Các đặc điểm về tuổi, tiền sử và triệu chứng tiêu chảy cấp của các nhóm nghiên cứu

Một phần của tài liệu Đề tài đánh giá hiệu quả bổ sung kẽm và một số vitamin ở trẻ suy dinh dưỡng có tiêu chảy cấp do rotavirus (Trang 96 - 101)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.1.1 Các đặc điểm về tuổi, tiền sử và triệu chứng tiêu chảy cấp của các nhóm nghiên cứu

nhóm nghiên cứu

* Đặc điểm về tuổi, giới và tiền sử nuôi dưỡng

Trong 144 trẻ được chọn vào nghiên cứu có 140 trẻ hoàn tất qua các quá trình can thiệp và theo dõi trong vòng 1 tháng sau can thiệp. Ba nhóm trẻ (với tổng số 140 trẻ suy dinh dưỡng bị tiêu chảy cấp do Rotavirus): nhóm Zn -VitA có 46 trẻ, nhóm Zn có 47 trẻ và nhóm Zn-Bcomplex có 47 trẻ, kết quả cho thấy không có sự khác biệt về tuổi, giới, tiền sử sản khoa, tiền sử dinh dưỡng và uống vitamin A cũng như đặc điểm về tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý tiêu chảy của 3 nhóm trước can thiệp. Những đặc điểm này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả nghiên cứu. Để tiến hành nghiên cứu can thiệp nhằm đánh giá hiệu quả của các phương thức bổ sung kẽm khác nhau lên trẻ suy dinh dưỡng có tiêu chảy cấp do Rotavirus có kết quả giá trị và có ý nghĩa thì sự đồng nhất của các đặc điểm nghiên cứu của các đối tượng là rất quan trọng và đó cũng chính là tiêu chí chung của các nghiên cứu can thiệp khi xây dựng tiêu chuẩn chọn bệnh nhân và cách lấy mẫu để đảm bảo tính ngẫu nhiên và đồng nhất. Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 15 tháng tuổi (bảng 3.1) và không có sự khác biệt giữa 3 nhóm nghiên cứu (p>0,05).

Theo các tác giả thì tiêu chảy cấp do Rotavirus thường xảy ra ở trẻ có độ tuổi từ 6 – 24 tháng tuổi. Nghiên cứu của Chen [48] có tới 79,2% trẻ dưới 2 tuổi mắc TCC do Rotavirus, nghiên cứu của Fujita [63] cũng cho thấy 80% trẻ mắc TCC do Rotavirus dưới 2 tuổi. Nghiên cứu của Ye HC [141] về dịch tễ học TCC ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc từ năm 2010 đến năm 2012 cho thấy 91,4% trẻ mắc TCC do Rotavirus ở độ tuổi dưới 2 tuổi. Tại Việt Nam, các nghiên cứu của Đoàn Thị Ngọc Anh [2] hay Nguyễn Quang Trung

[19] đều cho thấy độ tuổi mắc TCC do Rotavirus đều dưới 2 tuổi và nhóm tuổi gặp nhiều nhất là từ 7 – 12 tháng tuổi.

Trong nghiên cứu này, 100% bệnh nhân suy dinh dưỡng bị tiêu chảy cấp do Rotavirus dưới 2 tuổi và tuổi trung bình là 15 tháng tuổi. Như vậy, về độ tuổi đối tượng nghiên cứu phù hợp với nhận xét của các tác giả khác.

Về phân bố giới tính, tỷ lệ nam: nữ của đối tượng nghiên cứu là 1:1,1. Kết quả này cũng tương tự như các nghiên cứu khác trước đây đều cho thấy tỷ lệ mắc TCC do Rotavirus ở trẻ gái gặp nhiều hơn ở trẻ trai [5], [19].

Về đặc điểm tiền sử nuôi dưỡng của đối tượng nghiên cứu qua bảng 3.2 cho thấy, thời gian bú mẹ hoàn toàn của trẻ SDD mắc TCC trong khoảng từ 3 – 4 tháng tuổi và thời gian cai sữa trong khoảng từ 12 – 15 tháng tuổi, chưa thấy có sự khác biệt đáng kể về thời gian bú mẹ hoàn toàn cũng như thời gian cai sữa giữa 3 nhóm nghiên cứu.

