2. Sự đáp ứng của nội dung khóa luận đối với đề tài khóa luậ n:
1.7. Đóng góp mới và ý nghĩa của nghiên cứu
1.7.1. Đóng góp mới của nghiên cứu
Nền kinh tế thế giới luôn chuyển động và đối diện với những thay đổi bất ngờ, khó có thể dự đoán được, do vậy việc xem xét những quyết định kinh tế của doanh nghiệp trong điều kiện không chắc chắn của chính sách kinh tế sẽ đem lại góc nhìn bao quát hơn về những động cơ thúc đẩy các hành vi của nhà quản lý trong doanh nghiệp. Theo kết quả tìm kiếm của người viết, bằng chứng thực nghiệm về tác động của tính bất định trong chính sách kinh tế vẫn còn là dòng nghiên cứu mới mẻ và chưa thực sự có nhiều sự đa dạng trong dòng nghiên cứu về khía cạnh này. Hạn chế của việc chưa tồn tại một phương thức đo lường toàn diện tính bất định của chính sách kinh tế đã trở thành rào cản đối với các nhà nghiên cứu. Do vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của tính bất định trong chính sách kinh tế, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi chứa đựng rất nhiều giá trị ý nghĩa, cần được khám phá và nghiên cứu sâu rộng. Tại Việt Nam ít có bài nghiên cứu nào phân tích tác động của tính bất định trong chính sách kinh tế lên hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhận biết được hạn chế này, người viết đã tiến hành thực hiện nghiên cứu mối quan hệ giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận, kì vọng kết quả nghiên cứu sẽ tạo tiền đề, hỗ trợ và mở ra các hướng đi cho các bài nghiên cứu về sau trong dòng nghiên cứu về tính bất định trong chính sách kinh tế và các quyết định kinh tế của doanh nghiệp. Về việc xây dựng mô hình nghiên cứu, người viết sử dụng 3 mô hình để xem xét mối quan hệ giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận trong toàn diện các mối quan hệ tương tác và trung gian. Tác giả cũng xem xét đo lường biến giải thích chính là tính bất định trong chính sách kinh tế theo cơ sở tin tức và kiểm định tính vững bằng chỉ số bất ổn kinh tế vĩ mô để có góc nhìn tổng quát hơn. Đồng thời, người viết cũng sử dụng thêm 2 phương pháp đo lường thay thế biến phụ thuộc quản trị lợi nhuận dồn tích nhằm đảm bảo tính vững của các mô hình. Người viết hi vọng với 3 mô hình nghiên cứu, xem xét tác động tương tác, trung gian và việc xem xét kết quả hồi quy với các thước đo thay thế biến phụ thuộc và biến giải thích chính, đồng thời mở rộng phân tích với biến phụ thuộc là quản trị lợi nhuận thực sẽ phản ánh đầy đủ và toàn vẹn mối quan hệ giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp, đây cũng là tính mới của đề tài.
1.7.2. Ý nghĩa của nghiên cứu
1.7.2.1 Về mặt khoa học
Đây là một trong số ít bài nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam tìm hiểu về tác động của tính bất định của chính sách kinh tế lên hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp, góp phần hình thành tiền đề cho các bài nghiên cứu sau trong cùng hướng nghiên cứu hoặc có liên quan, cung cấp cơ sở để làm so sánh kết quả nghiên cứu, bàn luận về mô hình và phương pháp nghiên cứu. Thêm vào đó, mô hình này cũng góp phần làm sáng tỏ cho độ tin cậy của các phương pháp đo lường nhận biết tính bất định trong chính sách kinh tế.
1.7.2.2 Về mặt thực tiễn
Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học giúp các cổ đông, nhà đầu tư nhận thấy được tác động của tính bất định trong chính sách kinh tế lên hành vi của các nhà quản lý bên trong doanh nghiệp, cụ thể là hành vi quản trị lợi nhuận, giảm bớt tình trạng bất cân xứng thông tin. Đồng thời, nghiên cứu này còn giúp các nhà đầu tư nhận định một cách thận trọng hơn về triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong những thời điểm có sự bất ổn trong chính sách và nền kinh tế. Người viết kì vọng rằng với những đề xuất, kiến nghị trong nghiên cứu này sẽ góp phần thúc đẩy chất lượng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết và là cơ sở để chính phủ, các cơ quan ban ngành thận trọng hơn mỗi khi thực hiện các thay đổi mới về chính sách.
