Ở cấp chi nhánh, mô hình tổ chức quản lý rủi ro tín dụng bao gồm Ban Tín dụng, Giám đốc, Phó Giám đốc và các phòng ban nghiệp vụ, hành chính. Như trong mô tả cơ cấu tổ chức của các chi nhánh của Namabank - Khu vực HCM ở mục 2.1.3 (hình 2.1), các chi nhánh chủ yếu làm nhiệm vụ kinh doanh, chưa có phòng ban trực tiếp đảm nhiệm nhiệm vụ quản lý RRTD. Bản thân nhân viên tín dụng tại các chi nhánh sẽ thực hiện thẩm định tín dụng và giám sát tín dụng theo quy định của chính sách tín dụng ban hành từng thời kỳ. Điều này tạo ra khó khăn trong hoạt động quản trị RRTD nói chung và giám sát RRTD nói riêng. Nhân viên tín dụng ôm đồm quá nhiều việc, chưa kể thiếu kiến thức, kinh nghiệm về quản trị RRTD cũng như bị áp lực chỉ tiêu… có thể dẫn đến hiệu quả hoạt động quản trị RRTD tại các chi nhánh bị hạn chế. Mô hình của Namabank không theo mô hình 3 thế phòng thủ do chưa thực hiện chuyên môn hóa theo hướng tách biệt giữa nhân viên quan hệ khách hàng và nhân viên thẩm định tín dụng. Việc nhân viên tín dụng phải thực hiện gần như các bước trong quy trình tín dụng, bao gồm cả việc thẩm định tín dụng có thể dẫn đến đánh giá thiếu khách quan. Bên cạnh đó, vì phải thực hiện gần như xuyên suốt quy trình tín dụng nên khối lượng, áp lực công việc dành cho nhân viên tín dụng tại Namabank là cao, dễ dẫn đến sai sót hoặc không thể tuân thủ nghiêm túc các nội dung cần phải thực hiện trong giám sát tín dụng và giám sát RRTD. Chưa có bộ phận chuyên trách quản lý RRTD tại các chi nhánh cũng là hạn chế trong việc đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng.