3.2. Các giải pháp đề xuất nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư
3.2.1. Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư
Trước hết, các giải pháp của tỉnh để nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư là tiếp tục đổi mới công tác bố trí đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh cũng xây dựng các tiêu chí rõ ràng, cụ thể để minh bạch hoá việc phân bổ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Ngoài ra, đó là các giải pháp trong việc nâng cao chất lượng thẩm định các dự án đầu tư, nhất là năng lực về tài chính, công nghệ, xử lý môi trường, giải quyết việc làm cho người lao động trong quá trình xem xét chủ trương đầu tư. Tỉnh cũng cần xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh trong từng giai đoạn, đảm bảo mô tả đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án.
a. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch
Chất lượng công tác quy hoạch cần được quan tâm từ khâu lập quy hoạch đến khâu quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Trong quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phải đảm bảo phối hợp đồng bộ với các ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác như: giao thông, điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước,...
Tỉnh cần thực hiện nghiêm việc công bố công khai quy hoạch nhằm tăng cường hiệu quả giám sát của cộng đồng, góp phần tăng cường tính minh bạch về môi trường đầu tư. Việc cắm mốc chỉ giới quản lý quy hoạch một số tuyến đường mở mới, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thông tin về dự án và tham gia đầu tư xây dựng cần được thực hiện kịp thời. Quy hoạch các khu vực phát triển hai bên sông Thái Bình và phía Nam sông Sặt, thành phố Hải Dương; các khu vực khai thác du lịch văn hóa, vui chơi giải trí trên địa bàn thị xã Chí Linh; quy hoạch phát triển các khu vực tập trung cao về công nghiệp (như huyện Kinh Môn, Kim Thành, Cẩm Giàng...); quy hoạch phát triển các khu vực thuận lợi tiếp cận các tuyến đường cao tốc để tận dụng lợi thế vị trí (các đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Hạ Long, đường Vành đai 5 của Thủ đô Hà Nội...) là những quy hoạch thông minh cần được quan tâm và tổ chức thực hiện.
Việc lập quy hoạch cụ thể cũng cần quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý quy hoạch, các cấp chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng sau quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn theo phân cấp.
Các điểm cần chú ý khi quy hoạch như sau:
- Quy hoạch của tỉnh phải phù hợp với quy hoạch của vùng miền và phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hải Dương.
- Quy hoạch tận dụng lợi thế tối đa của tỉnh về hệ thống giao thông vận tải, nguồn tài nguyên và các ngành có tiềm năng phát triển cao.
b. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư
Sau khi thực hiện quy hoạch, tỉnh cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách của nhà nước về ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, tỉnh nên kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung một số chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn (pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, tài nguyên, thuế,...). Tỉnh Hải Dương cần tổ chức rà soát đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đã ban hành, tập trung phân tích làm rõ những vướng mắc về trình tự, thủ tục, cơ chế và nguồn lực để thực hiện các chính sách đó. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng tâm như: nông nghiệp, nông thôn; kết cấu hạ tầng kỹ thuật,...
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tỉnh nên thực hiện cơ chế hỗ trợ theo mô hình sản xuất có hiệu quả như các biện pháp chuyển dần từ hỗ trợ thông qua trung gian sang hỗ trợ trực tiếp đến người sản xuất, gắn liền với hoàn thiện, công khai, minh bạch hoá quy trình, thủ tục; cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện. Các chính sách đã thực hiện tốt và hiệu quả cần được tiếp tục sử dụng và hoàn thiện. Tỉnh Hải Dương cũng cần nghiên cứu triển khai một số cơ chế hỗ trợ mới, tập trung vào các nhóm chính sách hỗ trợ: phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, xử lý môi trường khu vực nông thôn, làng nghề, xây dựng thương hiệu, khuyến khích, hỗ trợ mở rộng mô hình thuê đất để sản xuất nông sản hàng hoá....
Đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, tỉnh tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề
cũng như đa dạng hoá các hình thức đầu tư. Tỉnh học tập kinh nghiệm từ các tỉnh thành khác, vận dụng linh hoạt các hình thức liên kết đầu tư như: BT, BOT, BTO, phù hợp với đặc điểm phát triển của từng giai đoạn, từng ngành, lĩnh vực và khả năng góp vốn từ ngân sách, đặc biệt là phát triển trong lĩnh vực giao thông, y tế, các lĩnh vực mang tính xã hội hóa cao sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn cho tỉnh.
Đối với người lao động ở các khu vực phải thu hồi đất, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ tạo việc làm như việc chú trọng thực hiện việc quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư; có cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư xây dựng chung cư, đảm bảo nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; phát triển các dịch vụ an sinh xã hội ở các khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: nhà văn hoá, khu thể thao, khu dịch vụ cho các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài sống và làm việc tại tỉnh.
c. Các giải pháp đề xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ hỗ trợ đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư
Tỉnh cần tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng có đủ điều kiện được mở chi nhánh tại Hải Dương. Các nghiệp vụ truyền thống được triển khai cùng với việc thêm nhiều sản phẩm tín dụng đa dạng, phong phú phục vụ các nhà đầu tư. Tỉnh cũng nên thực hiện biện pháp khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm công nghệ cao, giao dịch ngân hàng trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng.