1.8. Kết cấu của đề tài
Đề tài “Tính bất định trong chính sách kinh tế và hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp – Bằng chứng thực nghiệm từ Việt Nam” gồm 5 chương như sau:
Chương 1: Giới thiệu đề tài nghiên cứu
Trong chương 1, người viết đề cập đến tính cấp thiết của đề tài, tổng quan tình hình nghiên cứu, mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu, từ đó rút ra những đóng góp mới về mặt khoa học và thực tiễn của bài nghiên cứu.
Chương 2: Cơ sở lý thuyết
Ở chương này, đầu tiên, người viết trình bày về khái niệm về tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận, các yếu tố ảnh hưởng đến quản trị lợi nhuận.
Bên cạnh đó, người viết trình bày các lý thuyết nền và các lý luận cho mối quan hệ giữa hai khía cạnh trên. Đồng thời, người viết cũng phân tích cụ thể các phương pháp đo lường biến phổ biến.
Chương 3: Phương pháp nghiên cứu
Trong chương 3, người viết căn cứ vào lý thuyết và các quan điểm lý luận của các nghiên cứu trước để đề xuất ra các giả thuyết nghiên cứu, tương ứng là các mô hình nghiên cứu. Thêm vào đó, người viết trình bày cách đo lường biến phụ thuộc, biến giải thích chính và các biến kiểm soát, giải thích lý do lựa chọn những biến đó vào mô hình, sau đó tiến hành ước lượng và kiểm định giả thuyết nghiên cứu.
Chương 4: Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Thông qua trình bày thống kê mô tả và kết quả hồi quy, người viết giải thích ý nghĩa thống kê của các biến trong mô hình, so sánh kết quả với những nghiên cứu trước, giải thích các mối quan hệ trong mô hình.
Chương 5: Kết luận và kiến nghị
Chương 5 đưa ra những kết luận từ việc thực hiện toàn bộ nghiên cứu, đề xuất một số gợi ý, đề xuất mang lại lợi ích đối với các bên liên quan trên thị trường vốn về những vấn đề liên quan đến đối tượng nghiên cứu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đóng góp vào dòng nghiên cứu về tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận và những đề xuất mở hướng cho các nghiên cứu mới trong tương lai.
Sơ kết chương 1
Trong chương 1, người viết trình bày các vấn đề liên quan đến đề tài như tính cấp thiết của đề tài trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Chương này cũng mang một cái nhìn khái quát về tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước xoay quanh vấn đề tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận, từ đó người viết xác định được khoảng trống nghiên cứu, xây dựng đối tượng và phạm vi nghiên cứu để đạt được các mục tiêu, câu hỏi nghiên cứu. Song song đó, người viết trình bày những đóng góp mới của nghiên cứu, những ý nghĩa của đề tài về mặt khoa học và thực tiễn. Các chương tiếp theo sẽ phân tích cụ thể cơ sở lý thuyết, mô hình nghiên cứu, phân tích kết quả, từ đó đưa ra kết luận và thảo luận về đề tài nghiên cứu.
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.1. Tổng quan lý thuyết về quản trị lợi nhuận 2.1.1. Khái niệm về quản trị lợi nhuận 2.1.1. Khái niệm về quản trị lợi nhuận
Để có thể hình dung một cách tổng quát quản trị lợi nhuận được định nghĩa như thế nào, trước hết cùng xem xét những định nghĩa được phổ biến rộng rãi trong nghiên cứu học thuật. Theo Schipper (1989), quản trị lợi nhuận chính là sự can thiệp có mục đích trong quy trình lập và trình bày báo cáo tài chính cho các bên liên quan ngoài doanh nghiệp với mục đích thu được các lợi ích cá nhân. Còn với Healy và Wahlen (1999) cho rằng quản trị lợi nhuận xảy ra khi nhà quản lý sử dụng các xét đoán trong báo cáo tài chính và thay đổi cơ cấu các hoạt động trong doanh nghiệp để thay đổi kết quả báo cáo nhằm đánh lừa các bên liên quan về tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp hoặc để tác động những hợp đồng mà có sự cam kết đi liền với các chỉ tiêu lợi nhuận kế toán. Gần đây, Ronen và Yaari (2008) đã định nghĩa khái quát hơn, khi cho rằng hành vi quản trị lợi nhuận là tập hợp các quyết định quản lý mà kết quả sẽ dẫn đến không phản ánh đúng thu nhập thực nhằm tối đa hóa giá trị công ty mà nhà quản lý đã biết về chúng. Có thể thấy định nghĩa của Ronen và Yaari có những điểm đồng nhất với Healy và Wahlen khi cho rằng quản trị lợi nhuận được thực hiện bằng cách chi phối các chính sách kinh tế và nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Ngoài ra, Ronen và Yaari (2008) cũng nhấn mạnh rằng hành vi này là nhằm mục đích trình bày lợi nhuận trên báo cáo tài chính khác với lợi nhuận thực từ đó gây hiểu lầm để trục lợi cho bản thân.
