Ảnh hưởng của can thiệp với hàm lượng retinol huyết thanh

Một phần của tài liệu Đề tài đánh giá hiệu quả bổ sung kẽm và một số vitamin ở trẻ suy dinh dưỡng có tiêu chảy cấp do rotavirus (Trang 120 - 123)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.2.2.3. Ảnh hưởng của can thiệp với hàm lượng retinol huyết thanh

Trong nghiên cứu của chúng tôi hàm lượng vitamin A lúc bắt đầu can thiệp ở quanh ngưỡng giới hạn và tỷ lệ bệnh nhân có retinol huyết thanh < 0,7 µmol/l là 65,2%; 53,1% và 68% tương ứng cho các nhóm Zn-VitA, Zn và Zn- Bcomplex (bảng 3.14) (bảng 3.15). Kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu ở Conggo [54] được tiến hành trên trẻ SDD nặng có TCC nặng nhưng phải nằm viện nên tỷ lệ trẻ có hàm lượng retinol huyết thanh nhỏ hơn 0,35 µmol/L là 73,9% (nếu nhỏ hơn 0,7µmol/L là 97,8%) ở nhóm bổ sung vitamin A liều cao và 78,5% (nếu nhỏ hơn 0,7µmol/L là 98,1%) ở nhóm bổ sung A liều thấp hàng ngày. Như vậy tỷ lệ thiếu vitamin A nặng trên bệnh nhân SDD nằm nội

trú ở Conggo cao hơn rất nhiều trong nghiên cứu của chúng tôi do đối tượng là SDD nặng và TCC nặng.

Kết quả trong nghiên cứu ở Conggo cho thấy sau 7 ngày thì nồng độ retinol tăng lên là 0,20 ± 0,32 µmol/L ở nhóm bổ sung vitamin A liều cao; 0,19 ± 0,36µmol/L ở nhóm bổ sung vitamin A liều thấp hàng ngày và 0,17 ± 0,37µmol/L ở nhóm placebo [54]. Trong nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.14) thì hàm lượng vitamin A tăng trung bình sau 30 ngày can thiệp ở nhóm Zn-VitA có sự tăng đáng kể (p<0,05) với mức tăng cao nhất là (0,34 ± 0,49 mmol/l), sau đó là nhóm Zn-Bcomplex (0,14 ± 0,53 mmol/l) và thấp nhất là nhóm Zn (0,04 ± 0,4 mmol/l), tuy nhiên sự thay đổi hàm lượng vitamin A ở hai nhóm Zn và nhóm Zn-Bcomplex chưa thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa trước và sau can thiệp. Tương tự với sự cải thiện nồng độ retinol huyết thanh của ba nhóm thì tỷ lệ thiếu vitamin A giảm đi cao nhất (46,6%) ở nhóm Zn- VitA , sau đó là nhóm Zn-Bcomplex (38,3%) và thấp nhất là nhóm Zn (4,3%) (bảng 3.15). Mức giảm tỷ lệ thiếu vitamin A của nhóm Zn-VitA và nhóm Zn- Bcomplex cao hơn đáng kể so với nhóm Zn (với p<0,05). Giữa nhóm Zn- VitA và nhóm Zn-Bcomplex không có sự khác biệt về mức giảm tỷ lệ thiếu vitamin A.

Thiếu kẽm và vitamin A thường kết hợp trên trẻ SDD do vậy khi bổ sung kẽm đơn thuần ít có tác dụng trong cải thiện tình trạng thiếu vitamin A do vậy bổ sung phối với đa vi chất trên trẻ nhỏ có hiệu quả tốt hơn so với bổ sung đơn chất và điều này được chứng minh trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù kép và có đối chứng trên trẻ 12-35 tháng tuổi của Rahman [105]. Nghiên cứu này nhằm đánh giá liệu bổ sung kẽm và vitamin A có cải thiện tình trạng vitamin A hay không. Trẻ được chia làm 4 nhóm nghiên cứu: nhóm 1 được bổ sung kẽm đơn thuần, nhóm 2 bổ sung vitamin A đơn thuần, nhóm 3 bổ sung kẽm và vitamin A, nhóm 4 là nhóm chứng. Kết quả cho thấy tỷ lệ

