ, họ được yêu cầu có một số bằng cấp, chứng chỉ nhất định, và điều đó đảm bảo rằng họ có đủ năng lực giảng viên. Các nhà giáo dục đã đưa ra hai đề xuất cho việc đánh giá năng lực của giảng viên, đó là: cần phải xây dựng tiêu chuẩn đánh giá giảng viên và xây dựng chương trình đào tạo cho đội ngũ giảng viên trong tương lai.
Đề xuất xây dựng tiêu chuẩn đánh giá cán bộ giảng viên chỉ ra những yêu cầu giữa các ngành khác nhau để đưa ra những bộ tiêu chuẩn đánh giá theo tiêu chuẩn nghề nghiệp. Đặc biệt là giảng viên để thu hút những giảng viên có trình độ cao hơn. Đánh giá giảng viên là một nền tảng cơ bản tạo ra động lực khuyến khích giảng viên tiến bộ, cũng có thể là cơ sở để sa thải những giảng viên có năng lực quá yếu hoặc cũng có thể là một công cụ đánh giá hiệu quả cải thiện chất lượng đào tạo. Một chương trình đánh giá tốt cần phải có sự hợp tác rõ ràng giữa giảng viên và những người đánh giá họ trong lĩnh vực trách nhiệm xác định và những mục tiêu cụ thể. Như vậy, giảng viên sẽ “làm chủ” được chương trình đánh giá hơn là bị áp đặt một cách độc đoán.
Theo thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDDT-BNV ban hành ngày 28/11/2014 quy định mã số và chức danh nghề nghiệpviên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, đối chiếu với mô hình năng lực KSA, theo báo cáo nghiên cứu 12 chuẩn năng lực giảng viên giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp của dự án. Theo Nguyễn Văn Đường, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Tiến Dũng, Phạm Văn Hoan và khái niệm của Bernard Wyne và David Stringer , năng lực nghề nghiệp của cán bộ giảng viên có thể đánh giá theo 3 tiêu chí là yêu cầu về kiến thức (KT), về kỹ năng (KN) và về thái độ (TĐ).
Hình 1.2: Các tiêu chí đánh giá cán bộ giảng viên
Tiêu chí đánh giá cán bộ,giảng viên
1.4.1.Yêu cầu về kiến thức (KT)
* Về kiến thức xã hội (KT1):
+ Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đây được xem như phẩm chất chính trị của người cán bộ giảng viên.Việc cán bộ giảng viên nắm vững các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Pháp luật của Nhà nước sẽ giúp giảng viên đứng vững trên lập trường của Đảng, của Nhà nước pháp quyền XHCN có chính kiến trong quá trình giảng dạy công tác, truyền đạt kiển thức. Định hướng niềm tin lí tưởng cho HSSV về vai trò của Đảng của Nhà nước trong quản lí, lãnh đạo đất nước.
+ Nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực chuyên môn (luật giáo dục, luật lao động, luật công chức, viên chức, các thông tư, nghị định,..). Có nắm vững được luật người cán bộ giảng viên mới tinh thông về nghiệp vụ, giảng dạy công tác mới theo kịp các chuẩn mà nhà nước đặt ra.
+ Hiểu biết về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế: Không chỉ được trang bị các kiến thức chuyên môn mà người cán bộ giảng viên còn phải có tầm hiểu biết về văn hóa xã hội trong nước và quốc tế rộng; đồng thời có khả năng tự học, tự nghiên cứu, không ngừng bổ sung hoàn thiện vốn tri thức để đáp ứng yêu cầu ngày một cao và mới cho sinh viên.
Người cán bộ giảng viên có tri thức và tầm hiểu biết rộng thể hiện ở chỗ: - Nắm vững và hiểu biết rộng về lĩnh vực mình phụ trách: đó không chỉ là kiến thức chuyên môn qua sách vở, mà là những kiến thức thực tế qua việc đúc rút kinh nghiệm lâu năm giảng dạy, công tác; các tình huống sư phạm vô cùng phong phú mà sách vở, kiến thức còn chưa cập nhật đến. Do đó đòi hỏi người giảng viên phải không ngừng tự học, tự giáo dục.
- Thường xuyên theo dõi những xu hướng, những phát minh khoa học, biết tiến hành nghiên cứu khoa học và có những hứng thú lớn lao đối với công việc đó. Áp dụng các phát minh khoa học vào nội dung kiến thức bài giảng có như vậy người giáo viên sẽ luôn làm mới kiến thức và sinh động, hấp dẫn người học.
- Có khả năng tự học, tự bồi dưỡng bổ túc và hoàn thiện tri thức của mình, đầy đủ ý thức để thấm nhuần mọi tinh hoa của khoa học của nền văn hóa nhân loại.
