Tổng điều tra dân số

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU THỐNG KÊ DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HĨA GIA ĐÌNH (Tài liệu dành cho lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Dân số - KHHGĐ đạt chuẩn viên chức dân số) (Trang 96 - 101)

3. Thống kê không thường xuyên dân số

3.3.Tổng điều tra dân số

3.3.1. Khái niệm và các đặc trưng cơ bản

Tổng điều tra dân số là điều tra dân số toàn diện, nhằm đăng ký thu thập số liệu trên từng người dân tại một thời điểm thống nhất trong cả nước. Nói một cách khác, tổng điều tra dân số là quá trình thu thập, đánh giá, phân tích và xuất bản các số liệu về dân số và các vấn đề kinh tế, xã hội có liên quan đối với toàn bộ dân số một nước tại một thời điểm xác định. Tổng điều tra dân số có các đặc trưng (nguyên tắc) sau:

- Điều tra theo từng người: Để có tài liệu dân số cả nước phải có thông tin về mỗi người. Vì vậy, trong điều tra phải liệt kê từng người một với các đặc điểm xác định của họ.

- Tính toàn thể: Các cuộc tổng điều tra dân số phải điều tra toàn bộ dân số của cả nước (hoặc một vùng lãnh thổ của đất nước).

91

- Tính đồng thời: Việc đếm số dân và những đặc điểm của từng người nhất thiết phải được lấy theo một mốc thời gian nhất định được gọi là thời điểm điều tra và thường được chọn vào nửa đêm (0 giờ) của ngày điều tra.

- Tính chu kỳ xác định: Để thông tin thu được dễ so sánh, các cuộc điều tra dân số cần được tổ chức cách đều nhau (5 năm, 10 năm) và nếu có thể được thì nên tiến hành vào cùng một ngày.

3.3.2. Những vấn đề cơ bản của tổng điều tra dân số a. Mục đích điều tra

Trên cơ sở văn bản chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra, có thể xác định được mục đích của các cuộc tổng điều tra dân số. Tổng điều tra thường nhằm phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước ở từng thời kỳ. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch, nội dung điều tra. Ví dụ, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4 2009 nhằm phục vụ hai yêu cầu cơ bản là:

- Làm căn cứ chính xác phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển kinh tế-xã hội và dân số nước ta.

- Kiểm điểm tình hình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dân số, lao động. Trên cơ sở đó đáp ứng nhu cầu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2011-2020.

b. Phạm vi, đối tượng, đơn vị điều tra

Phạm vi điều tra: Tổng điều tra dân số thường tiến hành đăng ký toàn bộ nhân khẩu trên phạm vi lãnh thổ của đất nước. Cuộc tổng điều tra dân số năm 2009 ở nước ta: “Tiến hành điều tra tất cả mọi người Việt Nam và nước ngoài vẫn thường xuyên cư trú trên toàn thể lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như những người Việt Nam được cử đi công tác, học tập và lao động hợp tác nước ngoài”.

Đối tượng điều tra được xác định là từng nhân khẩu. Tuy nhiên, để xác định chính xác số dân của cả nước, người ta chia nhân khẩu thành 2 loại: nhân khẩu có mặt và nhân khẩu thường trú.

Nhân khẩu có mặt của một địa phương tại thời điểm điều tra là những người đang thực tế có mặt tại địa phương đó, không phụ thuộc vào địa điểm cư trú, sinh sống của họ. Theo định nghĩa trên, có thể dễ dàng xác định được nhân khẩu có mặt của một

92

địa phương, nhưng lại khó có thể đếm chính xác số nhân khẩu này do sự di chuyển thường xuyên của dân cư.

Nhân khẩu thường trú của một địa phương là những người cư trú, sinh sống thường xuyên trên lãnh thổ của địa phương đó, không phụ thuộc vào địa điểm có mặt của họ lúc điều tra. Thống kê theo nhân khẩu thường trú dễ thực hiện, ít bị bỏ sót hay trùng lặp vì có sổ hộ khẩu làm căn cứ, lại không thay đổi thường xuyên. Nhưng việc xác định loại nhân khẩu này lại gặp khó khăn do rất nhiều trường hợp ngoại lệ mà định nghĩa trên không bao quát được, như những người làm nghề chài lưới không có nơi ở cố định... Muốn thống kê chính xác, cần có qui định cụ thể về các trường hợp ngoại lệ. Ở nước ta, các cuộc tổng điều tra dân số đã qua đều điều tra theo nhân khẩu thường trú.

