2. Sự đáp ứng của nội dung khóa luận đối với đề tài khóa luậ n:
2.1. Tổng quan lý thuyết về quản trị lợi nhuận
2.1.1. Khái niệm về quản trị lợi nhuận
Để có thể hình dung một cách tổng quát quản trị lợi nhuận được định nghĩa như thế nào, trước hết cùng xem xét những định nghĩa được phổ biến rộng rãi trong nghiên cứu học thuật. Theo Schipper (1989), quản trị lợi nhuận chính là sự can thiệp có mục đích trong quy trình lập và trình bày báo cáo tài chính cho các bên liên quan ngoài doanh nghiệp với mục đích thu được các lợi ích cá nhân. Còn với Healy và Wahlen (1999) cho rằng quản trị lợi nhuận xảy ra khi nhà quản lý sử dụng các xét đoán trong báo cáo tài chính và thay đổi cơ cấu các hoạt động trong doanh nghiệp để thay đổi kết quả báo cáo nhằm đánh lừa các bên liên quan về tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp hoặc để tác động những hợp đồng mà có sự cam kết đi liền với các chỉ tiêu lợi nhuận kế toán. Gần đây, Ronen và Yaari (2008) đã định nghĩa khái quát hơn, khi cho rằng hành vi quản trị lợi nhuận là tập hợp các quyết định quản lý mà kết quả sẽ dẫn đến không phản ánh đúng thu nhập thực nhằm tối đa hóa giá trị công ty mà nhà quản lý đã biết về chúng. Có thể thấy định nghĩa của Ronen và Yaari có những điểm đồng nhất với Healy và Wahlen khi cho rằng quản trị lợi nhuận được thực hiện bằng cách chi phối các chính sách kinh tế và nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Ngoài ra, Ronen và Yaari (2008) cũng nhấn mạnh rằng hành vi này là nhằm mục đích trình bày lợi nhuận trên báo cáo tài chính khác với lợi nhuận thực từ đó gây hiểu lầm để trục lợi cho bản thân.
Mặc dù được chấp nhận rộng rãi nhưng nhược điểm là các định nghĩa này khó vận hành trực tiếp thông qua sử dụng các thuộc tính của các con số kế toán được báo cáo vì chúng phụ thuộc vào ý định của người quản lý và hiển nhiên là điều này không thể quan sát được. Do vậy, các nghiên cứu về quản trị lợi nhuận thường đặt trong bối cảnh động cơ thực hiện quản trị lợi nhuận của người quản lý. Tùy theo mục tiêu cụ thể, người quản lý có thể tiến hành điều chỉnh lợi nhuận tăng hoặc giảm so với lợi nhuận thực tế của công ty và từ đó định nghĩa về quản trị lợi nhuận tương ứng được xây dựng một cách cụ thể. Trong nghiên cứu này, định nghĩa được sử dụng chính thức về quản trị lợi nhuận là định nghĩa của Healy và Wahlen (1999).
Mặc dù có một ranh giới mỏng giữa quản trị lợi nhuận và gian lận tài chính, nhưng sự khác biệt giữa chúng phải được xác định rõ ràng. Brown (1999) và Erickson, Hanlon và Maydew (2006) nói rằng quản trị lợi nhuận thường nằm trong phạm vi của các chính sách kế toán được chấp nhận (GAAP) nhưng gian lận tài chính nằm ngoài ranh giới GAAP. Mặc dù quản trị lợi nhuận và gian lận tài chính có sự khác biệt về mặt hành động, nhưng hai vấn đề này đều có ảnh hưởng như nhau đối với báo cáo tài chính. Theo Perols and Lounge (2011), các công ty sẽ có hành vi gian lận vì những ràng buộc trong quản trị lợi nhuận. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các công ty đã quản trị lợi nhuận của họ trước đây có nhiều khả năng thực hiện hành vi gian lận hơn. Tính chính xác của báo cáo tài chính phụ thuộc vào sự tồn tại của các hành vi này. Quản trị lợi nhuận dễ dẫn đến việc hiểu sai về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và dù ban đầu, người quản lý lựa chọn quản trị lợi nhuận vì lợi ích cá nhân hay vì doanh nghiệp, xấu hay tốt (Jiraporn và cộng sự, 2008) thì kết quả vẫn có thể dẫn đến những thiệt hại cho các bên sử dụng thông tin Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Chính vì lý do đó, hành vi quản trị lợi nhuận luôn là chủ đề được khai thác sâu rộng và đa dạng trong nghiên cứu lí thuyết lẫn nghiên cứu thực nghiệm.
2.1.2. Phân loại quản trị lợi nhuận
Quản trị lợi nhuận là sự lựa chọn các chính sách kế toán hay thực hiện những hành động mà qua đó ảnh hưởng tới thu nhập của doanh nghiệp để nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định lợi nhuận trên báo cáo tài chính (Scott, 2015). Quản trị lợi nhuận sử dụng các chính sách kế toán được gọi là quản trị lợi nhuận dồn tích, còn quản trị lợi nhuận thực hiện thông qua các quyết định kinh doanh thực tế tại doanh nghiệp thì được gọi là quản trị lợi nhuận thực.
2.1.2.1 Quản trị lợi nhuận dồn tích
Một trong những cách thức mà nhà quản lý thường thực hiện quản trị lợi nhuận là thông qua lựa chọn các chính sách kế toán được chấp nhận (GAAP) để tác động đến lợi nhuận. Trên thực tế, không có quy tắc cấm ban giám đốc thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận, các chuẩn mực kế toán tài chính cho phép nhà quản lý lựa chọn, xác định các chính sách và phương pháp kế toán phù hơp bao gồm kế toán dồn tích đã tạo cơ hội để các nhà quản lý thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận. Động cơ của nhà quản lý để thực hiện quản trị lợi nhuận bao gồm các vấn đề liên quan đến tiền
thưởng, hợp đồng nợ, chi phí chính trị, động cơ thuế, kế hoạch bán cổ phiếu (Watts và Zimmerman, 1986).
Theo Xu và cộng sự (2007), quản trị lợi nhuận dồn tích thực chất chỉ là sự chuyển dịch lợi nhuận kế toán giữa các kỳ. Quản trị lợi nhuận dồn tích có sự đảo ngược dồn tích ở giai đoạn sau khi điều chỉnh lợi nhuận. Sự gia tăng trong lợi nhuận lúc này sẽ kéo theo lợi nhuận kỳ sau giảm xuống. Ngược lại, lợi nhuận kì hiện tại giảm được tạo ra thông qua phương pháp dồn tích bằng việc đẩy doanh thu sang kì sau, ghi nhận sớm chi phí cho kì hiện tại sẽ làm tăng lợi nhuận trong kỳ tiếp theo. Quản trị lợi nhuận theo phương pháp dồn tích không ảnh hưởng đến dòng tiền của công ty. Các khoản dồn tích có thể được được chia thành hai thành phần, đó là dồn tích không tùy ý và dồn tích tùy ý. Các khoản dồn tích không tùy ý là các khoản dồn tích được xác định theo các điều kiện kinh tế bình thường của doanh nghiệp (Xiong, 2006). Các khoản dồn tích tùy ý là các khoản dồn tích không được quy định trong hợp đồng và là chính sách lựa chọn của nhà quản lý. Do đó, các khoản dồn tích tùy ý được giả định là kết quả của việc nhà quản lý tận dụng cơ hội để điều chỉnh lợi nhuận.
Scott (2012) đề xuất các hình thức quản trị lợi nhuận như thủ thuật “take a big bath” (làm xấu thêm tình hình kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc xử lý các khoản còn tồn đọng như phải thu, phải trả, hàng tồn kho để lợi nhuận các kì sau sẽ có bước chuyển biến tích cực và không còn những mối lo ngại về những khoản xấu tồn đọng trong quá khứ nữa), giảm thiểu thu nhập, tối đa hóa lợi nhuận hay làm mềm lợi nhuận. Setiawan (2009) gợi ý rằng các kỹ thuật quản trị lợi nhuận có thể được thực hiện với ba kỹ thuật, đó là (1) tận dụng các cơ hội để thiết lập các ước tính kế toán; (2) Thay đổi phương pháp kế toán; (3) Thay đổi kỳ kế toán ghi nhận chi phí hoặc doanh thu/ thu nhập.
Cụ thể, nghiên cứu của Moyer (1990) cho thấy các chính sách kế toán liên quan đến dự phòng khoản cho vay được các nhà quản lý tại các ngân hàng sử dụng thường xuyên để điều chỉnh lợi nhuận khi trong kỳ ghi nhận doanh thu tăng bất thường và tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn mức tối thiểu quy định. Tương tự, McNichols và Wilson (1988) cũng thực hiện nghiên cứu điều tra về việc nhà quản lý lợi dụng các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP) để điều chỉnh lợi nhuận. Kết quả là nhóm
tác giả phát hiện ra rằng các chính sách kế toán liên quan đến chỉ tiêu dự phòng nợ phải thu khó đòi thường được sử dụng cho mục đích điều chỉnh lợi nhuận.
Nghiên cứu của Keating và Zimmerman (1999) trình bày bằng chứng thực nghiệm cho thấy những nhà quản lý thường lợi dụng các chính sách kế toán liên quan đến phương pháp và thời gian trích khấu hao tài sản cố định để linh hoạt ứng biến với những thay đổi của luật thuế, nhằm mục tiêu giảm cơ sở thuế và giúp tác động đến lợi nhuận như mong muốn. Các nhà quản lý còn có thể tác động đến lợi nhuận nhằm đạt lợi ích cá nhân thông qua các điều chỉnh kế toán liên quan đến hàng tồn kho. Kết quả nghiên cứu của Hunt và cộng sự (1996) chứng minh được rằng các nhà quản lý thường sử dụng phương pháp nhập sau xuất trước (LIFO) hoặc bình quân gia quyền khi xác định giá trị hàng tồn kho để điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp sử dụng phương pháp nhập sau xuất trước (LIFO), trị giá hàng tồn kho cuối kỳ thường có giá trị thấp hơn, giá vốn hàng bán trong kỳ có giá trị cao hơn và do đó dẫn đến lợi nhuận thấp hơn so với phương pháp bình quân gia quyền. Do vậy, quyết định lựa chọn chính sách kế toán hàng tồn kho nào phù hợp nhất còn phụ thuộc vào mục đích của nhà quản lý muốn tăng hay giảm kết quả lợi nhuận.
2.1.2.2 Quản trị lợi nhuận thực
Ngày càng nhiều bằng chứng thực nghiệm đã cho thấy các doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn song song giữa cơ sở dồn tích và thực hiện, cơ cấu các quyết định kinh tế (Zang, 2012). Các quyết định kinh tế mà người quản trị có thể đưa ra để tác động đến chỉ tiêu lợi nhuận bao gồm: thực hiện các chính sách giảm giá, khuyến mãi và nới lỏng điều khoản tín dụng nhằm tăng doanh số hàng bán trong kỳ (Roychowdhury, 2006); lựa chọn bán tài sản dài hạn và các khoản đầu tư trong giai đoạn khó khăn (Gunny, 2010); tăng số lượng sản xuất trong kỳ, khi sản xuất nhiều sản phẩm hơn sẽ giảm định phí phân bổ trên mỗi sản phẩm, từ đó làm giảm giá thành cho mỗi đơn vị sản phẩm hoàn thành, điều này gián tiếp tác động đến giá vốn hàng bán (Chi và cộng sự, 2011); cắt giảm các khoản chi phí tùy ý như chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (Cheng, 2004).
Quản trị lợi nhuận thực có lợi thế so với quản trị lợi nhuận dồn tích vì cách này không dễ dàng bị phát hiện bởi các cơ quan quản lý hoặc kiểm toán viên và giúp nhà quản lý dễ đạt được mục tiêu lợi nhuận mong muốn hơn. Tuy nhiên, khác với quản
trị lợi nhuận dồn tích là mong đợi các khoản tích lũy trước đó sẽ được hoàn nhập trong tương lai, cái giá phải trả cho hành vi quản trị lợi nhuận thông qua cơ cấu các nghiệp vụ kinh tế có thể sẽ rất lớn vì hình thức thao túng thu nhập này có thể làm tăng lợi nhuận trong giai đoạn hiện tại nhưng có tác động xấu đến dòng tiền trong tương lai của công ty (Rowchowdhury, 2006). Thí dụ, việc sử dụng chương trình chiết khấu thương mại, khuyến mãi để thúc đẩy doanh số vào giai đoạn cuối niên độ kế toán có thể khiến khách hàng kỳ vọng rằng giảm giá sẽ tiếp tục quay lại trong tương lai. Do vậy khi giá bán trở về mức bình thường, có nguy cơ doanh số sẽ giảm xuống dưới mức ban đầu hoặc nếu doanh nghiệp chấp nhận duy trì chiết khấu giá bán, tỷ suất lợi nhuận biên sẽ giảm và tác động cuối cùng làm giảm chỉ tiêu lợi nhuận. Điều này sẽ bất lợi cho dòng tiền dài hạn khi giá vốn hàng bán có xu hướng ngày càng tăng thì giá bán lại giảm, dẫn đến dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh bị sụt giảm. Gunny (2005) kết luận rằng các công ty thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận thực trải qua sự suy giảm đáng kể về hiệu quả hoạt động trong tương lai.