thiếu vitamin A (retinol huyết thanh <0,7µmol/l cao nhất ở nhóm chứng 47%, nhóm bổ sung kẽm 40,6%, nhóm bổ sung vitamin A là 37,5% và thấp nhất là nhóm bổ sung phối hợp cả kẽm và vitamin A 13,3% (p<0,005). Trong nghiên cứu của chúng tôi có nhóm bổ sung kẽm đơn thuần, không cung cấp vitamin A mà hàm lượng retinol huyết thanh sau can thiệp cũng tăng lên và tỷ lệ thiếu vitamin A cũng giảm đi tuy rằng chưa có sự khác biệt rõ trước và sau can thiệp. Điều này được lý giải do tiêu chảy gây mất vitamin A và khi tiêu chảy ngừng thì tình trạng retinol huyết thanh cũng được cải thiện hơn cho dù không trực tiếp bổ sung vitamin A. Đã có bằng chứng nghiên cứu trên lâm sàng và thực địa rằng bệnh tiêu chảy có liên quan đến bệnh khô mắt và gây rối loạn tình trạng vitamin A. Nghiên cứu cho thấy bệnh tiêu chảy đặc biệt là tiêu chảy do Rotavirus có kèm theo sốt cao có thể làm tăng thải vitamin A trong nước tiểu đến hơn 10 lần. Trong bệnh lỵ trực trùng, retinol mất qua nước tiểu tỷ lệ với mức độ nặng của bệnh. Ở đây có sự rối loạn tái hấp thu các protein có trọng lượng phân tử thấp như RBP [105].

Do trong nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành ở trẻ SDD nên gần 2/3 trường hợp là có thiếu vitamin A tương tự như kết quả của Philipe được tiến hành ở trẻ SDD cũng thấy hầu hết trẻ bị thiếu hụt vitamin A (0.25 ± 0.16 mmol/L) [103]. Sau can thiệp chỉ có nhóm được bổ sung vitamin A thì có số bệnh nhân được thoát khỏi tình trạng giảm retinol huyết thanh tăng đáng kể. Như vậy, kết quả của chúng tôi cũng tương tự như của Philipe thấy sau 7 ngày nhập viện thì ở cả 3 nhóm trong nghiên cứu của tác giả (nhóm bổ sung A liều cao, nhóm bổ sung A liều thấp hàng ngày và nhóm placebo) không có sự tăng lên đáng kể của retinol huyết thanh. Do vậy chúng tôi cho rằng bệnh nhân của chúng tôi không phải bị nhận quá liều vitamin A.

Theo y văn, bổ sung kẽm sẽ làm tăng hấp thu vitamin A do kẽm tham gia vào quá trình tổng hợp protein vận chuyển retinol trong gan (RBP), từ nơi dự trữ

trong gan đến cơ quan đích, nếu thiếu kẽm, lượng RBP huyết thanh giảm do vậy vitamin A dự trữ từ gan bị ứ đọng không được mang tới các cơ quan đích dẫn tới hội chứng thiếu vitamin A dù dữ trữ vitamin A trong gan vẫn cao. Trong trường hợp này bổ sung viên nang vitamin A đơn thuần không có tác dụng cải thiện tình hình, trong khi kết hợp bổ sung vitamin A và kẽm sẽ có hiệu quả rõ rệt, nhanh chóng tương ứng với nồng độ RBP tăng. Ngược lại, thiếu vitamin A nặng cũng ảnh hưởng tới hấp thu kẽm do giảm tổng hợp protein vận chuyển kẽm ở ruột.

Một phần của tài liệu Đề tài đánh giá hiệu quả bổ sung kẽm và một số vitamin ở trẻ suy dinh dưỡng có tiêu chảy cấp do rotavirus (Trang 120 - 123)