Việc dạy học theo nhóm cần kết hợp với các phương pháp đặc trưng bộ môn trên cơ sở nội dung bài học. Các phương pháp này phát huy tính tự giác, tích cực chủ động, sáng tạo của HS dưới sự tổ chức và chỉ đạo của người GV.
- Việc lựa chọn đúng và kết hợp hài hoà các phương pháp dạy học nhằm đạt hiệu quả cao phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, nghệ thuật sư phạm và lòng nhiệt tình, ngoài trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và vốn sống của người thầy.
- Lớp học có thể được chia ra làm 4 – 6 nhóm, mỗi nhóm có từ 6 – 8 HS, tuỳ theo mục tiêu của bài học và nội dung thảo luận nhóm.
- Nhóm tự bầu ra một nhóm trưởng để điều khiển hoạt động của nhóm, một thư ký để ghi chép kết quả thảo luận của nhóm.
- Mỗi thành viên trong nhóm đều phải làm việc tích cực và không được ỷ lại vào một vài người có hiểu biết và năng động hơn các thành viên trong nhóm. Đồng thời các thành viên trong nhóm cần giúp đỡ lẫn nhau tìm hiểu vấn đề trong không khí thi đua với các nhóm khác. Kết quả thi đua của nhóm sẽ đóng góp vào kết quả học tập chung của cả lớp.
- Đến khâu trình bày kết quả làm việc của nhóm trước lớp, nhóm cử đại diện hoặc nhóm trưởng được phân công nhiệm vụ trình bày. Việc chỉ định thành viên trình bày phụ thuộc vào các yếu tố khách quan trong quá trình hoạt động nhóm và sở thích của HS, mặt khác, điều này phụ thuộc vào mức độ làm việc và khả năng trình bày của các cá nhân, yêu cầu và mục đích của GV.