Đối với việc bổ sung vitamin A, tình trạng uống vitamin A trước can thiệp là rất quan trọng, kết quả trong nghiên cứu này cho thấy khoảng thời gian từ lần dùng vitamin A cuối cùng cho đến thời điểm bắt đầu nghiên cứu trung bình khoảng 2 tháng, không thấy sự khác biệt về khoảng thời gian này giữa 3 nhóm trẻ nghiên cứu.

Như vậy, các đặc điểm về tuổi, giới và tiền sử nuôi dưỡng của 3 nhóm trẻ trong nghiên cứu là tương tự nhau, không có sự khác biệt đáng kể.

* Đặc điểm các triệu chứng của tiêu chảy cấp:

Đối với triệu chứng sốt, thời gian sốt của trẻ TCC do Rotavirus trong nghiên cứu trung bình là 0,8 ± 1,0 ngày (bảng 3.3), không có sự khác biệt về thời gian sốt giữa 3 nhóm trẻ trong nghiên cứu này.

Theo các tác giả, thời gian sốt của trẻ mắc TCC do Rotavirus trong khoảng từ 1 – 3 ngày. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Việt Hà [5], thời gian sốt trung bình của trẻ mắc TCC do Rotavirus là 1,84 ± 1,07 ngày. Như vậy, kết

quả của nghiên cứu cũng phù hợp với các kết quả nghiên cứu của các tác giả khác.

Về triệu chứng tiêu chảy, đây là triệu chứng nổi bật nhất của TCC do Rotavirus, nguyên nhân gây tiêu chảy là do virus xâm nhập vào tế bào ruột non, gây tổn thương các tế bào phần đỉnh của các vi nhung mao. Các tế bào trưởng thành ở các vi nhung mao (với chức năng chủ yếu là hấp thu) được thay thế bằng các tế bào non vùng hẽm tuyến (chức năng chủ yếu là bài tiết) dẫn đến tăng bài tiết nước và điện giải ở ruột non gây ra tiêu chảy.

Nghiên cứu của các tác giả như Mendis [92] cho thấy có 75% bệnh nhân TCC do Rotavirus đi ngoài phân tóe nước, của Nguyễn Thị Việt Hà [5] thì có tới 81% bệnh nhân đi ngoài phân tóe nước. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ bệnh nhân TCC do Rotavirus đi ngoài phân tóe nước ở 3 nhóm nghiên cứu khoảng từ 63,8% đến 69,5% và không có sự khác biệt đáng kể giữa 3 nhóm (bảng 3.3). Như vậy, tỷ lệ đi ngoài phân tóe nước trong nghiên cứu có thấp hơn so với các tác giả khác, có lẽ là do đối tượng lựa chọn vào nghiên cứu là những bệnh nhi đến khám và được điều trị ngoại trú, do vậy triệu chứng lâm sàng biểu hiện nhẹ hơn so với những bệnh nhi phải điều trị nội trú.

Như vậy, các đặc điểm về tuổi, giới, tiền sử nuôi dưỡng và biểu hiện lâm sàng của tiêu chảy cấp do Rotavirus ở 3 nhóm bệnh nhi SDD trong nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu khác và không có sự khác biệt giữa 3 nhóm.

4.1.2. Đặc điểm về tình trạng dinh dƣỡng của 3 nhóm nghiên cứu trƣớc can thiệp can thiệp

Tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng nghiên cứu là trẻ SDD thể nhẹ cân (CN/T) độ I, II bị TCC do Rotavirus, vì vậy, kết quả tại bảng 3.4 đã thể hiện 100% bệnh nhân trong nghiên cứu bị SDD thể nhẹ cân, trong đó phần lớn là độ I (79,3%)

và còn lại là độ II (20,7%), sự phân bố mức độ SDD thể nhẹ cân ở cả 3 nhóm tương tự nhau và không có sự khác biệt có ý nghĩa.

Tỷ lệ SDD thể thấp còi và gày còm cũng được quan tâm vì SDD nặng cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả can thiệp, kết quả cho thấy SDD các thể này cũng ở độ I, II trong đó chiếm phần lớn là độ I. Sự phân bố mức độ SDD thể thấp còi và gày còm ở 3 nhóm nghiên cứu là tương tự nhau và không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa 3 nhóm nghiên cứu.

