Môi trường đầu tư thuận lợi sẽ khiến lượng vốn FDI tăng lên và khi FDI tăng sẽ có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một mặt, môi trường đầu tư tác động đến lượng vốn FDI thu hút được. Trước khi đầu tư vào bất cứ một khu vực nào, nhà đầu tư sẽ tìm hiểu các yếu tố của môi trường đầu tư một cách tổng hợp như các yếu tố kinh tế, chính trị, pháp luật, văn hóa xã hội… Môi trường đầu tư có an toàn và đảm bảo khả năng sinh lợi mới có thể thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sự ổn định về chính trị, tiềm lực kinh tế, điều kiện tự nhiên thuận lợi cũng như sự cung cấp đầy đủ và toàn diện các chủ trương chính sách và các thông tin đầu tư sẽ giúp các nhà đầu tư có những quyết định đầu tư đúng, giảm thiểu rủi ro.
Trong các yếu tố của môi trường đầu tư, chi phí đầu tư là yếu tố để các nhà đầu tư xác định hiệu quả đầu tư. Chi phí đầu tư bao gồm chi phí chính thức (như thuế, phí…), chi phí không chính thức và thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Chi phí đầu tư được giảm thiểu sẽ làm tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư, tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian đầu tư hiệu quả. Khi nghiên cứu các yếu tố của môi trường đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có thể dự đoán được mức độ rủi ro khi đầu tư. Khi xảy ra rủi ro hệ thống do thay đổi các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường (như thay đổi chính sách pháp luật, môi trường tự nhiên…), nhà đầu tư sẽ phải điều chỉnh lại phương thức và lượng vốn đầu tư phù hợp để giảm thiểu tổn thất đến mức thấp nhất.
Chính sách bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước sẽ ảnh hưởng tới khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào những ngành đó. Quy mô thị trường, cơ sở hạ tầng, khoảng cách tới thị trường…cũng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của nhà đầu tư. Việc giảm chi phí đầu tư, giảm rủi ro và các rào cản với nhà đầu tư sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư lớn.
Ngược lại, sự gia tăng của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giúp cải thiện môi trường đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Nguồn vốn FDI giúp phát triển kinh tế vùng và địa phương, giúp tăng trưởng kinh tế, bổ sung nguồn vốn cho phát triển kinh tế. Hơn nữa, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài làm tăng sản xuất của nền kinh tế, tăng sản phẩm, dịch vụ cho nền kinh tế.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực. Số lao động trực tiếp và gián tiếp gia tăng, góp phần nâng cao, cải thiện đời sống trong một bộ phận dân cư. Số lao động này được tiếp cận công nghệ hiện đại, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng thúc đẩy doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới công nghệ, phương thức quản lý để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong và ngoài nước.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Lấy ví dụ năm 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015 đạt 1.367,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước và bằng 32,6% GDP. Tổng số vốn FDI thực hiện năm 2015 đạt 14,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2014, vượt 11,5% so với kế hoạch đề ra. Vốn đăng ký đạt 24,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014 và vượt 9,6% so với kế hoạch đề ra. (Tổng Cục thống kê, 2016)
Nhờ nguồn thu này, tổng vốn đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng tăng, thể hiện ở mạng lưới cầu, đường, cảng biển... liên tục được nâng cấp. Viễn thông và hàng không phát triển tương đối nhanh và đáp ứng được các yêu cầu đề ra.