Triển vọng xuất khẩu nông sản củaViệt Nam sang Liên Bang Nga

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu nông sản của việt nam sang liên bang nga trong bối cảnh thực thi hiệp định thương mại tự do giữa việt nam và liên minh kinh tế á âu (Trang 96 - 100)

Nền kinh tế Liên Bang Nga đang có dấu hiệu phục hồi tốt , theo dự báo của bộ phát triển Kinh tế Liên Bang Nga tăng trưởng GDP nước Nga năm 2017 ở mức 0,6% và dự báo của Ngân hàng Thế giới đưa về tăng trưởng kinh tế Liên Bang Nga năm 2017 ở mức 1,5% (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, 2017). Với tốc độ hồi phục kinh tế như vậy, Liên Bang Nga là một thị trường tốt và tiềm năng không chỉ cho Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác.

Theo tính toán của Ủy ban kinh tế Á-Âu, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa EAEU với Việt Nam có thể làm tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên từ 8-10 tỷ USD trong tương lai (Trung tâm WTO, 2016) Trong năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, các nhà xuất khẩu trong khu vực sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế. Với rất nhiều hàng rào thuế quan được gõ bỏ, chưa bao giờ nông sản Việt Nam lại có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường tại Liên Bang Nga như vậy. Với việc cấm vận nông sản thực phẩm từ Châu Âu và Mỹ, cơ hội xuất khẩu của chúng ta lại tăng gấp đôi, đặc biệt là dành cho rau, củ, quả bởi đây là một trong 5 mặt hàng nông sản Liên Bang Nga đang nhập khẩu nhiều nhất.

Về khả năng cung ứng sản phẩm của Việt Nam: Liên bang Nga là quốc gia thuộc khu vực khí hậu ôn đới và hàn đới, không có khả năng trồng và phát triển rau, củ và trái cây nhiệt đới. Do đó, Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường này các loại trái cây nhiệt đới như dứa, chuối, bưởi, vải, chôm chôm, hồng xiêm, mãng cầu, sầu riêng… dưới dạng tươi, ướp lạnh, đóng lon, sấy khô và một số loại rau, củ như dưa chuột, cà chua, đậu bắp, ớt, khoai tây, ngô non… dưới dạng muối, dầm giấm, đóng lon. Tình hình xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Nga đã có xu hướng tăng dần, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của Việt Nam. Lệnh cấm vận của Liên bang Nga với một số quốc gia năm 2014 chủ yếu lại là các sản phẩm ôn đới và Liên bang Nga cũng đã tăng cường nhập khẩu để thay thế thiếu hụt từ các quốc gia có nguồn cung sản phẩm ôn đới tương ứng. Như vậy, phân khúc thị trường đối với nhóm hàng này tại thị trường Nga là rõ nét. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường Nga tại thời điểm hiện nay vẫn đầy tiềm năng đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm rau, trái cây mà Việt Nam có thế mạnh với mục tiêu tận dụng cơ hội để tăng cường giới thiệu, quảng bá và từng bước đa dạng hóa thị hiếu người tiêu dùng Nga.

Với những dự báo tích cực về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Liên Bang Nga trong năm nay, chúng ta đang rất tự tin về việc gia tăng giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản Việt Nam sang Liên Bang Nga, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả. Bản thân nông sản Việt Nam cũng khá được yêu thích và ưa chuộng bởi người tiêu dùng, cùng với nhưng ưu đãi thuế quan từ FTA, chúng ta đang kì vọng rằng nông sản Việt Nam tăng cường tối đa kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2016 nhóm hàng nông sản có diễn biến diễn biến ngược chiều so với những năm trước đây, khi kim ngạch xuất khẩu giảm, tốc độ tăng trưởng của một số mặt hàng chủ lực thấp, nhưng nổi lên là một số mặt hàng có giá trị kim ngạch và tốc độ tăng trưởng tốt như cà phê, hồ tiêu. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn đang cố gắng để đa dạng hóa các mặt hàng nông sản xuất khẩu thay vì phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng chủ lực. Xuất khẩu rau quả đã đặt được nhiều triển vọng tích cực, khi giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này bắt đầu vươn tới mốc 2 tỷ USD trong năm 2016.

Dự báo trong thời gian tới, với những cơ hội mà FTA mang lợi, những mặt hàng nông sản thế mạnh của chúng ta sẽ có cơ hội xuất khẩu rất thuận lợi. Cà phê, hồ tiêu và hạt điều sẽ tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và duy trì vị trí xuất khẩu hàng đầu trong nhóm hàng nông sản. Ngay tại thị trường Liên Bang Nga, ba mặt hàng nông sản này cũng chiếm tỷ trọng áp đảo hoàn toàn so với các sản phẩm tương tự từ quốc gia khác. Trong tương lai, với những đầu tư và chiến lược phát triển tốt hơn, các sản phẩm của chúng ta có thể hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường.

Theo ông Lê Huy Khôi, Trưởng Ban nghiên cứu và dự báo (Viện nghiên cứu Thương mại), xuất khẩu mặt hàng chè bắt đầu có nhiều tín hiệu khả quan. Các doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này nếu đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn về an toàn vệ sinh, kiểm dịch của các thị trường nhập khẩu lớn như Liên Bang Nga. Hiện Liên Bang Nga là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ ba từ Việt Nam vì thế chúng ta phải duy trì và đảm bảo tốt chất lượng đối với thị trường nhập khẩu này để gia tăng hơn nữa kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng chè.

Đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ trước tới nay là gạo, tình hình kém khả quan hơn, do xu hướng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới được dự báo sẽ lớn hơn khi có nhiều yếu tố cùng tác động. Theo phân tích của đại diện Bộ Công thương, nguyên nhân chính khiến xuất khẩu gạo suy giảm mạnh trong năm 2016 là do nguồn cung trên thị trường thế giới hiện nay đang vượt xa rất nhiều so với cầu.

Năm 2017, ngành gạo đang đứng trước những cơ hội lớn khi được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại với ưu đãi lớn về thuế. cơ hội cho gạo Việt Nam xuất khẩu gạo sang các quốc gia thuộc khu vực Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) là rất lớn khi FTA Việt Nam – EAEU chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2016. Cụ thể, các thành viên EAEU sẽ dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch tổng là 10.000 tấn gạo được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Sau khi xuất khẩu đủ lượng này, sản phẩm gạo xuất khẩu sẽ chịu mức thuế 11,7% và VAT 10%. Tuy nhiên gạo sản xuất của Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình khá, những sản phẩm có chất lượng cao rất ít và chưa có thương hiệu, do đó, giá trị xuất khẩu không cao như các nước khác. Vì vậy cho nên Việt Nam cần chú trọng việc nâng cao chất lượng gạo và gia tăng giá trị xuất khẩu cho mặt hàng gạo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu nông sản của việt nam sang liên bang nga trong bối cảnh thực thi hiệp định thương mại tự do giữa việt nam và liên minh kinh tế á âu (Trang 96 - 100)