2. Sự đáp ứng của nội dung khóa luận đối với đề tài khóa luậ n:
2.3.2. Bằng chứng thực nghiệm
Các nghiên cứu thực nghiệm về ảnh hưởng của tính bất định trong chính sách kinh tế lên hành vi quản trị lợi nhuận chỉ mới xuất hiện phổ biến trong thời gian 5 năm gần đây. Có hai quan điểm trái ngược nhau về tác động của tính bất định trong chính sách kinh tế đối với quản trị lợi nhuận. Một quan điểm cho rằng sự gia tăng tính bất định trong chính sách kinh tế, chẳng hạn như tồn tại trong thời kỳ khủng hoảng, có liên quan đến sự gia tăng sự quan tâm, chú ý của các nhà đầu tư, cơ quan quản lý (Loh và Stulz, 2018; Andrei và cộng sự, 2019). Do đó, các nhà quản lý hạn chế quản trị lợi nhuận. Lập luận ngược lại được đưa ra trong các nghiên cứu khác nói rằng sự chú ý hạn chế hoặc sự phân tâm của nhà đầu tư mang lại nhiều cơ hội hơn cho việc quản trị lợi nhuận (Teoh và cộng sự, 1998; Garel và cộng sự, 2017). Do đó, tính bất định trong chính sách kinh tế càng cao có thể thúc đẩy các nhà quản lý tăng cường quản trị lợi nhuận.
Với phạm vi nghiên cứu gồm 19 quốc gia khác nhau, El Ghoul và cộng sự (2021) nhận thấy rằng các công ty hạn chế điều chỉnh lợi nhuận khi tính bất định trong chính sách kinh tế tăng cao. Về cơ bản, nhóm tác giả tập trung vào các nhà đầu tư tổ chức và nhận thấy rằng giao dịch với các tổ chức tăng trong thời gian bất định chính sách kinh tế tăng cao. Họ cũng chỉ ra rằng tác động của tính bất định chính sách kinh tế thay đổi theo mức độ của giao dịch tổ chức, điều này ngụ ý rằng sự chú ý của các nhà đầu tư tổ chức tăng lên trong thời gian tính bất định tăng cao. Nhóm tác giả nhận thấy
rằng sự chú ý ngày càng tăng từ những người tham gia thị trường là một cơ chế mà qua đó hạn chế hành vi quản trị lợi nhuận khi tính bất định trong chính sách kinh tế tăng cao. Tương tự, Kim và Yasuda (2021) cũng cho thấy kết quả nghiên cứu thực nghiệm mối quan hệ ngược chiều giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận với phạm vi nghiên cứu là các doanh nghiệp Nhật Bản.
Mặt khác, theo hướng phân tích ngược lại, Cahan (1992) cho thấy rằng nhà quản lý thay đổi các khoản dồn tích tùy ý dựa trên những thay đổi về hành động điều tiết tiềm năng của chính phủ, hỗ trợ giả thuyết chi phí chính trị. Ngoài ra, một nghiên cứu về ngành công nghiệp cáp của Hoa Kỳ cho thấy lợi nhuận bị điều chỉnh giảm trong năm 1989 và 1990. Khoảng thời gian này đồng thời xảy ra cuộc tranh luận về quy định lại ngành công nghiệp cáp tại Quốc hội Hoa Kỳ (Key, 1997). Kết quả của Key cung cấp thêm bằng chứng rõ ràng cho lý thuyết chi phí chính trị.
Đồng tình với hướng phân tích này, Schipper (1989) lập luận rằng tính bất định trong chính sách kinh tế tạo ra nhiều cơ hội cho việc làm đẹp báo cáo tài chính (window dressing) khi tình trạng bất cân xứng thông tin giữa các nhà quản lý và nhà đầu tư trở nên gay gắt hơn. Stein và Wang (2016) cho rằng sự tồn tại vấn đề bất cân xứng thông tin đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp điều chuyển lợi nhuận ở giai đoạn bất định chính sách kinh tế cao sang các giai đoạn ổn định hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp báo cáo nhiều khoản dồn tích tùy ý âm hơn khi thị trường tài chính trở nên không chắc chắn về triển vọng tương lai. Theo sau đó, Yung và Root (2019) đưa ra bằng chứng quốc tế với phát hiện rằng tính bất định trong chính sách kinh tế càng cao thì mức độ quản trị lợi nhuận càng lớn.