Hai loại nhân khẩu khác là nhân khẩu tạm trú và tạm vắng, cũng được sử dụng để giúp cho việc thống kê chính xác số dân. Nhân khẩu tạm trú là những người không thuộc nhân khẩu thường trú, nhưng tại thời điểm điều tra lại đang thực tế có mặt tại đó. Ngược lại, nhân khẩu tạm vắng thuộc nhân khẩu thường trú, nhưng tại thời điểm điều tra lại không có mặt tại nơi cứ trú. Giữa các loại nhân khẩu có mối liên hệ:

Nhân khẩu thường trú = Nhân khẩu hiện có - Nhân khẩu tạm trú + Nhân khẩu tạm vắng

c. Đơn vị điều tra: Trong điều tra dân số, các thông tin thu thập theo từng người riêng biệt. Tuy nhiên, khi đi điều tra, cán bộ điều tra không thể gặp được tất cả mọi người cần điều tra và thậm chí, ngay cả khi cán bộ điều tra gặp được tất cả các thành viên, họ cũng không thể phỏng vấn trực tiếp tất cả mọi người được, vì vậy các thông tin thường được thu thập từ một thành viên trong gia đình, phổ biến là người lớn có hiểu biết hơn cả.

Như vậy, đơn vị điều tra được xác định là hộ, bao gồm hộ gia đình và hộ tập thể. Hộ gia đình là hộ mà các thành viên phải thoả mãn đồng thời 3 đặc điểm: Cùng sống

93

chung trong một ngôi nhà; Có quan hệ huyết thống, quan hệ vợ chồng hay nuôi dưỡng; Có quỹ thu chi chung.

Hộ tập thể thường do các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị quân đội... tổ chức ra, nó bao gồm những người sống xa gia đình, cùng sống chung trong một khu nhà, đăng ký chung một sổ hộ khẩu, nhưng mỗi người lại có quĩ thu chi riêng.

d. Thời điểm và thời hạn điều tra: Thời điểm điều tra là mốc thời gian thống nhất để thu thập tài liệu. Xác định thời điểm điều tra nhằm giúp cho việc đăng ký nhân khẩu không bị trùng lặp hay bị bỏ sót. Thời điểm điều tra thường được chọn vào thời kỳ dân cư ít biến động nhất, đồng thời cũng phải thuận tiện cho việc chuyển số liệu dân số về ngày đầu năm. Nhiều nước chọn ngày điều tra sát gần đầu năm dương lịch. Trong các cuộc Tổng điều tra dân số trước đây, nước ta thường chọn thời điểm điều tra vào 0 giờ ngày 1 tháng4.

Thời hạn điều tra là khoảng thời gian hoàn thành việc đăng ký nhân khẩu. Thời hạn điều tra dài hay ngắn phụ thuộc vào qui mô dân số, số lượng địa bàn, nội dung điều tra, số lượng, chất lượng điều tra viên và phương pháp điều tra phỏng vấn hay tự ghi. Thông thường, thời hạn này không nên quá dài, cũng không nên quá ngắn. Thời hạn quá ngắn sẽ làm ảnh hưởng đến công việc thường nhật của nhân dân, lại đòi hỏi một đội ngũ điều tra viên rất lớn. Thời hạn quá dài có thể làm nhiều người quên đi những gì đã xảy ra tại thời điểm điều tra. Thời hạn tốt nhất là từ khoảng 1 đến 2 tuần.

e. Phương pháp điều tra: Trong điều tra dân số người ta thường dùng hai phương pháp: - Phương pháp phỏng vấn (trực tiếp): Cán bộ điều tra cầm phiếu điều tra đến từng hộ để hỏi và ghi phiếu cho từng người theo đúng hướng dẫn ghi phiếu điều tra. Phương pháp này có độ tin cậy cao, nhưng lại tốn kém và đòi hỏi một đội ngũ điều tra viên đông đảo, có kinh nghiệm.

- Phương pháp tự khai báo (gián tiếp): Đối tượng điều tra nhận phiếu đăng ký nhân khẩu, tự ghi chép, khai báo vào phiếu rồi gửi cho cơ quan điều tra. Phương pháp này đỡ tốn kém hơn, cần ít điều tra viên hơn, nhưng đòi hỏi trình độ dân trí phải khá cao, các câu hỏi đặt ra trong phiếu phải dễ trả lời.

94

f. Nội dung điều tra và phiếu điều tra

- Nội dung điều tra: Nội dung điều tra là các đặc điểm cần được thu thập về đối tượng điều tra. Trong tổng điều tra dân số, nó được thể hiện bằng danh sách các câu hỏi mà người được điều tra phải trả lời hoặc tự ghi vào phiếu đăng ký nhân khẩu. Có thể chia các câu hỏi này thành 3 phần: phần địa chỉ, phần nội dung chính và phần những câu hỏi phụ thêm, có liên quan đến các cuộc điều tra khác.

