2. Sự đáp ứng của nội dung khóa luận đối với đề tài khóa luậ n:
1.6. Phương pháp nghiên cứu
Để nghiên cứu về tác động của tính bất định trong chính sách kinh tế đến hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp, người viết xây dựng ba mô hình. Mô hình hồi quy đầu tiên cũng chính là mô hình chính trong nghiên cứu, được xây dựng dựa trên bài nghiên cứu của Stein và Wang (2016), mô hình thứ hai là hồi quy mô hình chính với việc sử dụng biến kiểm soát phân loại là chi phí đại diện theo nghiên cứu của Jain và cộng sự (2020). Mô hình thứ ba được phát triển từ mô hình trung gian theo nghiên cứu của Bermpei và cộng sự (2020), trong đó biến trung gian là yếu tố hạn chế tài chính, đo lường theo chỉ số WW (Whited và Wu, 2006).
Trong cả ba mô hình, biến phụ thuộc là biến mức độ quản trị lợi nhuận trên cơ sở dồn tích của công ty (AEM) được đo lường theo mô hình Modified Jones (1995). Biến giải thính chính được tác giả sử dụng trong bài nghiên cứu này là biến tính bất định trong chính sách kinh tế (EPU), được đo lường thông qua chỉ số WUI (Ahir và cộng sự, 2018). Ở mô hình thứ hai, người viết tiến hành hồi quy mô hình thứ nhất trên hai mẫu dữ liệu được chia bởi biến kiểm soát phân loại là chi phí đại diện và xem xét hệ số hồi quy của biến giải thích chính EPU ở hai nhóm dữ liệu rằng liệu hệ số ở nhóm có chi phí đại diện cao có lớn hơn hệ số ở nhóm có chi phí đại diện thấp và sự khác biệt đó có ý nghĩa thống kê hay không. Trong mô hình thứ 3, người viết tiến hành hồi quy biến trung gian thông qua 3 mô hình theo thứ tự: mô hình thứ nhất là hồi quy giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận, mô hình thứ
hai xem xét mối quan hệ giữa tình trạng hạn chế tài chính với tính bất định trong chính sách kinh tế và mô hình cuối cùng là sự kết hợp xem xét mối quan hệ của cả 3 biến: quản trị lợi nhuận, tình trạng hạn chế tài chính và tính bất định trong chính sách kinh tế. Bên cạnh biến phụ thuộc và biến giải thích chính, người viết cũng bổ sung vào mô hình các biến kiểm soát – những yếu tố thể hiện mức độ giải thích của chúng cho sự biến thiên của biến phụ thuộc ngoài biến giải thích, bao gồm có giá trị doanh nghiệp (SIZE), đòn bẩy tài chính (LEV), tài sản cố định (FA), hàng tồn kho (INV), tăng trưởng doanh thu (SG), tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA), biến giả lỗ (LOSS), biến giả chia cổ tức (DIV).
Dữ liệu tài chính sử dụng trong bài nghiên cứu này là dữ liệu bảng (dữ liệu hai chiều không gian và thời gian) trong khoảng giai đoạn 2007-2020, được thu thập từ nguồn dữ liệu tài chính uy tín là Fiinpro cùng với thông tin về giá trị thị trường được cung cấp bởi Vietstock bao gồm dữ liệu về giá cổ phiếu giao dịch, số lượng cổ phiếu đang lưu hành và giá trị vốn hóa của doanh nghiệp.
Sau khi đã có đầy đủ dữ liệu, người viết thực hiện xử lí dữ liệu ở các bước cơ bản nhằm đảm bảo dữ liệu không còn các giá trị lặp cũng như các giá trị ngoại lai. Sau đó, với dữ liệu bảng đã được xử lí đó, người viết tiến hành thực hiện ước lượng, hồi quy theo phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất (pooled OLS). Sau đó thực hiện kiểm định Breusch-Pagan/Cook-Weisberg và Wooldrige để kiểm tra liệu mô hình được chọn có xảy ra hiện tương phương sai thay đổi và hiện tượng tự tương quan hay không. Nếu mô hình tồn tại các khuyết tật này, người viết sẽ sử dụng phương pháp hồi quy OLS có kết hợp với ước tính robust-cluster.
Thêm vào đó, để kiểm định tính vững cho các mô hình hồi quy, ngoài biến phụ thuộc hành vi quản trị lợi nhuận dồn tích được đo lường theo mô hình Modified Jones (1995), người viết thực hiện đo lường thêm theo 2 mô hình khác là mô hình Jones (1991) và Kothari và cộng sự (2005). Cùng với đó, người viết xem xét kết quả nghiên cứu liệu còn ý nghĩa khi thay thế thước đo tính bất định trong chính sách kinh tế bằng chỉ số bất ổn kinh tế vĩ mô. Cuối cùng, nhằm mở rộng phân tích cho bài nghiên cứu, người viết tiến hành xem xét ảnh hưởng của tính bất định trong chính sách kinh tế lên hành vi quản trị lợi nhuận thực trong doanh nghiệp nhằm cung cấp bằng chứng thực nghiệm toàn diện và tăng độ tin cậy cho nghiên cứu.