1.3. BÀI HỌC K
1.3.1. Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về mở rộng tín dụng
- Từ cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản tại Mỹ
Tác động của cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ đã dẫn đến những hệ lụy khi hàng loạt các tập đoàn tài chính tên tuổi của Mỹ sụp đỗ. Sau Bear Stearms – ngân hàng môi giới và đầu tư lớn thứ 5 phố Wall bị JP Morgan Chase mua lại vào tháng 3/2008, hàng loạt đại gia ngã quỵ như: Fannie Mae và Freddie Mac, hai ngân hàng bất động sản lớn nhất thế giới bị quốc hữu hóa; Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 phố Wall phá sản, chấm dứt 158 năm hoạt động... Để cứu vãn thị trường tài chính, tránh một cuộc sụp đổ hệ thống, Quốc Hội Mỹ đã buộc phải phê chuẩn kế hoạch 700 tỷ USD để hỗ trợ thị trường tài chính.
Nhìn lại diễn tiến cơn khủng hoảng cho vay cầm cố dưới chuẩn sẽ thấy rõ nhiều người đã phạm sai lầm khi bị cuốn sâu vào vòng xoáy tín dụng nhà đất.
Đầu tiên là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất như một cách kích hoạt nền kinh tế, đưa tiền vào nền kinh tế, nhất là ở mức tiêu dùng; thấy lãi suất thấp, nhiều người đổ dồn đi vay tiền để mua nhà và cứ đẩy giá nhà vọt lên. Như vậy, khi thị trường nhà ở đã thay đổi lớn, với số đông người mua nhà càng tăng qua thế chấp dưới chuẩn, lãi suất điều chỉnh mà theo thời gian gia tăng số tiền trả, dần dần những khoảng nợ không có khả năng hoàn trả tăng lên. Có thể nói khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ rút ra một số nguyên nhân cơ bản sau đây:
Nguyên nhân đầu tiên quan trọng nhất là gia tăng nguồn vốn tài trợ để mua bán nhà ở thông qua kỹ thuật “chứng khoán hóa bất động sản thế chấp” trong khi
hệ thống kiểm soát không theo kịp là nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng. Để hỗ trợ cho vay tạo lập nhà ở, Chính phủ Mỹ cho lập Hiệp hội quốc gia tài trợ bất động và Tập đoàn cho vay thế chấp quốc gia. Hoạt động chính của Fannie Mae và Freddie Mac là mua lại những món nợ vay thế chấp bằng bất động sản, đặc biệt là các khoản vay thế chấp "dưới chuẩn" của các ngân hàng rồi dùng bất động sản thế chấp để phát hành “trái phiếu tái thế chấp” bán cho các nhà đầu tư khác nhằm tăng tính thanh khoản cho ngân hàng. Như vậy những món nợ nhà ở đã được “trái phiếu hóa” thành sản phẩm tài chính thông dụng có thể mua bán dễ dàng trên thị trường tiền tệ. Nhưng khi thị trường bất động sản suy thoái, giá bất động sản giảm các tổ chức tài chính, ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu tái thế chấp ngoài việc tự lỗ còn bị người gửi tiền hoảng loạn đòi rút tiền hàng loạt, trong khi các ngân hàng khác cũng dè dặt cho vay (trong thị trường liên ngân hàng) dẫn đến mất khả năng thanh khoản.
Nguyên nhân thứ hai là việc cho vay mua nhà ở dễ dãi “dưới chuẩn” nhưng thiếu cơ chế kiểm soát.
Nguyên nhân thứ ba là giá bất động sản tại Mỹ tăng liên tục đã lôi kéo các nhà đầu tư và cả người dân đổ xô vào kinh doanh bất động sản làm cung vượt quá cầu
(Phạm Đỗ Chí 2009).
Từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các NHTM của nhiều quốc gia đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, tín dụng giảm mạnh. Nhằm đối phó với thực trạng tín dụng suy giảm, các quốc gia đã thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng cho vay.
Ở Đức: Chính phủ đã chỉ đạo tập đoàn KFW (ngân hàng phát triển của Đức) tăng 15 tỉ EUR cho vay nền kinh tế vào năm 2009. Chính phủ còn yêu cầu KFW cung cấp bổ sung khoản vay giá trị 3 tỉ EUR đầu tư vào chương trình cơ sở hạ tầng và yêu cầu ngân hàng cho vay các công ty lớn để bù đắp thanh khoản ngắn han. KFW và Chính phủ các bang đã tái cấp vốn cho các ngân hàng bang yếu kém.
