2. Sự đáp ứng của nội dung khóa luận đối với đề tài khóa luậ n:
4.4. Nghiên cứu mở rộng
Ngoài quản trị lợi nhuận dồn tích thì quản trị lợi nhuận thực (REM) cũng thường được doanh nghiệp thực hiện (Cohen và Zarowin, 2010; Roychowdhury, 2006). Roychowdhury (2006) định nghĩa quản trị lợi nhuận thực là các quyết định của nhà quản lý khác với các thực hành kinh doanh thông thường, được thực hiện với mục tiêu chính là đáp ứng các ngưỡng lợi nhuận nhất định. Roychowdhury cung cấp bằng chứng nhất quán với việc các nhà quản lý đang thao túng các hoạt động thực tế để tránh báo cáo các khoản lỗ hàng năm. Cụ thể, tác giả đưa ra bằng chứng về việc các nhà quản lý sử dụng chiết khấu giá bán để tăng doanh thu tạm thời, sản xuất thừa để báo cáo giá vốn hàng bán thấp hơn và giảm các khoản chi tiêu tùy ý để cải thiện chỉ tiêu lợi nhuận sau cùng được báo cáo. Do đó, quản trị lợi nhuận thực có thể làm giảm giá trị doanh nghiệp do các hành động được thực hiện trong giai đoạn hiện tại để tăng thu nhập có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với dòng tiền trong tương lai (Roychowdhury, 2006).
Để nhằm tăng thêm độ tin cậy về kết quả hồi quy trên tính bất định trong chính sách kinh tế, người viết xem xét liệu tính bất định trong chính sách kinh tế có liên quan đến quản trị lợi nhuận thực của doanh nghiệp hay không. Trước hết, người viết hy vọng sẽ có kết quả nhất quán với các kết quả hồi quy với quản trị lợi nhuận dồn tích ở trên. Cohen và Zarowin (2010) nhận thấy rằng doanh nghiệp có thể thay thế quản trị lợi nhuận dồn tích bằng quản trị lợi nhuận thực, tùy thuộc vào đánh giá của nhà quản lý cũng như các tác động của đặc trưng ngành kinh doanh. Cụ thể, người
viết kỳ vọng tính bất định trong chính sách kinh tế tác động cùng chiều đến quản trị lợi nhuận thực.
Dựa trên các nghiên cứu lí thuyết lẫn thực nghiệm, người viết sử dụng ba thước đo cho quản trị lợi nhuận dồn tích bao gồm tiền mặt bất thường nợ từ hoạt động (DISCFO), chi phí tùy ý bất thường (DISEXP) và chi phí sản xuất bất thường (DISPROD), các nhà nghiên cứu (Cohen và Zarowin, 2010; Zang, 2012) xác nhận rằng đây là những cách đo lường đại diện tốt cho quản trị lợi nhuận thực. Sử dụng chiết khấu giá để tăng doanh số bán hàng có thể dẫn đến giảm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Các nhà quản lý có thể cắt giảm các khoản chi tiêu tùy ý như chi phí nghiên cứu và phát triển để tăng thu nhập được báo cáo. Tương tự, các nhà quản lý có thể tăng tỷ suất lợi nhuận biên được báo cáo bằng cách sản xuất quá mức hàng tồn kho để báo cáo giá vốn hàng bán thấp hơn. Kết quả là, quản trị lợi nhuận thực dẫn đến mức thấp bất thường của dòng tiền, mức chi tiêu tùy ý thấp bất thường và mức chi phí sản xuất cao bất thường. Ngoài ra, để xem xét trên góc nhìn là mức độ quản trị lợi nhuận thực, người viết kết hợp cả 3 yếu tố trên (REM_total) với ngụ ý rằng các nhà quản lý trong thực tế vận dụng linh hoạt và đồng thời cùng lúc một hoặc nhiều hành động, nghiệp vụ thực tế nhằm điều chỉnh lợi nhuận (Cohen và cộng sự, 2012). Bảng 4.7 trình bày kết quả hồi quy đa biến tác động của tính bất định trong chính sách kinh tế lên quản trị lợi nhuận thực.
