2. Sự đáp ứng của nội dung khóa luận đối với đề tài khóa luậ n:
1.4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
1.4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là mối quan hệ giữa sự bất định trong chính sách kinh tế và hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp.
1.4.2. Phạm vi nghiên cứu
Với một nước đang trên đà phát triển và chịu ảnh hưởng bởi các nền kinh tế lớn, Việt Nam đã và đang đối mặt với rất nhiều sự biến động, sự không chắc chắn trong môi trường kinh doanh và chính sách kinh tế. Điều này tác động rõ rệt lên hành vi và quá trình ra quyết định của doanh nghiệp. Do đó, việc thực hiện nghiên cứu này ở Việt Nam là rất cần thiết để nhằm đưa ra bằng chứng thực nghiệm khẳng định mối quan hệ giữa 2 yếu tố: tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận, với mong đợi nhất quán với những kết quả của các nghiên cứu trước đó.
Về phạm vi doanh nghiệp, để đảm bảo được tính đồng nhất về chất lượng thông tin kế toán và tính sẵn có của dữ liệu tài chính, người viết quyết định lựa chọn mẫu dữ liệu bao gồm các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho nghiên cứu của mình. Người viết không lựa chọn các công ty trên thị trường công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCOM) và thị trường phi tập trung (OTC) vì những hạn chế tiềm tàng trong chất lượng thông tin cũng như sự thiếu chuẩn hóa thông tin theo các quy định.
Về thời gian, thị trường chứng khoán tại Việt Nam chính thức đi vào hoạt động kể từ năm 2000 nhưng chỉ phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn số lượng giao dịch kể từ năm 2007 khi thời gian giao dịch chứng khoán được điều chỉnh mở rộng, đi cùng với đó là các quy định về trình bày, công bố thông tin được kiểm soát chặt chẽ hơn. Ngoài ra, người viết sử dụng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn chứng khoán HOSE và HNX, nhưng sàn HNX bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2005 trong khi sàn HOSE từ năm 2000, do vậy để có được sự nhất quán trong mẫu dữ liệu qua từng năm, người viết quyết định sử dụng bộ dữ liệu từ năm 2007 đến năm 2020 nhằm đảm bảo bộ dữ liệu tránh đi các giá trị ngoại lai làm sai lệch các ước lượng.
1.5. Câu hỏi nghiên cứu
Dựa vào mục tiêu nghiên cứu tìm hiểu về tác động của sự bất định trong chính sách kinh tế lên hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp, người viết đặt ra 3 câu hỏi nghiên cứu và xây dựng tương ứng 3 mô hình nghiên cứu để trả lời cho các câu hỏi sau:
i) Tính bất định trong chính sách kinh tế ảnh hưởng như thế nào lên hành vi quản trị lợi nhuận trong doanh nghiệp?
ii) Chi phí đại diện ảnh hưởng như thế nào lên mối quan hệ giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận?
iii) Liệu tình trạng hạn chế tài chính có vai trò là nhân tố trung gian trong mối quan hệ giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận hay không?
1.6. Phương pháp nghiên cứu
Để nghiên cứu về tác động của tính bất định trong chính sách kinh tế đến hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp, người viết xây dựng ba mô hình. Mô hình hồi quy đầu tiên cũng chính là mô hình chính trong nghiên cứu, được xây dựng dựa trên bài nghiên cứu của Stein và Wang (2016), mô hình thứ hai là hồi quy mô hình chính với việc sử dụng biến kiểm soát phân loại là chi phí đại diện theo nghiên cứu của Jain và cộng sự (2020). Mô hình thứ ba được phát triển từ mô hình trung gian theo nghiên cứu của Bermpei và cộng sự (2020), trong đó biến trung gian là yếu tố hạn chế tài chính, đo lường theo chỉ số WW (Whited và Wu, 2006).