Mặc dù được chấp nhận rộng rãi nhưng nhược điểm là các định nghĩa này khó vận hành trực tiếp thông qua sử dụng các thuộc tính của các con số kế toán được báo cáo vì chúng phụ thuộc vào ý định của người quản lý và hiển nhiên là điều này không thể quan sát được. Do vậy, các nghiên cứu về quản trị lợi nhuận thường đặt trong bối cảnh động cơ thực hiện quản trị lợi nhuận của người quản lý. Tùy theo mục tiêu cụ thể, người quản lý có thể tiến hành điều chỉnh lợi nhuận tăng hoặc giảm so với lợi nhuận thực tế của công ty và từ đó định nghĩa về quản trị lợi nhuận tương ứng được xây dựng một cách cụ thể. Trong nghiên cứu này, định nghĩa được sử dụng chính thức về quản trị lợi nhuận là định nghĩa của Healy và Wahlen (1999).
Mặc dù có một ranh giới mỏng giữa quản trị lợi nhuận và gian lận tài chính, nhưng sự khác biệt giữa chúng phải được xác định rõ ràng. Brown (1999) và Erickson, Hanlon và Maydew (2006) nói rằng quản trị lợi nhuận thường nằm trong phạm vi của các chính sách kế toán được chấp nhận (GAAP) nhưng gian lận tài chính nằm ngoài ranh giới GAAP. Mặc dù quản trị lợi nhuận và gian lận tài chính có sự khác biệt về mặt hành động, nhưng hai vấn đề này đều có ảnh hưởng như nhau đối với báo cáo tài chính. Theo Perols and Lounge (2011), các công ty sẽ có hành vi gian lận vì những ràng buộc trong quản trị lợi nhuận. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các công ty đã quản trị lợi nhuận của họ trước đây có nhiều khả năng thực hiện hành vi gian lận hơn. Tính chính xác của báo cáo tài chính phụ thuộc vào sự tồn tại của các hành vi này. Quản trị lợi nhuận dễ dẫn đến việc hiểu sai về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và dù ban đầu, người quản lý lựa chọn quản trị lợi nhuận vì lợi ích cá nhân hay vì doanh nghiệp, xấu hay tốt (Jiraporn và cộng sự, 2008) thì kết quả vẫn có thể dẫn đến những thiệt hại cho các bên sử dụng thông tin Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Chính vì lý do đó, hành vi quản trị lợi nhuận luôn là chủ đề được khai thác sâu rộng và đa dạng trong nghiên cứu lí thuyết lẫn nghiên cứu thực nghiệm.
2.1.2. Phân loại quản trị lợi nhuận
Quản trị lợi nhuận là sự lựa chọn các chính sách kế toán hay thực hiện những hành động mà qua đó ảnh hưởng tới thu nhập của doanh nghiệp để nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định lợi nhuận trên báo cáo tài chính (Scott, 2015). Quản trị lợi nhuận sử dụng các chính sách kế toán được gọi là quản trị lợi nhuận dồn tích, còn quản trị lợi nhuận thực hiện thông qua các quyết định kinh doanh thực tế tại doanh nghiệp thì được gọi là quản trị lợi nhuận thực.