Đầu tiên, xét về mức độ quản trị lợi nhuận thực (REM_total) cho hệ số hồi quy biến EPU là dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Điều này hàm ý rằng tính bất định trong chính sách kinh tế có tác động cùng chiều lên mức độ quản trị lợi nhuận thực, nhất quán với kết quả nghiên cứu với quản trị lợi nhuận dồn tích ở trên. Đáng chú ý, hệ số này cao hơn đáng kể (gần 50%) so với hệ số hồi quy của quản trị lợi nhuận dồn tích (0,071 so với 0,105). Điều này hàm ý rằng trong giai đoạn bất định trong chính sách kinh tế tăng cao, các doanh nghiệp Việt Nam tích cực thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận thực ở mức độ thường xuyên hơn so với quản trị lợi nhuận dồn tích. Xem xét cụ thể về hướng thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận thực, kết quả ở cột (2), (3) và (4) với hệ số biến EPU lần lượt là 0.097 (mức ý nghĩa 1%) cho DISPROD, -0,024 (mức ý nghĩa 10%) cho DISEXPvà0,031 (giá trị p-value =0,153) cho DISCFO.
Bảng 4.7 Bảng kết quả hồi quy mô hình mối quan hệ giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận thực
TÊN BIẾN (1) (2) (3) (4)
REM_total DISPROD DISEXP DISCFO
EPU 0,105*** 0,097*** -0,024* 0,031 (0,034) (0,024) (0,013) (0,022) SIZE 0,002 0,005*** 0,000 -0,003** (0,002) (0,002) (0,001) (0,001) SG 0,003 0,004** 0,002** -0,002 (0,003) (0,001) (0,001) (0,003) LEV 0,090*** -0,006 -0,047*** 0,143*** (0,022) (0,016) (0,007) (0,013) FA -0,218*** -0,060*** 0,026*** -0,185*** (0,016) (0,011) (0,006) (0,010) ROA -2,022*** -1,426*** 0,247*** -0,843*** (0,062) (0,041) (0,021) (0,036) INV 0,301*** 0,192*** 0,056*** 0,052*** (0,032) (0,027) (0,008) (0,014) LOSS -0,137*** -0,094*** 0,027*** -0,069*** (0,015) (0,009) (0,004) (0,009) DIV -0,014 -0,022*** 0,018*** -0,010* (0,008) (0,005) (0,002) (0,005) Hằng số 0,158** 0,008 -0,057** 0,207*** (0,066) (0,050) (0,026) (0,040) Số quan sát 5,915 5,915 5,915 5,915 R2 0,323 0,299 0,082 0,221 Hiệu ứng ngành CÓ CÓ CÓ CÓ
(Nguồn: Tác giả tổng hợp dựa trên dữ liệu thu thập) Ghi chú: Bảng 4.7 thể hiện kết quả hồi quy với biến phụ thuộc là quản trị lợi nhuận thực. Gồm 4 biến phụ thuộc: chi phí sản xuất bất thường (DISPROD), chi phí tùy ý bất thường (DISEXP) và dòng tiền hoạt động bất
thường (DISCFO) được đo theo mô hìnhRoychowdhury (2006), REM_Total được đo theo đề xuất của Cohen
và cộng sự (2012); EPU là chỉ số WUI cho Việt Nam tính theo năm được phát triển bởi Ahir và cộng sự (2018); SIZE = logarit tự nhiên của tổng tài sản; LEV = tổng nợ chia tổng tài sản,biến giả AGENCY nhận giá trị bằng 1 nếu chi phí đại diện lớn hơn giá trị trung vị theo nhóm ngành-năm và ngược lại nhận giá trị 0; SG=tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp; ROA = tỉ suất sinh lời trên tài sản; FA= tỉ lệ tài sản cố định chia tổng tài sản; INV=tỉ lệ hàng tồn kho chia tổng tài sản; biến giả LOSS bằng 1 khi trong năm báo lỗ và ngược lại nhận giá trị 0; biến giả DIV nhận giá trị 1 nếu trong năm có chia cổ tức bằng tiền và ngược lại nhận giá trị 0; AEM2, AEM3 lần lượt là các biến phụ thuộc thay thế cho mức độ quản trị lợi nhuận theo mô hình Jones (1991) và Kothari và cộng sự (2005). Hiệu ứng cố định theo ngành được kiểm soát và các sai số chuẩn được nhóm theo 2 chiều (doanh nghiệp-năm). Các ký hiệu ***, **, * ứng với mức ý nghĩa thống kê 1%, 5%, 10%, sai số chuẩn được thể hiện trong dấu ngoặc đơn in nghiêng.
Kết quả này cho thấy rằng, các doanh nghiệp lựa chọn thao túng các khoản chi phí tùy ý trong những giai đoạn tính bất định trong chính sách kinh tế tăng cao, cách thức này dễ thực hiện, dễ kiểm soát và tác động của nó cũng được phản ánh một cách nhanh chóng trên báo cáo tài chính. Các nhà quản ký cũng tích cực điều chỉnh hoạt động sản xuất bằng việc sản xuất dư thừa để nhằm giảm giá vốn hàng bán, tăng lợi nhuận biên vào cuối kì báo cáo. Hệ số của EPU không có ý nghĩa thống kê khi biến quản trị lợi nhuận thực được đo dưới khoản dòng tiền bất thường DISCFO cho thấy rằng các doanh nghiệp có thể hạn chế thực hiện các hành vi chiết khấu hàng bán hay nới lỏng tín dụng trong những giai đoạn bất định trong chính sách kinh tế tăng cao vì các nhà quản lý lo ngại tác động tiêu cực nhanh chóng được phán ảnh lên dòng tiền của doanh nghiệp tại cuối năm nay và trong năm ngay sau đó.
Sơ kết chương 4
Dựa vào phương pháp nghiên cứu đã được trình bày ở chương 3, người viết tiến hành hồi quy các mô hình và trình bày kết quả nghiên cứu trong chương 4. Cụ thể tác giả lần lượt trình bày thống kê mô tả, phân tích tương quan, kết quả hồi quy đơn biến và hồi quy đa biến của các mô hình. Các kiểm định khuyết tật cần thiết được thực hiện và cơ sở để người viết lựa chọn các phương pháp ước lượng phù hợp. Kết quả hồi quy OLS có kết hợp ước tính robust-cluster đã cho thấy bằng chứng về mối quan hệ cùng chiều của tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận, tác động điều tiết của chi phí đại diện và tác động trung gian của tình trạng hạn chế tài chính lên mối quan hệ này. Đồng thời thực hiện hồi quy với các cách đo lường thay thế cho biến phụ thuộc và biến giải thích chính nhằm kiểm định tính vững của mô hình. Ngoài ra, người viết còn mở rộng phân tích xem xét mối quan hệ giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận thực.
CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ 5.1. Kết luận
Tính bất định trong chính sách kinh tế đang là đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm khi các doanh nghiệp đối diện những bất định trong chính sách kinh tế với tấn suất thường xuyên hơn khi vận hành trong một thế giới mà sự mở cửa và hội nhập của các nền kinh tế càng trở nên sâu rộng. Việc xem xét những phản ứng của doanh nghiệp trước những bất định đó là hướng nghiên cứu được giới học thuật dành nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây. Các nhà quản lý nhận định được những tác động của tính bất định trong chính sách kinh tế có thể gây ra bất lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng sau cùng tới kết quả kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận từ đó có động cơ thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận nhằm đảm bảo lợi ích cá nhân và các mục tiêu khác của doanh nghiệp (Gulen and Ion, 2015)
Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu tài chính của 609 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán HOSE và HNX trong giai đoạn 2007-2020 để xem xét mối quan hệ giữa tính bất định trong chính sách kinh tế và quản trị lợi nhuận trong doanh nghiệp. Trong đó, đại diện chính cho quản trị lợi nhuận là mức độ quản trị lợi nhuận trên cơ sở dồn tích theo mô hình Modified Jones (1995) cùng với hai thước đo thay thế bao gồm mô hình Jones (1991) và Kothari và cộng sự (2005). Để đo lường tính bất định trong chính sách kinh tế, người viết sử dụng chỉ số WUI dựa trên đề xuất của Ahir và cộng sự (2018). Mô hình cũng bao gồm các yếu tố tài chính quan trọng có tác động đến quản trị lợi nhuận dựa trên các nghiên cứu trước đó. Người viết thực hiện các phân tích, kiểm định cần thiết và sử dụng phương pháp hồi quy OLS có kết hợp ước tính robust-cluster cho các mô hình trong bài nghiên cứu.
Kết quả của bài nghiên cứu trả lời cho ba câu hỏi về tác động của tính bất định trong chính sách kinh tế lên quản trị lợi nhuận. Thứ nhất, kết quả ước lượng cho thấy rằng tính bất định trong chính sách kinh tế có tác động cùng chiều lên mức độ quản trị lợi nhuận tại các công ty niêm yết Việt Nam. Điều này nói lên rằng các nhà quản lý thường xuyên thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận trong giai đoạn doanh nghiệp chịu những tác động không lường trước được do tính bất định trong chính sách kinh tế gây ra. Thứ hai, bài nghiên cứu phát hiện ra rằng ở các doanh nghiệp có chi phí đại diện cao, tức mâu thuẫn lợi ích giữa nhà quản lý và chủ sở hữu có khoảng cách lớn
thì mối quan hệ này càng trở nên mạnh mẽ hơn. Khi các nhà quản lý có nhiều động cơ để thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận nhằm đảm bảo lợi ích cá nhân thì mức độ quản trị lợi nhuận sẽ càng lớn, và càng được khuếch đại trong giai đoạn tính bất định trong chính sách kinh tế tăng cao khi chỉ tiêu lợi nhuận dịch chuyển ngoài tầm kiểm soát của nhà quản lý. Thứ ba, kết quả nghiên cứu cho thấy hạn chế tài chính đóng vai trò như là kênh trung gian qua đó làm tăng động cơ tham gia quản trị lợi nhuận trong giai đoạn tính bất định trong chính sách kinh tế tăng cao. Về cơ bản, các kết quả nghiên cứu này đồng nhất với khá nhiều nghiên cứu trước (Yung và Root, 2019; Stein và Wang, 2016; Bermpei và cộng sự, 2020; Jain và cộng sự, 2020).