ở Chile: Chính phủ đã tăng gấp đôi vốn cấp 1 của Banco Estando (ngân hàng thuộc sở hữu chính phủ) nhằm mở rộng cho vay các khu vực kinh tế dễ bị tổn thương (Nhật Trung, Nguyễn Hồng Nga 2014).
Nhìn chung, năm 2008 kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng, các ngành công nghiệp xuất khẩu giảm mạnh, duy nhất ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế, nông nghiệp trở nên rất quan trọng, chúng ta xem qua về kinh nghiệm của Trung Quốc trong tín dụng tam nông.
- Kinh nghiệm từ Trung Quốc
Từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính Mỹ và những hệ quả toàn cầu của nó, năm 2010, Trung Quốc đang từng bước chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu, sang mô hình tăng trưởng dựa cả vào xuất khẩu, lẫn nhu cầu trong nước. Nhằm thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc chú trọng hơn đến mở rộng nhu cầu trong nước, nhất là nhu cầu tiêu dùng, tăng trưởng việc làm, thúc đẩy đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước, khuyến khích kinh tế tư nhân nhằm củng cố những động lực tăng trưởng kinh tế vốn có... Đặc biệt, xuất phát từ quan điểm về phương pháp và nội dung kích cầu nội địa cho rằng cần gia tăng nhu cầu ở nông thôn, việc tăng thêm đầu tư, trợ cấp, những hỗ trợ về tài chính và chính sách cho lĩnh vực “tam nông” sẽ giúp phối hợp tốt hơn sự phát triển giữa thành thị và nông thôn, nên Trung Quốc đã đầu tư, hỗ trợ và phát triển khu vực nông thôn, trong đó nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm nổi bật về vai trò của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp và nông thôn, về đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn.
Kết quả, trong vòng 3 năm dịch vụ ngân hàng cơ bản sẽ có mặt tại khắp các làng mạc, thị trấn, cung cấp các khoản tín dụng lớn và dịch vụ bảo hiểm ở nông thôn, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, Chính phủ Trung Quốc chủ trương ban hành các biện pháp huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ khu vực vùng sâu, vùng xa. Theo đó:
+ Yêu cầu các ngân hàng gia tăng cho vay tín dụng nông nghiệp, nới rộng lĩnh vực hỗ trợ nông nghiệp và tăng tín dụng dài hạn cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Động thái này được xem là bước đột phá trong dịch vụ tài chính tại nông thôn Trung Quốc.
+ Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường tài chính nông thôn dưới dạng thích hợp, như mở chi nhánh hay lập các liên doanh ngân hàng.
+ Cấp ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. + Hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Nhìn chung, bằng sự chuyển biến mới về nhận thức và những hoạt động cụ thể, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều động thái mới, cần thiết và đúng đắn về chính sách tài chính - tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn (Trần Trọng Huy 2013).
- Kinh nghiêm của Đài Loan Chính sách hỗ trợ tài chính tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N).
Nền công nghiệp Đài Loan được đặc trưng chủ yếu bởi các DNV&N, chiếm khoảng 96% tổng số doanh nghiệp, tạo ra khoảng 40% sản lượng công nghiệp, hơn 50% giá trị xuất khẩu và chiếm hơn 70% chỗ làm việc. Chính sách hỗ trợ tài chính tín dụng cho DNV&N được cụ thể:
Khuyến khích các ngân hàng cho DNV&N vay vốn như điều chỉnh mức lãi suất thấp hơn lãi suất thường của ngân hàng, thành lập quĩ bảo lãnh tín dụng, qui định tỉ lệ cung cấp tài chính cho DNV&N phải tăng lên hàng năm…Ngân hàng trung ương Đài Loan yêu cầu các NHTM thành lập riêng phòng tín dụng cho DNV&N, tạo điều kiện để cho DNV&N tiếp cận được với ngân hàng. NHTW cũng sử dụng các chuyên gia tư vấn cho DNV&N về cách củng cố cơ sở tài chính, tăng khả năng nhận tài trợ của mình, thành lập Quĩ phát triển cho DNV&N để cung cấp vốn cho DNV&N qua hệ thống ngân hàng, nhằm tài trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh các DNV&N.
Thành lập quĩ bảo lãnh tín dụng: nguyên tắc hoạt động của quĩ là cùng chia sẻ rủi ro với các tổ chức tín dụng. Từ đó tạo lòng tin đối với TCTD khi cấp tín dụng cho DNV&N.
Nói chung, với sự quan tâm của Chính phủ bằng các chính sách khuyến khích hữu hiệu, các DNV&N ở Đài Loan phát triển mạnh mẽ, ổn định làm cho Đài Loan trở thành quốc gia của các DNV&N về mặt kinh tế (Nguyễn Thế Bính 2013).