Tỉnh cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về: thể lực, trí lực và kỹ năng lao động. Việc dự báo chính xác được
nguồn lao động, các kỹ năng cần có của lao động sẽ giúp tỉnh Hải Dương chủ động hơn trong việc điều chỉnh các chính sách đào tạo lao động
Nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và chất lượng đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Các biện pháp được đề ra đó là: nâng cấp và hiện đại hóa mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh; nâng cao chất lượng phát hiện và điều trị các bệnh nghề nghiệp, các loại bệnh xã hội có ảnh hưởng lớn đến khả năng lao động. Tỉnh thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất trong các bậc học; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục. Tỉnh cần hoàn thiện và kiện toàn mạng lưới các trung tâm giáo dục thường xuyên gắn với trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp - dạy nghề; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông. Việc lên kế hoạch đào tạo lao động theo quy hoạch nghề , theo ngành và theo từng khu vực sẽ giúp quyết định được số kinh phí, nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp.
Trong đào tạo nghề, việc thực hiện đa dạng hoá các loại hình đào tạo nghề, hình thành hệ thống trường dạy nghề bao gồm cả trường dạy nghề trong các khu công nghiệp khá hiệu quả, cần tiếp tục được tỉnh hoàn thiện và thực hiện. Tỉnh cũng chú trọng đào tạo công nhân kỹ thuật trong một số ngành: cơ khí, điện tử, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng mới, du lịch, khách sạn và ngành thương mại (tập trung cho mạng lưới các siêu thị và trung tâm thương mại chuyên ngành cao cấp).
Việc xã hội hóa giáo dục khi tỉnh và các doanh nghiệp phối hợp đưa ra các chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động sẽ giúp tạo ra sự ổn định về nguồn lao động có tay nghề cao. Tỉnh có thể phối hợp với doanh nghiệp đưa ra các chế độ tiền lương, chế độ lao động hấp dẫn. Đồng thời, việc kiểm tra và ghi nhận đóng góp ý kiến từ cả người lao động và doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có sự điều chỉnh phù hợp trong công tác quản lý lao động.
Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và làng nghề, tỉnh có thể đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội cho công nhân, tạo ra môi trường sống ổn định cho người lao động yên tâm làm việc.