Kết luận lại, không có sự ưu tiên lựa chọn cách thức quản trị lợi nhuận nào giữa các nhà quản lý. Các nhà quản lý có những cân nhắc khác nhau trong việc lựa chọn cả hai kỹ thuật quản trị lợi nhuận, các nhà quản lý cũng có xu hướng sử dụng kết hợp cả hai kỹ thuật để đạt được mục tiêu lợi nhuận mong muốn (Zang, 2012). Thực tế, nhà quản lý có thể áp dụng quản trị lợi nhuận thực vào bất cứ thời điểm nào trong kỳ vì sự linh hoạt trong việc đưa ra các quyết định kinh tế không bị ràng buộc bởi thời gian. Tuy nhiên, nhà quản lý có xu hướng lựa chọn quản trị lợi nhuận dồn tích trong giai đoạn sau khi kết thúc niên độ kế toán nhưng trước khi Báo cáo tài chính được phát hành nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận mong muốn nếu quản trị lợi nhuận dựa vào các quyết định kinh tế chưa giúp họ đạt được (Cohen và Zarowin, 2010).
2.1.3. Đo lường quản trị lợi nhuận dồn tích
Quản trị lợi nhuận đã nhận được sự quan tâm đáng kể khi nhiều bài nghiên cứu đã được các nhóm tác giả giải quyết với các giả thuyết khác nhau. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng môi trường nơi công ty đang hoạt động có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi quản trị lợi nhuận. Do vậy, vẫn chưa có sự thống nhất về cách phát hiện và đo lường hiệu quả quản trị lợi nhuận. Tuy nhiên, hầu hết các tác giả sử dụng phương pháp luận dựa trên dồn tích, đối với các mô hình phức tạp hơn thì các tác giả cố gắng
tách tổng dồn tích thành các thành phần dồn tích tùy ý và dồn tích không tùy ý. Cho tới hiện tại, trên thế giới tồn tại nhiều mô hình nghiên cứu hành vi quản trị lợi nhuận dồn tích, trong đó, mô hình của Jones (1991), mô hình Modified Jones (1995), mô hình của Dechow và Dichev (2002) và mô hình của Kothari và cộng sự (2005) là bốn mô hình được sử dụng phổ biến rộng rãi trong giới nghiên cứu và cung cấp kết quả đáng tin cậy để phát hiện hành vi quản trị lợi nhuận.
a) Mô hình Healy (1985)
Là một trong những nghiên cứu tiên phong về quản trị lợi nhuận, Healy (1985) tập trung nghiên cứu quản trị lợi nhuận trên cơ sở dồn tích. Healy cho rằng quản trị lợi nhuận diễn ra một cách có hệ thống qua mỗi kỳ kế toán khác nhau. Vì vậy, tổng dồn tích trong một kỳ kế toán được xác định bằng chênh lệch giữa lợi nhuận kế toán trừ đi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Mô hình của Healy sẽ giúp đo lường được biến dồn tích không tùy ý trong năm t bằng trung bình cộng của tỉ lệ tổng dồn tích chia tổng tài sản của các năm trước đó.
Ưu điểm dễ thấy nhất của mô hình này là đơn giản về tính toán nhưng có hạn chế khi giả định rằng khoản dồn tích không tùy ý là không đổi theo thời gian. Nhiều ý kiến cho rằng giả định của Healy chưa hợp lý vì khoản dồn tích trong kế toán, điển hình là các ước tính kế toán còn phụ thuộc vào đặc điểm hoạt động của công ty trong từng thời điểm cụ thể mà thay đổi, điều chỉnh tương ứng. Việc không kiểm soát được các tác động này làm giá trị dồn tích không tùy ý không đạt được sự chính xác và tin cậy.
b) Mô hình DeAngelo (1986)
DeAngelo (1986) đã xây dựng mô hình đo lường quản trị lợi nhuận dựa trên công thức của Healy nhưng với giả định có sự khác biệt so với Healy (1985), DeAngelo cho rằng chỉ có phần dồn tích tùy ý mới chính là nhân tố thể hiện mức độ quản trị lợi nhuận. Biến này được tính bằng sự thay đổi giữa tổng dồn tích năm hiện hành với năm trước, có nghĩa là tác giả đang xem tổng dồn tích năm trước chính là phần dồn tích không tùy ý của năm nay. Như vậy có thể thấy rằng, mô hình của DeAngelo có thể được xem như là một trường hợp đặc biệt của mô hình của Healy. Điểm khác biệt ở đây là DeAngelo coi kỳ kế toán để tính khoản dồn tích không tùy ý là năm liền kề trước đó, thay vì một số năm trước như trong cách tiếp cận của Healy. Điểm chung