Trên cơ sở quyền tự do kinh doanh, pháp luật về ĐKKD quy định rất rõ chủ thể có quyền ĐKKD bao gồm tổ chức và cá nhân, tuy vậy các chủ thể kinh doanh phải thỏa man các điều kiện cơ bản theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể:
* Đối với chủ thể kinh doanh là tổ chức
Tổ chức muốn thành lập doanh nghiệp phải đảm bảo đủ các điều kiện cơ bản về: Trình tự, thủ tục thành lập phải hợp pháp theo quy định của pháp luật; thẩm quyền kinh doanh phải được pháp luật ghi nhận; tài sản riêng phải có để thực hiện các hoạt động kinh doanh độc lập, đây là dấu hiệu cơ bản của pháp nhân không thể thiếu để các tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ tài sản đối với bên cùng quan hệ; Thẩm quyền kinh doanh tương ứng với lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ của chủ thể kinh doanh, một trong giới hạn pháp lý
đặt ra để chủ thể kinh doanh hoạt động hoặc không được phép hoạt động.
* Đối với chủ thể kinh doanh là cá nhân
Tự do kinh doanh một trong những quyền cơ bản của con người, tuy nhiên không có nghĩa pháp luật cho bất cứ cá nhân nào cũng có quyền tham gia góp vốn, thành lập doanh nghiệp. Pháp luật cấm kinh doanh khi chủ thể kinh doanh không có năng lực hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi. Trường hợp chủ thể có đầy đủ năng lực hành vi nhưng do đặc thù về nghề nghiệp hoặc chức vụ mà họ đảm nhiệm phát sinh hành vi tiêu cực hoặc sự canh tranh không công bằng, thiếu bình đẳng, đe dọa lợi ích của các chủ thể khác thì pháp luật cũng cấm kinh doanh. Điều kiện độ tuổi áp dụng cho chủ thể kinh doanh là cá nhân, có quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp khi đủ 18 tuổi, có nghĩa là cá nhân đó có khả năng nhận biết được hành vi của mình theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu như năng lực hành vi dân sự là điều kiện để cá nhân có thể trở thành chủ thể kinh doanh thì Giấy CNĐKKD là điều kiện đủ để cá nhân có đủ tư cách pháp lý. Chỉ sau khi được cấp Giấy CNĐKKD mới được phép kinh doanh. Khi thực hiện hoạt động kinh doanh cá nhân sẽ tham gia vào quan hệ kinh doanh và trở thành chủ thể kinh doanh. Ngoài quy định về năng lực hành vi dân sự, thì chủ thể kinh doanh phải đăng ký quốc tịch cho doanh nghiệp. Quốc tịch của doanh nghiệp là quốc tịch nước, vùng lanh thổ nơi doanh nghiệp thành lập, ĐKKD.
Như vậy việc ghi nhận phạm vi rộng cho các đối tượng được quyền tham gia ĐKKD, thành lập doanh nghiệp, đây là sự mở rộng đáng kể nhằm đáp ứng quyền tự do kinh doanh, đồng thời là quy định bắt buộc. Việc phân chia các chủ thể đăng ký là xuất phát từ đặc điểm của từng loại chủ thể, tính chất pháp lý, kinh tế, từ đó phân biệt và có những yêu cầu đặt ra trong quá trình chủ thể ĐKKD thực hiện trình tự, thủ tục ĐKKD theo quy định của pháp luật.
Ngoài hai chủ thể là tổ chức và cá nhân, còn một số chủ thể khác cũng tham gia vào quan hệ pháp luật về ĐKKD như: cơ quan thuế, cơ quan thanh tra, văn phòng luật sư, công ty luật, …