Trong cả ba mô hình, biến phụ thuộc là biến mức độ quản trị lợi nhuận trên cơ sở dồn tích của công ty (AEM) được đo lường theo mô hình Modified Jones (1995). Biến giải thính chính được tác giả sử dụng trong bài nghiên cứu này là biến tính bất định trong chính sách kinh tế (EPU), được đo lường thông qua chỉ số WUI (Ahir và cộng sự, 2018). Ở mô hình thứ hai, người viết tiến hành hồi quy mô hình thứ nhất trên hai mẫu dữ liệu được chia bởi biến kiểm soát phân loại là chi phí đại diện và xem xét hệ số hồi quy của biến giải thích chính EPU ở hai nhóm dữ liệu rằng liệu hệ số ở nhóm có chi phí đại diện cao có lớn hơn hệ số ở nhóm có chi phí đại diện thấp và sự khác biệt đó có ý nghĩa thống kê hay không. Trong mô hình thứ 3, người viết tiến hành hồi quy biến trung gian thông qua 3 mô hình theo thứ tự: mô hình thứ nhất là hồi quy giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận, mô hình thứ
hai xem xét mối quan hệ giữa tình trạng hạn chế tài chính với tính bất định trong chính sách kinh tế và mô hình cuối cùng là sự kết hợp xem xét mối quan hệ của cả 3 biến: quản trị lợi nhuận, tình trạng hạn chế tài chính và tính bất định trong chính sách kinh tế. Bên cạnh biến phụ thuộc và biến giải thích chính, người viết cũng bổ sung vào mô hình các biến kiểm soát – những yếu tố thể hiện mức độ giải thích của chúng cho sự biến thiên của biến phụ thuộc ngoài biến giải thích, bao gồm có giá trị doanh nghiệp (SIZE), đòn bẩy tài chính (LEV), tài sản cố định (FA), hàng tồn kho (INV), tăng trưởng doanh thu (SG), tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA), biến giả lỗ (LOSS), biến giả chia cổ tức (DIV).
Dữ liệu tài chính sử dụng trong bài nghiên cứu này là dữ liệu bảng (dữ liệu hai chiều không gian và thời gian) trong khoảng giai đoạn 2007-2020, được thu thập từ nguồn dữ liệu tài chính uy tín là Fiinpro cùng với thông tin về giá trị thị trường được cung cấp bởi Vietstock bao gồm dữ liệu về giá cổ phiếu giao dịch, số lượng cổ phiếu đang lưu hành và giá trị vốn hóa của doanh nghiệp.
Sau khi đã có đầy đủ dữ liệu, người viết thực hiện xử lí dữ liệu ở các bước cơ bản nhằm đảm bảo dữ liệu không còn các giá trị lặp cũng như các giá trị ngoại lai. Sau đó, với dữ liệu bảng đã được xử lí đó, người viết tiến hành thực hiện ước lượng, hồi quy theo phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất (pooled OLS). Sau đó thực hiện kiểm định Breusch-Pagan/Cook-Weisberg và Wooldrige để kiểm tra liệu mô hình được chọn có xảy ra hiện tương phương sai thay đổi và hiện tượng tự tương quan hay không. Nếu mô hình tồn tại các khuyết tật này, người viết sẽ sử dụng phương pháp hồi quy OLS có kết hợp với ước tính robust-cluster.
Thêm vào đó, để kiểm định tính vững cho các mô hình hồi quy, ngoài biến phụ thuộc hành vi quản trị lợi nhuận dồn tích được đo lường theo mô hình Modified Jones (1995), người viết thực hiện đo lường thêm theo 2 mô hình khác là mô hình Jones (1991) và Kothari và cộng sự (2005). Cùng với đó, người viết xem xét kết quả nghiên cứu liệu còn ý nghĩa khi thay thế thước đo tính bất định trong chính sách kinh tế bằng chỉ số bất ổn kinh tế vĩ mô. Cuối cùng, nhằm mở rộng phân tích cho bài nghiên cứu, người viết tiến hành xem xét ảnh hưởng của tính bất định trong chính sách kinh tế lên hành vi quản trị lợi nhuận thực trong doanh nghiệp nhằm cung cấp bằng chứng thực nghiệm toàn diện và tăng độ tin cậy cho nghiên cứu.
1.7. Đóng góp mới và ý nghĩa của nghiên cứu 1.7.1. Đóng góp mới của nghiên cứu 1.7.1. Đóng góp mới của nghiên cứu
Nền kinh tế thế giới luôn chuyển động và đối diện với những thay đổi bất ngờ, khó có thể dự đoán được, do vậy việc xem xét những quyết định kinh tế của doanh nghiệp trong điều kiện không chắc chắn của chính sách kinh tế sẽ đem lại góc nhìn bao quát hơn về những động cơ thúc đẩy các hành vi của nhà quản lý trong doanh nghiệp. Theo kết quả tìm kiếm của người viết, bằng chứng thực nghiệm về tác động của tính bất định trong chính sách kinh tế vẫn còn là dòng nghiên cứu mới mẻ và chưa thực sự có nhiều sự đa dạng trong dòng nghiên cứu về khía cạnh này. Hạn chế của việc chưa tồn tại một phương thức đo lường toàn diện tính bất định của chính sách kinh tế đã trở thành rào cản đối với các nhà nghiên cứu. Do vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của tính bất định trong chính sách kinh tế, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi chứa đựng rất nhiều giá trị ý nghĩa, cần được khám phá và nghiên cứu sâu rộng. Tại Việt Nam ít có bài nghiên cứu nào phân tích tác động của tính bất định trong chính sách kinh tế lên hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhận biết được hạn chế này, người viết đã tiến hành thực hiện nghiên cứu mối quan hệ giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận, kì vọng kết quả nghiên cứu sẽ tạo tiền đề, hỗ trợ và mở ra các hướng đi cho các bài nghiên cứu về sau trong dòng nghiên cứu về tính bất định trong chính sách kinh tế và các quyết định kinh tế của doanh nghiệp. Về việc xây dựng mô hình nghiên cứu, người viết sử dụng 3 mô hình để xem xét mối quan hệ giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận trong toàn diện các mối quan hệ tương tác và trung gian. Tác giả cũng xem xét đo lường biến giải thích chính là tính bất định trong chính sách kinh tế theo cơ sở tin tức và kiểm định tính vững bằng chỉ số bất ổn kinh tế vĩ mô để có góc nhìn tổng quát hơn. Đồng thời, người viết cũng sử dụng thêm 2 phương pháp đo lường thay thế biến phụ thuộc quản trị lợi nhuận dồn tích nhằm đảm bảo tính vững của các mô hình. Người viết hi vọng với 3 mô hình nghiên cứu, xem xét tác động tương tác, trung gian và việc xem xét kết quả hồi quy với các thước đo thay thế biến phụ thuộc và biến giải thích chính, đồng thời mở rộng phân tích với biến phụ thuộc là quản trị lợi nhuận thực sẽ phản ánh đầy đủ và toàn vẹn mối quan hệ giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp, đây cũng là tính mới của đề tài.
1.7.2. Ý nghĩa của nghiên cứu
1.7.2.1 Về mặt khoa học
Đây là một trong số ít bài nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam tìm hiểu về tác động của tính bất định của chính sách kinh tế lên hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp, góp phần hình thành tiền đề cho các bài nghiên cứu sau trong cùng hướng nghiên cứu hoặc có liên quan, cung cấp cơ sở để làm so sánh kết quả nghiên cứu, bàn luận về mô hình và phương pháp nghiên cứu. Thêm vào đó, mô hình này cũng góp phần làm sáng tỏ cho độ tin cậy của các phương pháp đo lường nhận biết tính bất định trong chính sách kinh tế.
1.7.2.2 Về mặt thực tiễn
Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học giúp các cổ đông, nhà đầu tư nhận thấy được tác động của tính bất định trong chính sách kinh tế lên hành vi của các nhà quản lý bên trong doanh nghiệp, cụ thể là hành vi quản trị lợi nhuận, giảm bớt tình trạng bất cân xứng thông tin. Đồng thời, nghiên cứu này còn giúp các nhà đầu tư nhận định một cách thận trọng hơn về triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong những thời điểm có sự bất ổn trong chính sách và nền kinh tế. Người viết kì vọng rằng với những đề xuất, kiến nghị trong nghiên cứu này sẽ góp phần thúc đẩy chất lượng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết và là cơ sở để chính phủ, các cơ quan ban ngành thận trọng hơn mỗi khi thực hiện các thay đổi mới về chính sách.
