Thứ nhất, tín dụng ngân hàng được ví như mạch máu của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp, ngân hàng và cả nền kinh tế.Trong điều kiện
thị trường chứng khoán nước ta chưa đủ sức trở thành một kênh tài trợ vốn cho nền kinh tế, thì việc các NHTM tài trợ vốn chủ yếu cho nền kinh tế là tất yếu.
Thứ hai, Thời gian qua khối lượng tín dụng của các NHTM đầu tư cho nền kinh tế chưa thực sự đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vốn của người dân và các doanh nghiệp. Nền kinh tế hàng hoá ngày càng phát triển nhất là Việt Nam đã gia nhập WTO, hội nhập với kinh tế thế giới thì nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh càng cấp thiết, dòng vốn tín dụng cần phải được đưa vào đúng nơi cần vốn, những dự án khả thi, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng đô thị, với những sản phẩm tín dụng đa dạng, phù hợp là rất cần thiết.
Thứ ba, Việt Nam là nước nông nghiệp, với khoảng 70% dân số sống ở các vùng nông thôn và dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn như hạ tầng giao thông yếu kém, sản xuất manh mún và phương thức sản xuất nhỏ với năng suất thấp. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và cải thiện đời sống nông dân là một chủ trương lâu dài, có tính chất bền vững cho việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước chúng ta. Cho nên đẩy mạnh cho vay phát triển địa bàn nông nghiệp nông thôn nhằm nâng cao đời sống nông dân là cần thiết, thường xuyên và phải làm liên tục.
Thứ tư, mở rộng tín dụng và nâng cao chất lượng tín dụng ngân hàng là yêu cầu khách quan của nền kinh tế đồng thời cũng là yêu cầu tự thân trong hoạt động ngân hàng, bởi lẽ nguồn thu của các NHTM chủ yếu từ hoạt động tín dụng, trên địa bàn Bình Phước thu từ hoạt động tín dụng chiếm hơn 90% trong cơ cấu tổng thu và là một chỉ tiêu quan trọng nhất đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng.