1.2.5.1 Các tiêu chí đánh giá định tính
Để đánh giá hiệu quả giám sát RRTD của NHTM, cần xem xét khả năng tuân thủ các nguyên tắc về quản trị RRTD của Basel. Một số các nội dung có thể đánh giá về hiệu quả quản trị RRTD theo hướng định tính gồm:
- Mức độ chặt chẽ của chiến lược hoạt động kinh doanh nói chung, chiến lược quản trị RRTD nói riêng:
Chiến lược có phù hợp với môi trường hoạt động và năng lực hoạt động của NHTM để kiểm soát RRTD trong mức độ cho phép hay không? Chiến lược là định hướng phát triển dài hạn của ngân hàng. Trong việc hoạch định chiến lược hoạt động, việc xác định rõ mục tiêu, phân khúc khách hàng, khẩu vụ rủi ro có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động giám sát RRTD. Nếu ngân hàng lựa chọn phân khúc khách hàng cá nhân thường có khẩu vị rủi ro cao hơn so với những khách hàng lựa chọn phân khúc doanh nghiệp bởi thông tin từ khách hàng cá nhân thường khó kiểm chứng hơn, tình trạng thông tin bất cân xứng cao hơn. Do đó, nếu chiến lược hoạt động kinh doanh được xây dựng chặt chẽ, phù hợp với diễn biến thị trường, năng lực hoạt động sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến RRTD của ngân hàng. Để đánh giá chiến lược hoạt động có được xây dựng chặt chẽ không cần đánh giá tổng quan nội dung chiến lược. Đồng thời, xem xét các nội dung liên quan đến định hướng phát triển để đánh giá mức độ phù hợp của chiến lược với thị trường, với năng lực của ngân hàng.
- Tính khách quan của cơ cấu tổ chức:
Mô hình tổ chức theo phân quyền hay tập trung? Việc đảm bảo mức độ khách quan trong hoạt động tín dụng sẽ góp phần ảnh hưởng đến giám sát RRTD. Trong cơ cấu tổ chức, nhân viên tín dụng phải thực hiện các bước của quy trình tín dụng. Trong quá trình đó, người có trách nhiệm sẽ kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế rủi ro xuất phát từ đạo đức, năng lực của nhân viên. Sự phối hợp giữa các phòng ban trong quy trình tín dụng cũng liên quan đến việc giám sát RRTD tại ngân hàng. Ví dụ như phòng quản trị rủi ro tín dụng lập báo cáo nhắc nợ hàng tháng sẽ giúp cho phòng tín dụng thực hiện tốt hơn chức năng giám sát tín dụng của mình…
- Mức độ phù hợp của chính sách tín dụng:
Từ chiến lược hoạt động kinh doanh nói chung, chiến lược quản trị RRTD nói riêng, ngân hàng đã ban hành chính sách tín dụng như thế nào? Chính sách tín dụng có đầy đủ các nội dung nhằm chuẩn hóa các vấn đề về quản trị RRTD tại ngân hàng hay không? Có chặt chẽ để kiểm soát RRTD trong mức độ giới hạn hay không? Đánh giá chính sách tín dụng của ngân hàng có đảm bảo các nội dung cần thiết như sản phẩm, quy trình, quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay, các trường hợp từ chối hoặc hạn chế cấp tín dụng, các nội dung về tài sản bảo đảm…
Quy trình tín dụng có được ban hành chi tiết không? Quy trình tín dụng có quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng vị trí trong ngân hàng hay không? Quy trình tín dụng được quy định chi tiết sẽ thể hiện rõ nhiệm vụ của từng vị trí công việc liên quan đến quy trình tín dụng. Nhiệm vụ của nhân viên tín dụng, quyền phán quyết tín dụng theo từng cấp cũng như các nội dung trong các bước của quy trình tín dụng được trình bày rõ ràng, cụ thể. Một quy trình tín dụng được đánh giá là phù hợp khi giúp giải quyết hồ sơ nhanh, trong giới hạn thời gian cho phép. Đồng thời, quy trình tín dụng chặt chẽ, không tạo ra khe hở dẫn tới rủi ro trong quá trình cấp tín dụng.
