Nền tảng lý thuyết

Một phần của tài liệu Tính bất định trong chính sách kinh tế và hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp Bằng chứng thực nghiệm từ Việt Nam (Trang 45 - 49)

2. Sự đáp ứng của nội dung khóa luận đối với đề tài khóa luậ n:

2.3.1. Nền tảng lý thuyết

2.3.1.1 Lý thuyết bất cân xứng thông tin

Thông tin bất cân xứng là tình trạng trong một giao dịch, một bên có thông tin đầy đủ hơn và tốt hơn so với (các) bên còn lại. Khái niệm này được George Akerlof đề xuất lần đầu tiên vào những năm 1970 và tiếp tục phát triển bởi Spence Michael (1973) và Joseph Stigliz (1975). Lí thuyết này được xây dựng nhằm mục tiêu giải thích hiện tượng thông tin giữa các bên liên quan không cân xứng do khác biệt về lợi ích. Lý thuyết thông tin bất cân xứng cho rằng một thị trường vốn có hiện tượng bất cân xứng thông tin xảy ra khi một bên tham gia thị trường (nhà quản trị, quản lý bên trong doanh nghiệp) biết nhiều thông tin nội bộ của doanh nghiệp, trong khi đó các bên khác tham gia thị trường như cổ đông, nhà đầu tư bên ngoài doanh nghiệp bị hạn chế, không thể nắm được toàn bộ thông tin về doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này xuất phát từ việc các công ty không công bố đầy đủ và

chính xác thông tin ra bên ngoài, dẫn đến các nhà đầu tư không tiếp cận được đủ thông tin hữu ích, ảnh hưởng đến việc ra quyết định của họ.

Theo Mishkin (1992), bất cân xứng thông tin sẽ dẫn đến hai hệ quả, đó là lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức. Scott (1989) cho rằng lựa chọn đối nghịch xảy ra khi một hoặc nhiều bên bên tham gia giao dịch kinh doanh có nguồn thông tin thuận lợi hơn những bên khác, sự hạn chế thông tin dẫn đến hậu quả một bên tham gia giao dịch đưa ra các quyết định kinh tế sai lầm và bên còn lại hưởng lợi từ quyết định sai lầm đó. Sự lựa chọn đối nghịch xảy ra trước khi giao dịch diễn ra. Rủi ro đạo đức phát sinh khi bên chiếm ưu thế về thông tin nhận thức rõ được tình trạng bất cân xứng thông tin giữa các bên tham gia giao dịch, từ đó hình thành động cơ thúc đẩy hành động vì lợi ích cá nhân dù cho điều đó có thể làm hại cho bên kém ưu thế về thông tin. Hành vi này được bên kém ưu thế thông tin cho là hành vi sai trái với đạo đức và gây ra rủi ro cho họ. Rủi ro đạo đức là hệ quả xảy ra sau khi giao dịch diễn ra.

Trong những thời điểm doanh nghiệp phải đối mặt với những bất định trong nền kinh tế, môi trường hoạt động và sự thay đổi không lường trước được của những quy định, chính sách có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì nhà quản lý đứng áp lực đảm bảo một kết quả kinh doanh tích cực nhằm đáp ứng những mong đợi của thị trường, từ đó nhận được tín hiệu tích cực từ nhà đầu tư khi họ tin tưởng vào tiềm năng của doanh nghiệp, từ đó đẩy mạnh đầu tư vốn vào doanh nghiệp, tăng nhu cầu mua chứng khoán làm tăng giá chứng khoán và cuối cùng nâng cao giá trị thị trường của doanh nghiệp. Với việc nhận thức vấn đề thông tin bất cân xứng khi các nhà đầu tư bên ngoài thị trường bị hạn chế về thông tin tài chính của doanh nghiệp và đứng trước những áp lực về mục tiêu kinh doanh, nhà quản lý có động cơ thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận nhằm đánh lừa nhà đầu tư về tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, từ đó duy trì và nâng cao vị thế doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư. Ngoài ra, hành động này giúp nhà quản lý nắm lấy cơ hội trong các hợp đồng mà điều khoản lợi ích phụ thuộc vào chỉ tiêu lợi nhuận kế toán trên báo cáo tài chính.

