1.2. Cơ sở lý luận về đầu tư trực tiếp nước ngoài
1.2.2. Đặc điểm và các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài
1.2.2.1. Đặc điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài
Đầu tư trực tiếp nước ngoài có các đặc trưng sau:
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài không có những ràng buộc về chính trị, không để lại gánh nặng nợ nần cho nền kinh tế của nước chủ nhà nhưng có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và là một bộ phận hữu cơ trong cơ cấu đầu tư của nền kinh tế nước chủ nhà.
- Trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, có sự thiết lập quyền sở hữu về tư bản thực của công ty ở một nước khác, đầu tư trực tiếp nước ngoài được thực hiện bằng vốn của cá nhân hoặc tập thể do các chủ đầu tư tự quyết định đầu tư, quyết định sản xuất, kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về các khoản lỗ, lãi. Đầu tư
trực tiếp nước ngoài phát triển gắn liền với sự ra đời và hoạt động của các công ty xuyên quốc gia.
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài có mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng nhằm mở rộng, chiếm lĩnh thị trường của các công ty xuyên quốc gia và thu về lợi nhuận tối đa cho nhà đầu tư.
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài có sự kết hợp quyền sở hữu với quyền quản lý các nguồn vốn đã được đầu tư. Khác với hình thức đầu tư gián tiếp, trong đầu tư trực tiếp, chủ đầu tư nước ngoài điều hành toàn bộ mọi hoạt động đầu tư nếu là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hoặc tham gia điều hành doanh nghiệp liên doanh tùy theo tỷ lệ góp vốn của mình.
- Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài có kèm theo việc chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý. Thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, nước chủ nhà có thể tiếp nhận được công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm quản lý... Đây là những mục tiêu mà các hình thức đầu tư khác không giải quyết được.
- Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn liền với sự phát triển của thị trường tài chính quốc tế và thương mại quốc tế. Trong hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, các công ty mẹ thường chuyển giao vốn của mình qua các công ty chi nhánh. Do đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài có liên quan chặt chẽ với dòng lưu chuyển vốn quốc tế, trong đó một công ty ở một nước tạo ra hoặc mở rộng chi nhánh ở nước khác.
Những đặc trưng trên cho thấy bản chất và những lợi thế nổi bật của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong phát triển kinh tế của các nước đang phát triển nói riêng và của nền kinh tế thế giới nói chung. Hiện nay, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đều hoạt động theo cơ chế thị trường, xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa các hoạt động kinh tế đang ngày càng phổ biến và diễn ra với tốc độ nhanh, khoa học - kỹ thuật, công nghệ đạt đến trình độ phát triển cao.... đầu tư trực tiếp nước ngoài được sử dụng như một trong những hình thức hợp tác kinh tế, phương tiện thực hiện phân công lao động quốc tế và được xem là một trong các điều kiện quyết định sự phát triển của nền kinh tế thế giới.
Theo cách thức thâm nhập: chia làm 2 hình thức
- Đầu tư mới: xây dựng một cơ sở sản xuất kinh doanh mới hoàn toàn tại khu vực nhận đầu tư
- Sáp nhập và mua lại qua biên giới: chủ đầu tư nước ngoài mua lại hoặc sáp nhập một cơ sở sản xuất kinh doanh sẵn có ở nước nhận đầu tư.
Theo quan hệ về ngành nghề, lĩnh vực giữa chủ đầu tư và đối tượng tiếp nhận đầu tư: theo tiêu chí này FDI được chia làm 3 hình thức:
- FDI theo chiều dọc: khai thác nguyên vật liệu hoặc để gần gũi người tiêu dùng thông qua các kênh phân phối ở khu vực nhận đầu tư
- FDI theo chiều ngang: sản xuất cùng loại sản xuất hoặc các sản phẩm tương tự mà chủ đầu tư đã sản xuất tại nước của chủ đầu tư.
- FDI hỗn hợp: Doanh nghiệp chủ đầu tư và doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau
Theo định hướng của nước nhận đầu tư:
- FDI thay thế nhập khẩu
- FDI tăng cường xuất khẩu
- FDI theo các định hướng khác của chính phủ
Theo định hướng của chủ đầu tư
- FDI phát triển: khai thác lợi thế về quyền sở hữu của doanh nghiệp ở nước nhận đầu tư
- FDI phòng ngự: nhằm khai thác nguồn lao động giá rẻ ở các nước nhận đầu tư để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Theo hình thức pháp lý:
- Hợp đồng hợp tác kinh doanh: văn bản ký kết giữa hai hoặc nhiều bên để tiến hành đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, quy định trách nhiệm chia kết quả kinh doanh cho mỗi bên mà không thành lập pháp nhân mới.
- Doanh nghiệp liên doanh: là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh ký giữa hai hoặc nhiều bên
- Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài: là doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tự quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.
Ngoài ra, FDI Việt Nam còn được tiến hành bằng các hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO), Xây dựng - Chuyển giao (BT).