Cạnh tranh gay gắt ở thị trường nông sản Liên Bang Nga

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu nông sản của việt nam sang liên bang nga trong bối cảnh thực thi hiệp định thương mại tự do giữa việt nam và liên minh kinh tế á âu (Trang 77 - 83)

2.3 Thách thức đối với xuất khẩu nông sản củaViệt Nam sang Liên Bang

2.3.1 Cạnh tranh gay gắt ở thị trường nông sản Liên Bang Nga

Liên Bang Nga là một thị trường đầy tiềm năng cho nông sản xuất khẩu với dân số lớn, kinh tế phát triển ổn định và thu nhập bình quân đầu người cũng vào nhóm khá ở Châu Âu. Liên Bang Nga nhập khẩu rất nhiều nông sản từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Vì thế nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Liên Bang Nga cũng phải chịu rất nhiều thách thức từ sự canh tranh của các quốc gia khác. Do lợi thế so sánh khác nhau và sự chênh lệch về trình độ phát triển nên hàng hóa Việt Nam dễ bị canh tranh về chất lượng nếu so với các nước xuất khẩu tiên tiến như EU, Mỹ, Canada hoặc bị cạnh tranh về chủng loại, mẫu mã, uy tín nếu so với các nước đang phát triển khác như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… Những thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam là chưa ứng dụng được công nghệ hiện đại, quy mô

sản xuất nhỏ, chuyên môn hóa chưa cao, nguồn tín dụng trung và dài hạn,… qua đó sẽ tác động đến cả số lượng và chất lượng xuất khẩu.

Các đối thủ chính của nông sản Việt Nam tại thị trường Liên Bang Nga là:

Đối với mặt hàng cà phê

Việt Nam là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Braxin. Tuy nhiên tại thị trường Liên Bang Nga, cà phê Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất với 22,94%, xếp ngay sau là Braxin với 17,3%.Với ưu đãi về điều kiện tư nhiên, cà phê Việt Nam có năng suất cao, chất lượng cà phê thơm ngon. Nếu cà phê Việt Nam được chế biến tốt thì hương vị tương đương với cà phê Brazil, Ấn Độ, Thái Lan và hơn hẳn cà phê Indonesia.. tuy nhiên giá cà phê Việt Nam đều thấp hơn đáng kể so với các quốc gia. Chất lượng cà phê Việt Nam còn thấp, hạt cà phê to trên 18mm còn ít (chỉ chiếm 6-10%) sản lượng, màu sắc kém đồng nhất do lẫn khuyết tật: hạt đen, lên men, nâu, trắng và trắng xốp. Chất lượng cà phê nhân, sơ chế dạng nguyên liệu lại chưa cao, không đồng đều (ngay trong một lô, đầu vụ và cuối vụ), không ổn định (thể hiện ở tỷ lệ hạt đen, hạt vỡ, thuỷ phân và tạp chất). Chỉ có 2% số lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam thoả mãn các yêu cầu loại một (Cục Xúc tiến thương mại, 2016). Cà phê Việt Nam còn bị chê là có độ ẩm cao, lẫn nhiều quả xanh, lẫn nhiều tạp chất, đá, sỏi... do phơi trên sân đất. Rõ ràng công nghệ phơi sấy, bảo quản sau thu hoạch của chúng ta còn thô sơ và lạc hậu, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cà phê thành phẩm. Trong khi tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cà phê của Việt Nam còn sơ sài, chưa đúng chuẩn quốc tế thì Brazil đã có hệ thống tiêu chuẩn quốc tế đối với chất lượng và vệ sinh an toàn cho hàng nông sản nói chung, cà phê nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu cũng thực hiện rất nghiêm túc. Bên cạnh đó, họ cũng có một cơ quan chủ quản để giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn này trước khi xuất khẩu hàng hoá ra khỏi nước. Brazil chuyên về cà phê Arabica, giá cà phê Arabica cao hơn rất nhiều so Robusta và Arabica cũng được ưa thích nhiều để chế biến cà phê hòa tan. Trong tương lai, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, thì cà phê Arabica sẽ ngày càng được xuất khẩu nhiều hơn vào Liên Bang Nga, đây là thách thức lớn cho cho ngành cà phê Việt Nam bởi sản lượng cà phê Arabica của chúng ta thấp hơn rất nhiều so với Robusta.

Đối với mặt hàng chè

Việt Nam hiện xếp thứ 5 trong số các quốc gia xuất khẩu chè vào Liên Bang Nga, với tỷ trọng chỉ 4,17%. Hiện chè xuất khẩu đang phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia xuất khẩu chè lớn khác là Sri Lanka, Ấn Độ, Kenya với tỷ trọng lần lượt là 29,2%, 26,4%, 14,1% (Cục Xúc tiến thương mại, 2016). Trước khi FTA thực thi, mức thuế suất cơ sở với mặt hàng chè là 0% nên chè Việt Nam dường như không có bất kỳ lợi thế cạnh tranh nào với Sri Lanka và Ấn Độ. Chè Việt Nam hiện nay đang có giá xuất khẩu thấp nhất, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới. Chất lượng chè không ổn định như Sri Lanka do tình trạng sử dụng thuốc tùy tiện, nồng độ cao hơn quy định, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng trên chè là nguyên nhân chính dư lượng thuốc trên sản phẩm chè cao như hiện nay. Đây là lý do khiến nhiều lô hàng chè xuất khẩu của Việt Nam bị đối tác cảnh báo hoặc trả về.