2.3.1.2 Lý thuyết đại diện

Lý thuyết đại diện đề cập mối quan hệ giữa những người đứng đầu doanh nghiệp bao gồm các cổ đông và các đại diện như các giám đốc điều hành công ty hay người

quản lý công ty (Mallin, 2004). Những người đứng đầu ủy quyền hoạt động của công ty cho các giám đốc hoặc những người quản lý, họ là các đại diện cho các cổ đông. Tuy nhiên, chính sự uỷ quyền trên lại gây ra sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền quản lý một doanh nghiệp. Các cổ đông kỳ vọng các nhà quản lý hành động và ra các quyết định vì lợi ích của những người đứng đầu. Ngược lại, các nhà quản lý không nhất thiết phải ra quyết định vì các lợi ích của cổ đông (Padilla, 2000). Vấn đề hay chính sự xung đột lợi ích này lần đầu được Adam Smith đề cập vào năm 1776 và sau đó được khám phá bởi Ross năm 1973, sự phát triển thành lý thuyết đại diện lần đầu được trình bày bởi Jensen và Meckling năm 1976.

Lý thuyết đại diện nêu bật nội dung cơ bản của hành vi tư lợi trong quá trình thực hiện công tác điều hành, quản lý doanh nghiệp của nhà quản lý. Thay vì có trách nhiệm mang lại lợi ích tối đa cho công ty, họ thường có xu hướng ưu tiên thực hiện các hành vi đem lại lợi ích cá nhân. Đặc biệt là khi tỷ lệ vốn góp của nhà quản lý không nhiều vì họ sẽ không nhận được nhiều cổ tức như mong muốn. Từ đó, họ sẽ tiến hành một số hành vi thay đổi kết quả lợi nhuận nhằm nhận được lương, thưởng nhiều hơn và điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của các chủ sở hữu trong dài hạn. Hiển nhiên, khi sự xung đột lợi ích xảy ra, khả năng bất hòa giữa các bên sẽ tăng cao và càng cao hơn trong các công ty quy mô lớn (Dalton và cộng sự, 2007; Gayle và Miller, 2009).

Sở dĩ nhà quản lý có thể thực hiện hành vi gây ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông là vì vấn đề bất cân xứng thông tin giữa người đại diện và các cổ đông. Trong mối quan hệ này, các nhà quản lý có những thông tin nội bộ rõ ràng hơn, sớm hơn. Vì vậy, các cổ đông phải đối mặt với những vấn đề bất lợi như: họ không thể xác định và đánh giá một cách chính xác tính hợp lí và đúng đắn của các quyết định mà nhà quản lý đưa ra. Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng chỉ là một con người bình thường, dễ đứng trước những cám dỗ về lợi ích, họ thường sẵn sàng chấp nhận những phương án ít rủi ro nhằm duy trì và gia tăng thu nhập của họ thay vì lựa chọn những hướng đi nhiều rủi ro và phải chịu trách nhiệm với những hệ quả tiêu cực có thể xảy đến.

Trong những thời điểm doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện không chắc chắn về chính sách và các quy định, khuôn khổ pháp lí của chính phủ thay đổi, tình hình kinh doanh thường chịu tác động tiêu cực đáng kể, do đó dẫn đến lợi nhuận cuối kỳ

