b. Yêu cầu về năng lực
1.2.2.1. Phát triển trình độ chuyên môn nghiệp vụ
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ là kiến thức tổng hợp, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật, kiến thức đặc thù cần thiết để đảm đương các chức vụ trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ được giao và các hoạt động khác. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nguồn nhân lực chỉ có được thông qua đào tạo. Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các đơn vị hành chính sự nghiệp cần thực hiện các kế hoạch, chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn nhằm bồi dưỡng nâng cao và cập nhật kiến thức cho mọi đối tượng nhân viên và nhà quản trị.
* Đào tạo, bồi dưỡng
Đào tạo, bồi dưỡng là quá trình trang bị cho công chức những kiến thức cần thiết, trước hết là những kiến thức về Nhà nước, pháp luật, về quản lý kinh tế - xã hội, về lãnh đạo, quản lý và những phương pháp, những kinh nghiệm quản lý. Mục tiêu của đào tạo là làm cho người công chức nắm chắc những quan điểm, đường lối, cơ sở lý luận và biết cách vận hành công việc.
Cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, kể cả đào tạo lại công chức theo tiêu chuẩn các chức danh mà họ đang đảm nhiệm hoặc dự kiến đảm nhiệm; chú ý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn và cán bộ dự bị kế cận các chức danh lănh đạo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải chú ý cả hai mặt, học tập ở trường lớp và rèn luyện qua thực tiễn công tác để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Khuyến khích phong trào tự học tập, tự rèn luyện để nâng cao trình độ công chức.
Khi thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng công chức cần lưu ý những yêu cầu sau đây:
- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý công chức có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn và nâng cao trình độ, năng lực của công chức.
- Việc đào tạo, bồi dưỡng công chức phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn đối với từng chức vụ, tiêu chuẩn nghiệp vụ của từng ngạch, bậc.)
- Nội dung đào tạo, bồi dưỡng:
+ Lý luận chính trị với các chương trình từ trung cấp đến cao cấp. + Kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.
+ Kiến thức pháp luật; kiến thức, kỹ năng QLNN và quản lý chuyên ngành. + Tin học, ngoại ngữ.
Ngoài ra, với các chương trình bồi dưỡng ở ngoài nước thì tập trung vào các nội dung:
+ Kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước và quản lý chuyên ngành.
+ Kiến thức, kinh nghiệm hội nhập quốc tế .
- Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức do Ngân sách Nhà nước cấp. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức phải đảm bảo chất lượng.
Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lại được quy định bởi nhiều nhân tố: + Lựa chọn công chức được cử đi đào tạo, cơ sở đào tạo.
+ Nội dung chương trình đào tạo + Phương pháp đào tạo
+ Đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng: Hiện nay, có rất nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ công chức như đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp, đào tạo tại chỗ qua công việc và tự đào tạo. Trong đó, cần coi trọng hình thức đào tạo tại chỗ và tự đào tạo. Khuyến khích và đề cao vai trò tự học của công chức.
+ Trong đào tạo, bồi dưỡng cần chú ý khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp, dạy và học không thực chất. Đây là điều nguy hại đến chất lượng ngũ công chức các cấp.
* Đề bạt, bổ nhiệm
Đề bạt, bổ nhiệm là giao cho công chức giữ chức vụ cao hơn chức vụ đương nhiệm, hoặc cất nhắc những công chức chưa có chức vụ được giữ chức vụ lần đầu. Yêu cầu của các tổ chức trong hệ thống chính trị của Việt Nam là đề bạt, bổ nhiệm những công chức có đủ tiêu chuẩn theo quy định, đã được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết và đã qua thử thách trong thực tiễn công tác từ dưới lên; chú trọng những người ưu tú xuất thân trong công nhân, nông dân, trí thức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, con em gia đình có công
với nước có đủ tiêu chuẩn. Việc đề bạt, bổ nhiệm công chức phải theo nguyên tắc “vì việc đặt người”, “có lên có xuống”, “có vào có ra”. Trên cơ sở quy hoạch công chức và thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình đề bạt, bổ nhiệm; tránh những sai sót chủ quan, thiên vị, cảm tính. Sau khi đề bạt, bổ nhiệm phải tiếp tục bồi dưỡng và tạo điều kiện cho công chức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
* Điều động, luân chuyển công chức
Điều động là việc chuyển công chức từ cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành này đến làm việc ở cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành khác theo yêu cầu nhiệm vụ công vụ và quyết định của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Ở Việt Nam, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp đều có quyền điều động công chức theo sự phân cấp về thẩm quyền quản lý công chức. Cơ quan chuyên trách về công tác tổ chức cán bộ có nhiệm vụ tham mưu, giúp cơ quan lãnh đạo và quản lý việc nghiên cứu nhu cầu điều động, nội dung, nhiệm vụ công vụ, địa chỉ và thời gian thi hành, khả năng đảm nhiệm và điều kiện hoàn thành công vụ, hoàn cảnh của công chức cần điều động.
Luân chuyển công chức là điều động, tăng cường công chức một cách chủ động theo quy hoạch và kế hoạch đào tạo đội ngũ công chức lãnh đạo và quản lý cho trước mắt và lâu dài. Điều động và tăng cường khác với luân chuyển công chức là nhiều khi phải thực hiện trong tình huống bị động, thiếu quy hoạch, không theo quy trình đánh giá và phân công công chức, hiệu quả không cao, thậm chí gây phức tạp, khó khăn cho công chức được điều động hoặc địa phương nơi công chức đến, còn luân chuyển được tiến hành một cách chủ động để bồi dưỡng, thử thách làm tốt hơn người đương nhiên hoặc bồi dưỡng trải nghiệm nằm trong quy trình chuẩn bị cán bộ ở cấp cao hơn.