Đối với mặt hàng hạt tiêu

Việt Nam là nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới vì thế hạt tiêu Việt Nam có lợi thế rất lớn tại thị trường Liên Bang Nga. Tỷ trọng của hạt tiêu tại thị trường này lần lượt là 72% (năm 2016), xếp sau là Ấn Độ và Mêxico. Giá tiêu Việt Nam thì rẻ hơn so với các quốc gia khác thường thấp hơn các nước vào khoảng 200-300 USD/tấn, thậm chí vào những thời điểm giá cao mức chênh lệch này lên tới 500-700 USD/tấn (Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam,2017). Hạn chế chính của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay là thiếu thông tin thị trường, không có các bạn hàng truyền thống, khả năng về tài chính có hạn nên không xuất được trực tiếp mà phải qua các khung trung gian. Chất lượng hạt tiêu Việt Nam thiếu tính ổn định do người sản xuất thường xuyên sử dụng phân bón quá mức nên tồn dư chất bảo vệ thực vật trong hạt tiêu cao nên khó đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong khi đó, hạt tiêu Ấn Độ có chất lượng hạt to, nổi tiếng thơm, cay và có giá trị cao nhất thế giới. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng yêu cầu sản phẩm chất lượng cao, đây là thách thức cho ngành hồ tiêu Việt Nam trong việc cạnh tranh với Ấn Độ.

Đối với mặt hàng cao su

Liên Bang Nga chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng cao su giá trị gia tăng chứ rất ít nhập khẩu cao su thiên nhiên. Cao su thiên nhiên chiếm chưa đầy 6% kim ngạch

nhập khẩu cao su của nước này. Công nghệ chế biến các sản phẩm cao su của nước ta còn kém nên chúng ta rất khó cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu các sản phẩm cao su giá trị gia tăng như Trung Quốc và Đức trong khi đó cao su thiên nhiên cũng gặp muôn vàn khó khăn trước các đối thủ lớn trên thị trường Liên Bang Nga như Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Khả năng cạnh tranh của mặt hàng cao su Việt Nam trên thị trường Liên Bang Nga còn thấp một phần nguyên nhân là sản lượng xuất khẩu của chúng ta còn khiêm tốn. So với Thái Lan và Malaysia thì con số của chúng ta chênh lệch khá lớn. Hơn nữa, chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và nhu cầu của Liên Bang Nga. Chất lượng cao su thiên nhiên sơ chế không ổn định, tiêu chuẩn quốc gia cho mặt hàng cao su chưa cụ thể nên khó đánh giá và quản trị chất lượng trước khi xuất khẩu. Công nghệ và cơ sở chế biến của chúng ta còn quá lạc hậu, chưa tạo ra được những sản phẩm cao su có chất lượng cao và có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Đối với mặt hàng hạt điều

Hạt điều Việt Nam chiếm 88% trên thị trường Liên Bang Nga, các quốc gia còn lại xuất khẩu hạt điều không đáng kể. Tuy nhiên thách thức xuất phát từ chính ngành sản xuất hạt điều trong nước của chúng ta. Thứ nhất, ngành Điều Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu điều thô nhập khẩu. Chúng ta xuất khẩu hạt điều nhiều nhất thế giới nhưng cũng nhập khẩu nhiều nhất thế giới. Hiện chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào nguồn điều thô từ Châu Phi nên giá cả điều xuất khẩu cũng thường xuyên biến động. Ngoài ra, chất lượng hạt điều của chúng ta chưa đều do việc tiếp cận khoa học- công nghệ trong nhân giống, chế biến hạt điều vẫn rất bị động. Trong khi đó Liên Bang Nga đưa ra các quy cách tiêu chuẩn, chất lượng của điều nhân khi nhập khẩu hiện đang áp dụng rất khắt khe, ví dụ tỉ lệ lẫn tạp chất, hàm lược tối đa các chất độc hại, không cho phép có côn trùng, không có vật lạ cứng, nhọn và tóc. Quy trình sản xuất hạt điều còn nhiều bất cập, số lượng các nhà máy hạt điều được chứng nhận quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP còn rất ít, đa phần là là các nhà máy chế biến tư nhân, công suất nhỏ. Để mặt hàng điều Việt Nam có thể giữ vững vị thế tại Liên Bang Nga, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng được tiêu chuẩn cho sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng Liên Bang Nga.