Để có yêu cầu này không có gì hơn đòi hỏi ở người giảng viên phải có hai yếu tố cơ bản trong chính mình đó là: Nhu cầu về sự mở rộng tri thức và tầm hiểu biết (đây là nguồn gốc của tính tích cực và động lực của việc tự học), những kỹ năng để làm thỏa mãn nhu cầu đó (phương pháp dạy học). Một vĩ nhân nếu không thường xuyên tự bồi dưỡng thì cũng dần dần mất hết nhu cầu trí tuệ, hứng thú tinh thần và một người giảng viên cũng vậy.
- Nắm được chiến lược phát triển của Khoa, Nhà trường. Mỗi một cán bộ giảng viên chân chính phải nắm được lịch sử phát triển của nhà trường, của Khoa, Bộ môn để từ đó biết trân trọng môi trường mình cống hiến. Hơn nữa, những kế hoạch có tính chiến lược về sự phát triển chung của nhà trường, Khoa, phòng,bộ môn cán bộ giảng viên cần phải biết nắm được để chung tay, góp sức cho sự phát triển ấy. Nếu người cán bộ giảng viên thờ ơ, không quan tâm đến điều đó cũng có nghĩa cán bộ giảng viên đã không nhận thấy vai trò của mình đối với nhà trường, cũng không có động lực trong quá trình làm việc.
* Về kiến thức chuyên môn (KT2):
+ Nắm vững kiến thức chuyên môn, áp dụng có hiệu quả trong bài giảng của mình. Kiến thức chuyên môn của giảng viên là kiến thức mà giảng viên đã được đào tạo ở bậc Đại học, song đó mới chỉ là những kiến thức còn hết sức cơ bản. Muốn đảm nhiệm vai trò người thầy, giảng viên cần phải đọc kiến thức chuyên môn thông qua sách báo, tạp chí chuyên nghành, các văn bản quy phạm pháp luật.. Những kiến thức mà giảng viên đã tích lũy được một lần nữa phải được “gia cố” bằng nghiệp vụ sư phạm để quá trình truyền đạt trở nên hiệu quả và sự tiếp thu của người học trở nên tốt hơn.
+ Đối với cán bộ trong trường đại học thì phải nắm vững kiến thức chuyên môn của mình để áp dụng có hiệu quả trong xử lý các công việc tương ứng được giao theo đúng quy định của nhà trường và chính sách chế độ của nhà nước.
+ Được giảng dạy đúng chuyên ngành được đào tạo. Việc giảng viên được bố trí giảng dạy đúng chuyên nghành giúp giảng viên phát huy sở trường và thế mạnh của mình, vững vàng, tự tin đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức. Ngược lại giảng viên bị bố trí giảng dạy không đúng với chuyên ngành đào tạo sẽ không có điều kiện đi sâu kiến thức chuyên môn, giảng dạy chỉ dừng lại ở mức vừa đủ... Và như thế người dạy sẽ không có cảm hứng còn người học sẽ là người gánh chịu thiệt hại nhất
+ Nắm vững các quy định, quy chế về công tác HSSV. Ngoài kiến thức chuyên môn mỗi cán bộ giảng viên cần có những hiểu biết các quy định, quy chế về HSSV. bởi đối tượng của họ chính là HSSV. Về mặt lí luận, muốn cải biến được nhân cách của đối tượng cán bộ giảng viên cần hiểu rõ về đối tượng, về thực tế, ngoài tinh thông kiến thức, nắm vững các quy định, quy chế về sinh viên cán bộ giảng viên có thể giúp đỡ HSSV giải quyết các khó khăn liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ mà họ phải thực hiện.
Đội ngũ giảng viên trong trường đại học phải đạt trình độ đào tạo chuẩn do Bộ giáo dục và Đào tạo quy định. Tối thiểu phải có bằng tốt nghiệp đại học và phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm. Được phân công giảng dạy đúng chuyên ngành của mình được đào tạo. Chuyên môn của giảng viên đại học khác với giáo viên giảng dạy học sinh phổ thông ở chỗ: giảng viên phải nắm vững nghề nghiệp ở mức độ chuyên sâu. lý thuyết chuyên môn là tri thức của kỹ năng. Mọi kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp hình thành đều trên cơ sở nắm vững lý thuyết của kỹ năng, kỹ xảo đó.
Nắm vững chuyên môn sẽ giúp khẳng định vai trò và vị trí của người giảng viên. Người giảng viên trước hết phải là người giỏi về chuyên môn. Có trình độ chuyên môn giỏi mới có khả năng truyền thụ tốt nhất những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn cho người học. Bản thân sự thành thạo trong lĩnh vực chuyên môn sẽ tạo những tiền đề thuận lợi cho quá trình đào sâu nghiên cứu nghề nghiệp chuyên môn. Ngoài ra, người giảng viên còn phải có tay nghề, thông qua thao tác nghề nghiệp thực tế của giảng viên, người học sẽ có cái nhìn trực quan về công việc. Người học không chỉ hiểu rõ hơn về công việc chuyên môn thực tế mà còn tự
mình củng cố, hệ thống lại kiến thức chuyên môn. Đồng thời thông qua công việc