nhiều khả năng thấp hơn mục tiêu đề ra ban đầu. Lúc này, nhà quản lý đứng trước nguy cơ lợi ích lương thưởng bị ảnh hưởng nếu lợi nhuận cuối kì không đạt kì vọng của cổ đông, từ đó hình thành động cơ thực hiện điều chỉnh tăng lợi nhuận thông qua một số cách như xử lí các khoản dồn tích giai đoạn cuối kì. Trong trường hợp lợi nhuận kì hiện tại vượt mức kế hoạch, đồng thời nhà quản lý nhận định trong tương lai những điều kiện kinh doanh không còn được duy trì mà phải đối diện với những bất định trong các chính sách và các quy định liên quan, từ đó thúc đẩy nhà quản lí thực hiện điều chỉnh giảm lợi nhuận, chuyển lợi nhuận sang các kì sau để bù đắp cho chi phí cơ hội của những rủi ro có thể xảy đến ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ tiêu lợi nhuận trong các kỳ sau. Do vậy, trong những giai đoạn bất định chính sách kinh tế, nhà quản lý thường có xu hướng điều chỉnh lợi nhuận nhằm đảm bảo mục tiêu lợi ích cá nhân.

2.3.1.3 Lý thuyết chi phí chính trị

Chi phí chính trị bao gồm tất cả các chi phí dự kiến áp đặt cho một công ty từ các hành động chính trị bất lợi tiềm tàng liên quan đến chống độc quyền, quy định, trợ cấp của chính phủ, thuế và thuế quan (Watts và Zimmerman, 1978). Các doanh nghiệp đặc biệt dễ bị tác động tiêu cực bởi những chính sách quốc hữu hóa, trưng thu, tăng thuế suất, chia tách hoặc thay đổi quy định của một ngành hoặc tập đoàn. Để chống lại những hành động tiềm tàng này của chính phủ, các công ty sử dụng một số biện pháp, chẳng hạn như các chiến dịch trách nhiệm xã hội trên các phương tiện truyền thông hay lựa chọn các chính sách kế toán để giảm thiểu thu nhập được báo cáo. Để tránh sự quan tâm của các chính phủ khi rơi vào nhóm có thu nhập cao, nhà quản lý doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lợi nhuận nhằm hạn chế chi phí chính trị.

Hành động của chính phủ bao gồm đề xuất hoặc ban hành quy định mới là một trong những động cơ chính thúc đẩy quản trị lợi nhuận được Healy và Wahlen (1999) xem xét. Kết quả của sự gia tăng bất định chính sách kinh tế có thể là một quy định mới có thể làm giảm các khoản dòng tiền dự kiến trong tương lai. Ngoài ra, một chính sách mới có thể loại bỏ một quy định làm thay đổi vị thế thị trường của công ty. Dưới sự không chắc chắn của việc thay đổi quy định và chính sách, giả thuyết chi phí chính trị ngụ ý rằng công ty sẽ thực hiện quản trị lợi nhuận nhằm giảm thiểu chi phí phát sinh từ các quy định dự kiến có hiệu lực.

Watts và Zimmerman cho rằng các nhà quản lý có nhiều động lực hơn để lựa chọn các chuẩn mực kế toán nhằm báo cáo thu nhập thấp hơn (do đó làm tăng dòng tiền, giá trị doanh nghiệp và phúc lợi của họ) do các cân nhắc về thuế, chính trị và quy định hơn là chọn các chuẩn mực kế toán báo cáo thu nhập cao hơn làm tăng mức đãi ngộ khuyến khích của họ. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có bị kiểm soát chặt chẽ và chịu áp lực chính trị hay không. Trong các công ty nhỏ (tức chịu chi phí chính trị thấp) ít bị kiểm soát, các nhà quản lý sẽ có động lực để lựa chọn các chuẩn mực kế toán báo cáo thu nhập cao hơn, nếu lợi nhuận kỳ vọng đem lại khoản lương thưởng lớn hơn hậu quả thuế dự kiến . Nhà quản lý sẽ làm mọi cách để tránh những tác động bất lợi cho chính họ. Và những tác động bất lợi đó chính là chi phí chính trị mà đơn vị phải gánh chịu.

Một phần của tài liệu Tính bất định trong chính sách kinh tế và hành vi quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp Bằng chứng thực nghiệm từ Việt Nam (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)