Phát hiện của bài nghiên cứu này làm sáng tỏ tác động của tính bất định trong chính sách kinh tế lên hành vi điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản lý, cùng với kết quả từ phân tích mở rộng, nghiên cứu này đã cho thấy rằng tính bất định trong chính sách kinh tế có tác động cùng chiều không chỉ với quản trị lợi nhuận dồn tích mà còn tác động đến hành vi quản trị lợi nhuận thực. Kết quả này đóng góp bằng chứng thực nghiệm quan trọng tạo tiền đề cho các nghiên cứu về sau được thực hiện tại thị trường Việt Nam.
5.2. Một số khuyến nghị
Từ những kết quả hồi quy trên mẫu dữ liệu là các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, thêm vào đó, quản trị lợi nhuận là yếu tố có ảnh hưởng tới nhiều bên liên quan, người viết tổng hợp một số đề xuất đối với các cơ quan quản lý, cổ đông và các nhà đầu tư và các bên tài trợ vốn nhằm nâng cao và phát huy hiệu quả của thị trường vốn.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần lường trước những hậu quả mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi chính thức ban hành một quy định hay chính sách mới, để từ đó có các kế hoạch thông báo sớm đến các doanh nghiệp, hạn chế đưa ra các quy định một cách đột ngột nhằm tránh để các doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng bị động và có các phản ứng tiêu cực như thao túng lợi nhuận hay quản trị lợi nhuận quá mức. Dẫn tới hệ quả là ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường vốn và triển vọng phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước có liên quan cũng cần xây dựng các bộ quy tắc, chuẩn mực kế toán hạn chế tối thiểu sự can thiệp có chủ ý của các nhà quản lý lên các chỉ tiêu kế toán dẫn đến đưa ra các số liệu báo cáo sai lệch.
Với phát hiện rằng các nhà quản lý thường xuyên thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận khi tính bất định trong chính sách kinh tế tăng cao, các nhà đầu tư trên thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức cần dành sự quan sát và chú ý nhiều hơn tới sự biến động của các chỉ tiêu kế toán nhằm hạn chế động cơ điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản lý. Để từ đó có được những nhận định chính xác về triển vọng, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp tạo cơ sở đưa ra các quyết định kinh tế tối ưu.
Các cổ đông, chủ sở hữu doanh nghiệp chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu, giám sát chặt chẽ quy trình lập và trình bày báo cáo tài chính, hạn chế các rủi ro các số liệu kế toán bị điều chỉnh tùy ý bởi các nhà quản lý nhằm đạt được các mục tiêu cá nhân của họ. Đồng thời, các chủ sở hữu cần xây dựng hợp đồng với nhà quản lý bao gồm các ràng buộc nhất định, cùng với các lợi ích lương thưởng hợp lí tránh liên quan trực tiếp đến chỉ tiêu lợi nhuận vì dễ tạo động cơ khiến các nhà quản lý tham gia quản trị lợi nhuận, đặc biệt là trong giai đoạn đối mặt với bất định trong chính sách kinh tế khi mà các con số kế toán không như dự kiến.
Các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng cần thận trọng với các hợp đồng tài trợ, cho vay trong giai đoạn bất định chính sách kinh tế tăng cao vì các doanh nghiệp rất có thể đã làm đẹp báo cáo tài chính để đánh lừa về tình hình tài chính, khả năng chi trả lãi vay hay thanh toán nợ vay trong tương lai khi hoạt động kinh doanh trong kì hiện tại chịu tác động bất lợi từ các chính sách kinh tế, quy định mới ban hành. Các nhà tài trợ vốn cũng cần lường trước các rủi ro khi nhìn nhận về tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong giai đoạn các chính sách, quy định mới sắp và sẽ thực thi và những điều kiện hoạt động không chắc chắn ảnh hưởng lên quá trình trả nợ.
5.3. Hạn chế của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo 5.3.1. Hạn chế của đề tài