Đối với mặt hàng gạo

Gạo xuất khẩu Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 4 tại thị trường Liên Bang Nga

với tỷ trọng 11,06%, xếp sau Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan với tỷ trọng lần lượt là 40,2%, 20,2 và 16,5%. Ấn Độ và Thái Lan là hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nên việc chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với hai quốc gia này. Giá gạo XK Việt Nam vẫn luôn thấp hơn gạo cùng loại từ Ấn Độ và Thái Lan bởi chất lượng gạo không ổn định, hạt gạo không dài, sáng và bóng như gạo Thái Lan. Vì chất lượng gạo không tốt như Thái Lan và Ấn Độ nên sản phẩm gạo của chúng ta không được ưa chuộng nhiều tại thị trường này. Trong khi chúng ta còn đang loay hoay với để nâng cao giá trị gạo xuất khẩu thì Ấn Độ và Thái Lan đều đã có thương hiệu gạo riêng tại thị trường Liên Bang Nga. Vì thế gạo Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh tại thị trường Liên Bang Nga.

Rau quả

Rau quả xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu nhập khẩu mặt hàng này của Liên Bang Nga, chưa đến 0,5%. Trước khi bị Châu Âu cấm vận, gần 30% rau quả nhập khẩu Liên Bang Nga nhập từ Châu Âu. Sau khi cấm vận, Liên Bang Nga chuyển hướng nhập rau quả từ Trung Quốc, Ecuador, Thổ Nhĩ Kỳ, Ma rốc…Vì Liên Bang Nga nhập khẩu số lượng lớn rau quả nên yêu cầu về số lượng và chất lượng đều rất cao, trong khi đó nền nông nghiệp Việt Nam còn phát triển ở quy mô nhỏ chưa đáp ứng được. Rau quả Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với Trung Quốc nhưng Trung Quốc hiện đang có rất nhiều lợi thế hơn Việt Nam. Thứ nhất, Trung Quốc có nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn nên năng suất cao, giá thành thấp. Thứ hai, Trung Quốc có biên giới đường bộ với Liên Bang Nga vì thế hàng hóa có thể xuất khẩu qua đường bộ, vừa bảo quản và vận chuyển rau, củ thuận tiện hơn, đảm bảo chất lượng rau củ tốt, mặt khác làm giảm giá thông qua giảm chi phí vận chuyển. Trong khi đó tất cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang cảng biển Nga đều phải đi bằng đường biển với cước biển đắt hơn 30% so với các cảng biển khác của Châu Âu, thời gian di chuyển trên biển lâu nên sẽ gay rất nhiều khó khăn cho công tác bảo quản chất lượng rau củ quả tươi,

chưa kể có thể ảnh hưởng đến chất lượng. Đó là lí do khiến giá rau củ của chúng ra sẽ bị cao hơn so với các quốc gia khác như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài việc phải cạnh tranh phải các quốc gia xuất khẩu nông sản khác, chúng ta cũng cần phải quan tâm tới sự đầu tư trở lại của Liên Bang Nga trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đòn cấm vận kinh tế và trừng phạt từ phía châu Âu dành cho Liên Bang Nga giúp những người nông dân Liên Bang Nga bắt tay vào khôi phục thị trường nông nghiệp của nước này. Liên Bang Nga chú trọng đến việc giảm thiếu sự phụ thuộc hàng hóa vào nước ngoài. Bằng những nỗ lực của mình thông qua chương trình trợ giá toàn diện của Chính phủ, nền nông nghiệp Liên Bang Nga đã bước chuyển mình thành công, góp phần tạo việc làm ổn định cũng như góp phần tăng trưởng kinh tế quan trọng. Nếu Canada và Mỹ là các nhà xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu thế giới trong hơn thập kỷ qua thì Liên Bang Nga chỉ mất 2 năm để vực dây ngành nông nghiệp lúa mì của mình, đưa nước này trở thành nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 2 trên thế giới. Thành công của nên nông nghiệp Liên Bang Nga còn ghi nhận tính đến 7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu lương thực và thực phẩm đã đóng góp vào GDP của Nga tới 5,5%, cao nhất trong vòng 15 năm qua. Ngành nông nghiệp đã soán ngôi vị trí của ngành xuất khẩu vũ khí vốn được coi là ngành truyền thống của nước này.

Lệnh cấm nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ Châu Âu vừa là khó khăn nhưng cũng là cú hích lớn giúp nền nông nghiệp Liên Bang Nga tìm lại được động lực và phát triển và sẵn sàng cho mục tiêu trở thành quốc gia có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Liên Bang Nga có đủ điều kiện để trở thành siêu cường nông nghiệp hàng đầu thế giới đó là diện tích canh tác rộng lớn và các đới khí hậu đa dạng, chưa kể tình trạng nóng lên toàn cầu làm băng tan chảy góp phần mở rộng diện đất trồng trọt cho nước này. Với thành công “tưởng như không thể” của Liên Bang Nga khi đẩy Mỹ khỏi bảng xếp hạng xuất khẩu lúa mỳ, Liên Bang Nga ngày càng chứng tỏ rằng nền nông nghiệp của họ có thể làm mọi thứ. Trong tương lại nếu như Liên Bang Nga tập trung hơn nữa cho đầu tư nông nghiệp thì hàng hóa nông sản xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp phải nhiều khó khăn, vừa phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác, vừa phải so găng với hàng nội địa Nga.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu nông sản của việt nam sang liên bang nga trong bối cảnh thực thi hiệp định thương mại tự do giữa việt nam và liên minh kinh tế á âu (Trang 77 - 83)