Năm 2011 tỷ lệ SDD ở trẻ dưới 5 tuổi tại Bệnh Viện Nhi TW thể nhẹ cân là 9,8%, thấp còi là 5% gày còm là 8,1% [9] và năm 2012 thì SDD thể nhẹ cân là 87.9%, thấp còi là 37.3% và gày còm là 65.1% [22]. So với hai kết quả trên thì tỷ lệ SDD ở nghiên cứu này cao hơn do đối tượng chọn là tất cả trẻ bị SDD thể nhẹ cân (CN/T) và cũng như các số liệu công bố khác thì SDD hiện nay chủ yếu là thể nhẹ cân (CN/T) và SDD thường ở độ I là chủ yếu [15].

SDD thể thấp còi (CC/T) được coi là chỉ số phản ánh sự phát triển của xã hội, phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài hoặc SDD trong quá khứ làm cho trẻ bị còi cọc, là chỉ số đánh giá hậu quả của sự đói nghèo. Nghiên cứu tại cộng đồng của Vũ Xuân Bình [3] thì SDD thể thấp còi là 45,5% và gày còm là 4,4%. Tỷ lệ SDD thể thấp còi ở nghiên cứu này cao tương tự như các nghiên cứu tại BV nhi TW Huế [7], ở các khoa nhi bệnh viện phía nam [12], như vậy nhìn chung tỷ lệ SDD tại cồng đồng khác với SDD tại bệnh viện, tại cộng đồng tỷ lệ SDD gày còm thường thấp hơn rất nhiều so với SDD tại bệnh viện, bởi vì đây là SDD cấp tính.SDD về chiều cao của trẻ em là vấn đề hết sức nghiêm trọng và khá phổ biến tại tất cả các vùng sinh thái trên cả nước, nó để lại hậu quả lâu dài về thể chất khi trưởng thành và liên quan chặt chẽ đến tử vong trẻ em. Giảm SDD thấp còi sẽ trực tiếp cải thiện tầm vóc, thể lực và trí tuệ, cải thiện giống nòi người Việt. Vì vậy, đòi hỏi các giải pháp can

thiệp tổng thể hơn, mạnh mẽ hơn để tiếp tục giảm tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ. Theo WHO, cộng đồng có tỷ lệ SDD cấp >5% là ngưỡng báo động cần phải can thiệp dinh dưỡng sớm.

Để đánh giá tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, một số vi chất dinh dưỡng (sắt, kẽm, retinol) đã xét nghiệm, kết quả cho thấy hàm lượng kẽm huyết thanh và sắt huyết thanh trung bình của đối tượng nghiên cứu lần lượt là 8,5 μmol/l và 6,4 μmol/l thấp hơn so với chỉ số bình thường ở trẻ (bảng 3.5). Hàm lượng vitamin A cũng ở ngưỡng cận thấp (0,7 μmol/l) và cũng thấp hơn kết quả của Nguyễn Thanh Hà [6] ở trên trẻ SDD thấp còi với hàm lượng kẽm trung bình là 11μmol/l và retinol huyết thanh trung bình là 0,99μmol/l. Thiếu vi chất dinh dưỡng đặc biệt là kẽm là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng SDD ở trẻ, hơn nữa kẽm cũng có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch do vậy, những trẻ thiếu kẽm thường dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như TCC. So sánh giữa 3 nhóm trẻ không thấy có sự khác biệt về hàm lượng các vi chất dinh dưỡng trong máu như kẽm, vitamin A, sắt và Ferritin. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hà [6]thấy tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng trên trẻ SDD thấp còi cao, 27,2% trẻ có thiếu vitamin A, 40% trẻ có thiếu kẽm và 40,9% trẻ có thiếu máu. Như vậy cho dù đối tượng là trẻ SDD thấp còi nhưng tỷ lệ thiếu vitamin A và hàm lượng retinol huyết thanh trung bình vẫn cao hơn so với kết quả của chúng tôi và nghiên cứu của chúng tôi có 71,7 - 82,8% trẻ thiếu kẽm và 53,2% - 68,1% trẻ thiếu vitamin A, như vậy tuy SDD thấp còi diễn ra trong thời gian dài khác với chúng tôi chọn đối tượng là SDD thể nhẹ cân nhưng có lẽ do trẻ bị tiêu chảy nên mất các chất dinh dưỡng qua đường ruột hơn nữa do ruột bị tổn thương nên không hấp thu được những chất dinh dưỡng này và kết quả là thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng trên trẻ có TCC.

Một phần của tài liệu Đề tài đánh giá hiệu quả bổ sung kẽm và một số vitamin ở trẻ suy dinh dưỡng có tiêu chảy cấp do rotavirus (Trang 96 - 101)