1.2.5.2 Các tiêu chí đánh giá định lượng
- Chỉ tiêu tổng dư nợ so với tổng nguồn vốn huy động
Tổng dư nợ so với tổng vốn huy động = Tổng dư nợ/Tổng vốn huy động
Đây là chỉ tiêu cho thấy quy mô tín dụng so với nguồn vốn huy động. Chỉ tiêu này quá thấp cho thấy vốn không cho vay được, nghĩa là ngân hàng sử dụng đồng vốn không hiệu quả khi không thể cho vay trong khi vẫn phải trả lãi huy động. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng không đạt được mục tiêu lợi nhuận. Ngược lại, nếu chỉ tiêu này quá cao, quy mô tín dụng quá lớn là cơ sở cho thấy xác suất rủi ro tín dụng tăng lên, tiềm ẩn nhiều rủi ro do hạn chế ở khả năng lựa chọn khách hàng tốt cũng như khả năng kiểm soát dư nợ tín dụng theo mục tiêu hoạt động kinh doanh đề ra.
- Chỉ tiêu hệ số rủi ro tín dụng
Hệ số rủi ro tín dụng = Tổng dư nợ/tổng tài sản có
Chỉ tiêu này cho thấy tỷ trọng của hoạt động tín dụng trong danh mục tài sản có của ngân hàng tại thời điểm phân tích. Hệ số này càng cao càng cho thấy vai trò quan trọng của hoạt động tín dụng đối với ngân hàng nhưng đồng thời cũng cho thấy mức độ rủi ro tín dụng tại ngân hàng.
- Tỷ lệ nợ quá hạn/Tổng dư nợ
Tỷ lệ nợ quá hạn = Nợ quá hạn/tổng dư nợ
Đây là chỉ tiêu thường được sử dụng để đánh giá chất lượng tín dụng mặc dù không phản ánh chính xác được mức độ rủi ro do nợ quá hạn chưa phải là tổn thất của ngân hàng. Khi tỷ lệ này càng cao cho thấy chất lượng hoạt động tín dụng tại ngân hàng đó càng thấp, chứng tỏ mức độ rủi ro tín dụng tại ngân hàng đó càng cao.
Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ = Nợ xấu/tổng dư nợ
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ phản ánh mức độ trầm trọng hơn của các khoản nợ chậm trả trong tổng dư nợ ngân hàng. Đây là chỉ tiêu phản ánh trực tiếp mức độ thiệt hại của khi rủi ro xảy ra (Dương Ngọc Hào, 2015). Để kiểm soát rủi ro tín dụng theo kế hoạch được xây dựng, ngân hàng phải luôn tìm biện pháp giảm tỷ lệ này trong giới hạn cho phép ở mức 3%.
- Tỷ số dự phòng tổn thất tín dụng hàng năm so với tổng dư nợ
Tỷ lệ dự phòng tổn thất tín dụng = Dự phòng tổn thất tín dụng/tổng dư nợ
Một nội dung giám sát RRTD quan trọng là trích lập dự phòng RRTD. Do đó, đây là tỷ lệ phản ánh khả năng bù đắp cho các khoản tổn thất tín dụng như thế nào khi rủi ro tín dụng xảy ra. Chỉ tiêu này cao cho thấy rủi ro tương ứng của ngân hàng cao cũng như sẽ tác động làm giảm thu nhập của ngân hàng. Đồng thời đánh giá việc tuân thủ quy định trích lập dự phòng RRTD cũng là nội dung trong hoạt động giám sát RRTD, phản ánh hiệu quả hoạt động giám sát RRTD của NH.
- Tỷ trọng dư nợ một ngành so với tổng dư nợ
Tỷ trọng dư nợ một ngành = Dư nợ theo ngành/tổng dư nợ
Đây là chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá rủi ro nội tại và rủi ro tập trung trong hoạt động tín dụng của NHTM. Nếu tỷ trọng dự nợ theo ngành nghề được phân tán nhiều ngành sẽ giúp NH hạn chế được rủi ro tập trung. Bên cạnh đó, phân tích cơ cấu giúp cho NH chủ động đối phó với các rủi ro nội tại của ngành nghề trong danh mục tín dụng. Tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh, chiến lược quản trị RRTD được xây dựng mà tỷ trọng này cần đánh giá phù hợp.