Các hoạt động tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế, tư vấn và giải quyết kịp thời mọi vướng mắc của các đối tượng nộp thuế cần được triển khai mạnh mẽ. Tỉnh cần hỗ trợ việc triển khai việc kê khai thuế qua mạng Interrnet nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí về thời gian, thủ tục giấy tờ trong việc kê khai thuế cũng như thực hiện mở rộng kết nối thu thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Tỉnh Hải Dương nên đưa ra các chính sách mở rộng quy mô hỗ trợ đào tạo nhân lực trong các doanh nghiệp.Việc thành lập các công ty cung cấp dịch vụ cung ứng nhân lực theo đơn đặt hàng là một hướng đi mới trong việc đáp ứng cung cầu lao động của thị trường. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn, trợ giúp các doanh nghiệp trong đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu trí
tuệ. Công tác xúc tiến đầu tư; giành và nghiên cứu làm rõ lĩnh vực, khu vực đất thuận lợi để thu hút dự án lớn, quan trọng ảnh hưởng lớn đối với phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh là những nhiệm vụ hàng đầu. Hàng năm tỉnh nên bố trí kinh phí thoả đáng cho công tác xúc tiến đầu tư, vận động đầu tư chọn lọc có trọng tâm, trọng điểm trực tiếp tới các nhà đầu tư lớn, các địa bàn trọng điểm cần thu hút đầu tư, như các nước G7, Hàn Quốc và các nước phát triển có trình độ khoa học, công nghệ cao... Quá trình vận động, xúc tiến đầu tư và tiếp nhận các dự án đầu tư tỉnh cần đặc biệt quan tâm những nội dung về quan điểm, định hướng thu hút đầu tư. Kênh xúc tiến, vận động đầu tư thông qua chính các nhà đầu tư đã triển khai dự án tại địa bàn cần được mở rộng cũng như việc đa dạng hoá các kênh vận động, xúc tiến đầu tư thông qua các cơ quan, diễn đàn, các tổ chức kinh tế có uy tín lớn trong và ngoài nước. Tỉnh cũng cần xây dựng đồng bộ, chuyên nghiệp và thường xuyên cập nhật thông tin các công cụ tuyên truyền cho xúc tiến đầu tư như: sách, CDROM, Website. Việc phát hành các ấn phẩm giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh bằng các thứ tiếng như: Tiếng Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... cần được thực hiện thường xuyên.
Tỉnh có thể xây dựng mở rộng hệ thống website riêng về xúc tiến đầu tư, trong đó phân loại thủ tục hành chính theo các cơ quan cần giải quyết thủ tục, địa chỉ và thời gian xử lý thủ tục.
Do vậy, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thực sự coi thành công của doanh nghiệp chính là thành công của mình là yếu tố đặc biệt quan trọng, góp phần cải thiện thiết thực môi trường đầu tư tại địa phương.
d. Các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính
Tỉnh cần thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả thực hiện mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông” trong lĩnh vực đầu tư; bổ sung, hoàn thiện cơ chế vận hành (cách thức, trình tự, trách nhiệm phối hợp giữa các ngành).
Đối với cán bộ công chức, tỉnh cần câng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức trong giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư, tạo điều kiện thời gian nhanh nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
Tỉnh cần nâng cao chất lượng hoạt động của Phòng kiểm soát thủ tục hành chính trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh để có thể tăng cường kiểm tra giám sát các bộ phận, các khâu khi thực hiện thủ tục hành chính.
Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Tỉnh nên xây dựng và thực hiện quy định về kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, quy định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính ; thực hiện chặt chẽ quy trình tuyển chọn, bố trí cán bộ công chức trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư. Ngoài ra, tỉnh có thể xây dựng văn hóa công sở, văn hóa hành chính để các cán bộ công chức phục vụ tốt các doanh nghiệp.
Đối với việc đưa ứng dụng thông tin vào hỗ trợ đầu tư, tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước như tiếp tục đầu tư hoàn thiện các Cổng thông tin điện tử của các Sở, ngành liên quan trực tiếp tới lĩnh vực đầu tư, tỉnh cũng nâng cao tính tương tác giữa doanh nghiệp và các cổng thông tin điện tử.
Thứ hai, tỉnh cũng cần thực hiện đăng tải, cập nhật thường xuyên các thủ tục hành chính, cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh trên các Website, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mở rộng khả năng tiếp cận với các thông tin về thủ tục hành chính và cơ chế, chính sách. Xây dựng và nâng cấp hệ thống chính phủ điện tử. Nâng cao hiệu quả giải quyết các thủ tục qua mạng cũng như giải đáp thắc mắc qua các đường dây nóng hoặc hộp thư, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cán bộ.
Ngoài ra, các lộ trình đăng ký thành lập doanh nghiệp và giải quyết một số thủ tục như: kê khai thuế, hải quan,...qua mạng thông tin điện tử cần được các bộ phận liên quan hỗ trợ một cách cụ thể chi tiết. Tỉnh có hỗ trợ kinh phí nâng cấp, đầu tư trang thiết bị và lực lượng cán bộ cho các bộ phận “Một cửa” tại các huyện, thành phố, thị xã. Đề xuất cho tỉnh Hải Dương việc xây dựng “Trung tâm dữ liệu doanh nghiệp” trên một số lĩnh vực nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối
với các doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI.