2.1. Khái quát về tình hình kinh tế xã hội, giáo dục và đào tạo TP.HCM
2.1.1. Vài nét về đặc điểm địa lý, kinh tế, văn hóa của TP.HCM
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những khu đô thị trọng điểm phía Nam, giáp tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh , Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang.
Trong quá trình phát triển và hội nhập, thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước; được xem là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước và cũng là vùng động lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn Nam Bộ và cả nước theo chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Trong năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả mang tính toàn diện, đáng ghi nhận. Thành phố đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu. Trong hai chỉ tiêu còn lại là chỉ số PCI, PAPI đang chờ đánh giá, còn 1 chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch đề ra đó là việc cấp phép thành lập doanh nghiệp mới đạt 44.126 DN (kế hoạch đề ra là 46.000 DN). Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị đã có chuyển biến, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa - xã hội, an toàn thực phẩm (ATTP), gắn kết đầu tư với mở rộng hội nhập, hợp tác với khu vực và thế giới, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ,… được quan tâm. Đồng thời, việc giải quyết kiến nghị cử tri, khiếu nại tố cáo được tập trung thực hiện.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Nguyễn Thành Phong cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung tháo gỡ trong năm 2019. Đó là môi trường đầu tư của thành phố thời gian qua luôn gặp nhiều cạnh tranh trong và ngoài nước; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường đầu tư thành phố. Hiện việc tăng dân số cơ học của thành phố quá nhanh, bình quân trên 200.000 người/năm so với sự phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội tiếp tục là thách thức cho chính quyền thành phố; hạ tầng đô thị không kịp đáp ứng nhu cầu; các thiết chế văn hóa - xã hội, vui chơi giải trí còn thiếu so với nhu cầu thực tế của người dân. Cùng với đó, việc giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh do ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội còn nhiều bất cập. (Đình Lý-Long Hồ, 2019)
Theo báo cáo tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019 có nêu các ngành dịch vụ phát triển theo hướng nâng tỷ trọng các dịch vụ cao cấp, giá trị gia tăng cao; ngành vận tải kho bãi; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; y tế tăng cao hơn cùng kỳ, góp phần đáng kê vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố; hoạt động của các chợ đầu mối, trung tâm thương mại đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cả về số lượng và chất lượng. Ngành công nghiệp phát triển đúng định hướng, chỉ số sán xuât công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá; trong đó ngành sản xuất hàng điện tử tăng cao nhất 25,17%, ngành cơ khí tăng 9,5%, ngành chế biến lương thực thực phâm đồ uống tăng 1,7% và ngành hóa chất - nhựa - cao su tăng 1%. Sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao và đào tạo nguồn nhân lực có sự chuyên biên tích cực; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ từng bước góp phần thiết thực vào quá trình phát triển của ngành; đời sống tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao. Các hoạt động văn hóa truyền thống được duy trì, phát huy hiệu quả, các mô hình văn hóa mới được quan tâm, phát triển. Thành phố thực hiện tốt công tác chăm lo, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em ... góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.