2.1.2.1 Quản trị lợi nhuận dồn tích
Một trong những cách thức mà nhà quản lý thường thực hiện quản trị lợi nhuận là thông qua lựa chọn các chính sách kế toán được chấp nhận (GAAP) để tác động đến lợi nhuận. Trên thực tế, không có quy tắc cấm ban giám đốc thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận, các chuẩn mực kế toán tài chính cho phép nhà quản lý lựa chọn, xác định các chính sách và phương pháp kế toán phù hơp bao gồm kế toán dồn tích đã tạo cơ hội để các nhà quản lý thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận. Động cơ của nhà quản lý để thực hiện quản trị lợi nhuận bao gồm các vấn đề liên quan đến tiền
thưởng, hợp đồng nợ, chi phí chính trị, động cơ thuế, kế hoạch bán cổ phiếu (Watts và Zimmerman, 1986).
Theo Xu và cộng sự (2007), quản trị lợi nhuận dồn tích thực chất chỉ là sự chuyển dịch lợi nhuận kế toán giữa các kỳ. Quản trị lợi nhuận dồn tích có sự đảo ngược dồn tích ở giai đoạn sau khi điều chỉnh lợi nhuận. Sự gia tăng trong lợi nhuận lúc này sẽ kéo theo lợi nhuận kỳ sau giảm xuống. Ngược lại, lợi nhuận kì hiện tại giảm được tạo ra thông qua phương pháp dồn tích bằng việc đẩy doanh thu sang kì sau, ghi nhận sớm chi phí cho kì hiện tại sẽ làm tăng lợi nhuận trong kỳ tiếp theo. Quản trị lợi nhuận theo phương pháp dồn tích không ảnh hưởng đến dòng tiền của công ty. Các khoản dồn tích có thể được được chia thành hai thành phần, đó là dồn tích không tùy ý và dồn tích tùy ý. Các khoản dồn tích không tùy ý là các khoản dồn tích được xác định theo các điều kiện kinh tế bình thường của doanh nghiệp (Xiong, 2006). Các khoản dồn tích tùy ý là các khoản dồn tích không được quy định trong hợp đồng và là chính sách lựa chọn của nhà quản lý. Do đó, các khoản dồn tích tùy ý được giả định là kết quả của việc nhà quản lý tận dụng cơ hội để điều chỉnh lợi nhuận.
Scott (2012) đề xuất các hình thức quản trị lợi nhuận như thủ thuật “take a big bath” (làm xấu thêm tình hình kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc xử lý các khoản còn tồn đọng như phải thu, phải trả, hàng tồn kho để lợi nhuận các kì sau sẽ có bước chuyển biến tích cực và không còn những mối lo ngại về những khoản xấu tồn đọng trong quá khứ nữa), giảm thiểu thu nhập, tối đa hóa lợi nhuận hay làm mềm lợi nhuận. Setiawan (2009) gợi ý rằng các kỹ thuật quản trị lợi nhuận có thể được thực hiện với ba kỹ thuật, đó là (1) tận dụng các cơ hội để thiết lập các ước tính kế toán; (2) Thay đổi phương pháp kế toán; (3) Thay đổi kỳ kế toán ghi nhận chi phí hoặc doanh thu/ thu nhập.
Cụ thể, nghiên cứu của Moyer (1990) cho thấy các chính sách kế toán liên quan đến dự phòng khoản cho vay được các nhà quản lý tại các ngân hàng sử dụng thường xuyên để điều chỉnh lợi nhuận khi trong kỳ ghi nhận doanh thu tăng bất thường và tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn mức tối thiểu quy định. Tương tự, McNichols và Wilson (1988) cũng thực hiện nghiên cứu điều tra về việc nhà quản lý lợi dụng các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP) để điều chỉnh lợi nhuận. Kết quả là nhóm
tác giả phát hiện ra rằng các chính sách kế toán liên quan đến chỉ tiêu dự phòng nợ phải thu khó đòi thường được sử dụng cho mục đích điều chỉnh lợi nhuận.
Nghiên cứu của Keating và Zimmerman (1999) trình bày bằng chứng thực nghiệm cho thấy những nhà quản lý thường lợi dụng các chính sách kế toán liên quan đến phương pháp và thời gian trích khấu hao tài sản cố định để linh hoạt ứng biến với những thay đổi của luật thuế, nhằm mục tiêu giảm cơ sở thuế và giúp tác động đến