Phần địa chỉ bao gồm các câu hỏi: Họ và tên, địa chỉ cụ thể, quan hệ với chủ hộ... Những câu hỏi này nhằm nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc khai báo, thuận lợi cho việc phúc tra, giúp cho việc tổng hợp tài liệu dân số theo vùng lãnh thổ, vùng địa lý..., giúp cho việc phân loại gia đình được chính xác hơn.

Phần nội dung chính là quan trọng nhất, bao gồm các câu hỏi để cung cấp số liệu cho các chỉ tiêu tổng hợp đã đặt ra. Đó là các câu hỏi liên quan đến giới tính, tuổi hay ngày tháng năm sinh, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tình hinh di chuyển, tình trạng việc làm…

Phần những câu hỏi phụ thêm được xây dựng cho các cuộc điều tra khác, hoặc phục vụ cho các mục đích có liên quan như: điều tra chọn mẫu nghiên cứu về sinh, chết, nhà ở của dân cư. Ví dụ, trong cuộc tổng điều tra dân số năm 2009 ở nước ta, khoảng 15% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) được phỏng vấn các câu hỏi thêm về tổng số con đã sinh, số con hiện còn sống và số con sinh ra trong 12 tháng qua. Thông tin nhận được từ các câu hỏi này để ước lượng mức sinh. Ngoài ra các câu hỏi về loại nhà ở, diện tích nhà ở, quyền sở hữu, thời gian xây dựng, nguồn thắp sáng, công trình vệ sinh... để đánh giá tình trạng nhà ở của nhân dân cũng được đặt ra.

- Phiếu điều tra: Phiếu điều tra là công cụ để thực hiện cuộc điều tra, là sự thể hiện cụ thể nội dung điều tra bằng các câu hỏi. Phiếu điều tra dân số thường được thiết kế cho cả hộ và được chia thành hai phần: phần phiếu hộ và phần cho từng cá nhân.

Phần phiếu hộ gồm các câu hỏi danh ghi chung cho cả hộ như: tên địa bàn điều tra, số thứ tự hộ, họ tên chủ hộ, địa chỉ của hộ, tổng số người trong hộ...

Phần cho từng cá nhân (phiếu cá nhân) được thiết kế để thu thập những thông tin liên quan đến từng người trong hộ.

95

Bên cạnh phiếu điều tra, các cuộc tổng điều tra dân số còn sử dụng nhiều tài liệu nghiệp vụ khác như: sổ tay cán bộ điều tra, sổ tay tổ trưởng điều tra, bản hướng dẫn ghi phiếu đăng ký nhân khẩu, phiếu kiểm tra lại, giấy chứng nhận đã đăng ký...

g. Kế hoạch và tổ chức điều tra: Tổng điều tra dân số là một công việc phức tạp, tốn kém, liên quan đến mọi cấp, mọi ngành và toàn thể nhân dân. Vì vậy, muốn điều tra mang lại kết quả tốt, có chất lượng cần phải xây dựng được một kế hoạch toàn diện, tỉ mỉ và rất chi tiết. Kế hoạch tổ chức điều tra thường có những mục sau:

- Xác định mục đích điều tra

- Lập bảng kê số nhà, số hộ, số khẩu và danh sách đối tượng điều tra, vẽ sơ đồ các điểm dân cư. Đây là căn cứ quan trọng để phân chia và giao nhiệm vụ cho từng điều tra viên.

- Xác định số lượng điều tra viên cần thiết. Tuyển chọn và huấn luyện nghiệp vụ cho điều tra viên về phương án điều tra, các bản hướng dẫn. Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Tổ chức các cuộc hội nghị cán bộ để chuẩn bị cho công tác điều tra.

- Chuẩn bị, phân chia và giao đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cũng như những tài liệu cần thiết cho từng địa bàn điều tra.

- Làm tốt công tác tuyên truyền về cuộc điều tra cho nhân dân giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, nội dung và cách trả lời các câu hỏi trong phiếu điều tra. Muốn làm tốt công tác tuyên truyền cần sử dụng rộng rãi các phương tiện ấn loát, đài phát thanh, truyền hình, phim ảnh, quảng cáo, khẩu hiệu...

Để tránh những rủi ro cần có phương án đề phòng hoả hoạn, mưa bão, lũ lụt, mối mọt... làm hỏng giấy tờ, tài liệu cũng như các thông tin đã thu được.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU THỐNG KÊ DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HĨA GIA ĐÌNH (Tài liệu dành cho lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Dân số - KHHGĐ đạt chuẩn viên chức dân số) (Trang 96 - 101)