1.8. Kết cấu của đề tài
Đề tài “Tính bất định trong chính sách kinh tế và hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp – Bằng chứng thực nghiệm từ Việt Nam” gồm 5 chương như sau:
Chương 1: Giới thiệu đề tài nghiên cứu
Trong chương 1, người viết đề cập đến tính cấp thiết của đề tài, tổng quan tình hình nghiên cứu, mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu, từ đó rút ra những đóng góp mới về mặt khoa học và thực tiễn của bài nghiên cứu.
Chương 2: Cơ sở lý thuyết
Ở chương này, đầu tiên, người viết trình bày về khái niệm về tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận, các yếu tố ảnh hưởng đến quản trị lợi nhuận.
Bên cạnh đó, người viết trình bày các lý thuyết nền và các lý luận cho mối quan hệ giữa hai khía cạnh trên. Đồng thời, người viết cũng phân tích cụ thể các phương pháp đo lường biến phổ biến.
Chương 3: Phương pháp nghiên cứu
Trong chương 3, người viết căn cứ vào lý thuyết và các quan điểm lý luận của các nghiên cứu trước để đề xuất ra các giả thuyết nghiên cứu, tương ứng là các mô hình nghiên cứu. Thêm vào đó, người viết trình bày cách đo lường biến phụ thuộc, biến giải thích chính và các biến kiểm soát, giải thích lý do lựa chọn những biến đó vào mô hình, sau đó tiến hành ước lượng và kiểm định giả thuyết nghiên cứu.
Chương 4: Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Thông qua trình bày thống kê mô tả và kết quả hồi quy, người viết giải thích ý nghĩa thống kê của các biến trong mô hình, so sánh kết quả với những nghiên cứu trước, giải thích các mối quan hệ trong mô hình.
Chương 5: Kết luận và kiến nghị
Chương 5 đưa ra những kết luận từ việc thực hiện toàn bộ nghiên cứu, đề xuất một số gợi ý, đề xuất mang lại lợi ích đối với các bên liên quan trên thị trường vốn về những vấn đề liên quan đến đối tượng nghiên cứu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đóng góp vào dòng nghiên cứu về tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận và những đề xuất mở hướng cho các nghiên cứu mới trong tương lai.
Sơ kết chương 1
Trong chương 1, người viết trình bày các vấn đề liên quan đến đề tài như tính cấp thiết của đề tài trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Chương này cũng mang một cái nhìn khái quát về tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước xoay quanh vấn đề tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận, từ đó người viết xác định được khoảng trống nghiên cứu, xây dựng đối tượng và phạm vi nghiên cứu để đạt được các mục tiêu, câu hỏi nghiên cứu. Song song đó, người viết trình bày những đóng góp mới của nghiên cứu, những ý nghĩa của đề tài về mặt khoa học và thực tiễn. Các chương tiếp theo sẽ phân tích cụ thể cơ sở lý thuyết, mô hình nghiên cứu, phân tích kết quả, từ đó đưa ra kết luận và thảo luận về đề tài nghiên cứu.
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.1. Tổng quan lý thuyết về quản trị lợi nhuận 2.1.1. Khái niệm về quản trị lợi nhuận 2.1.1. Khái niệm về quản trị lợi nhuận
Để có thể hình dung một cách tổng quát quản trị lợi nhuận được định nghĩa như thế nào, trước hết cùng xem xét những định nghĩa được phổ biến rộng rãi trong nghiên cứu học thuật. Theo Schipper (1989), quản trị lợi nhuận chính là sự can thiệp có mục đích trong quy trình lập và trình bày báo cáo tài chính cho các bên liên quan ngoài doanh nghiệp với mục đích thu được các lợi ích cá nhân. Còn với Healy và Wahlen (1999) cho rằng quản trị lợi nhuận xảy ra khi nhà quản lý sử dụng các xét đoán trong báo cáo tài chính và thay đổi cơ cấu các hoạt động trong doanh nghiệp để thay đổi kết quả báo cáo nhằm đánh lừa các bên liên quan về tình hình hoạt động thực tế của