Kể từ khi tái lập tỉnh Hải Dương năm 1997, từ một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đến nay Hải Dương đã chuyển thành một tỉnh có nền kinh tế mà công nghiệp, dịch vụ là chủ yếu. Cơ cấu kinh tế trong các năm gần đây chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Diện mạo của tỉnh đã có nhiều đổi mới, kết cầu hạ tầng cơ sở luôn được chỉnh trang, nâng cấp, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Kinh tế Hải Dương phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng cao.Với nhiều chính sách, biện pháp mạnh mẽ và tích cực, Hải Dương đã trở thành một trong 10 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước.
Hầu hết các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư ở các ngành công nghiệp sản xuất như sản xuất mì ăn liền, sợi cao cấp, ống thép… và tập trung trong các khu công nghiệp tại tỉnh. Theo tác giả tự tổng hợp từ báo cáo của Cục thống kê tỉnh Hải Dương từ năm 2010 - 2015, tổng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 138 doanh nghiệp năm 2010 lên 201 doanh nghiệp năm 2015. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm chủ yếu với 121 doanh nghiệp với số vốn sản xuất là 17,813 tỷ đồng năm 2010; năm 2015 số doanh nghiệp này tăng lên 187 doanh nghiệp với số vốn là 49,876 tỷ đồng. Số vốn sản xuất kinh doanh bình quân năm của các doanh nghiệp nước ngoài năm 2010 là 26,123 tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng số vốn toàn tỉnh. Đến năm 2015, số vốn này tăng lên 59,958 tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng số vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất do nhiều
nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rủi ro đầu tư cao, ảnh hưởng thời tiết, khó khăn khi thu mua nguyên liệu đầu vào.