Vai trò của việc sử dụng số liệu thống kê trong dạy học Địa lí lớp 12

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng phương pháp khai thác và sử dụng số liệu thống kê trong dạy học địa lí lớp 12 trung học phổ thông theo định hướng phát triển năng lực​ (Trang 31 - 34)

7. Cấu trúc đề tài

1.2. Một số vấn đề về số liệu thống kê

1.2.6. Vai trò của việc sử dụng số liệu thống kê trong dạy học Địa lí lớp 12

Trong Địa lí ngày càng biểu hiện một cách rõ ràng khuynh hướng không chỉ mô tả đặc trưng các hiện tượng riêng biệt về mặt định tính, mà còn mô tả về những chỉ tiêu

định lượng chính xác. Điều đó giúp rất nhiều cho việc chứng minh các kết luận khác nhau. Ai cũng biết rằng, các chỉ tiêu định lượng có thể đưa ra được không chỉ đối với các khái niệm đơn nhất, mà còn được áp dụng vào bất kì hiện tượng Địa lí nào. Bởi vậy, để đánh giá đặc trưng một đối tượng một cách chính xác thì không thể thiếu số liệu và tính toán.

Do đó việc sử dụng tài liệu, số liệu cụ thể trong trường phổ thông ở một mức độ đáng kể giúp cho việc hình thành các biểu tượng và khái niệm, các đặc điểm kinh tế - xã hội của các đối tượng và lãnh thổ địa lí. Nhưng dù yêu cầu này là bắt buộc, giáo viên trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể lạm dụng chúng. Chỉ có các con số điển hình, cơ bản nào có tác dụng giúp ta thu được những kiến thức cần thiết mới có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, nếu giáo viên lựa chọn những số liệu cần thiết và đưa số liệu ra chỉ nhằm thu hút sự chú ý của học sinh thì điều đó chưa đủ để hình thành các biểu tượng và các khái niệm nhất là để phát triển tư duy. Điều quan trọng hơn là dạy học sinh tự làm việc với các số liệu đó. Bởi vậy, cần phải đặt những bài tập khó buộc học sinh phải tiến hành các phép đo và như vậy tự họ sẽ tìm được các số liệu (các bài tập đo đạc trên bản đồ và đo đạc ngoài trời). Thường thường số liệu như thế cần được tính toán thêm (tính kích thước của một diện tích theo cả hai chiều dài và rộng đã có, xác định diện tích dòng chảy trong suối theo tốc độ dòng chảy và mặt ngang của nó).

Học sinh phải quen tìm các số liệu trong SGK, các sách tra cứu và các nguồn tài liệu khác, sắp xếp chúng theo các nguyên tắc nhất định. Cần phải phát triển kĩ năng sử dụng các bảng số liệu và các biểu đồ khác nhau trong SGK. Các bài tập về lập bảng và lập các đồ thị chứa các số liệu trong các bảng đó sẽ hoàn thiện năng lực định hướng trong các tài liệu thống kê.

Sử dụng các số liệu trong việc hình thành các biểu tượng và các khái niệm là cần thiết. Nó góp phần nâng cao trình độ khoa học của việc giảng dạy Địa lí và cho phép tăng cường tác động giáo dục của việc giảng dạy. Sự phát triển hệ thống các khái niệm địa lí không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển chung của học sinh mà còn phải hoàn thiện các kĩ năng chuyên biệt về sử dụng các số liệu ví dụ như: đo đạc, lập các bảng và giản đồ,…có được những kĩ năng trên, học sinh sẽ thuận lợi cho việc vận dụng lí thuyết vào thực tiễn.

Trong việc giảng dạy Địa lí kinh tế - xã hội ở trường THPT hiện nay, cụ thể là lớp 12, các số liệu và các hình thức thể hiện chúng bằng ngôn ngữ bản đồ cũng được sử dụng với chức năng minh họa và là nguồn tri thức. Nhưng quan trọng và có ý nghĩa nhất vẫn là chức năng là nguồn tri thức. Qua quá trình hướng dẫn, giáo viên sẽ giúp cho học sinh làm quen dần với việc sử dụng các số liệu từ đơn giản đến phức tạp, để cuối cùng các em có thể tự biết cách khai thác chúng, tìm ra những tri thức mới.

- Với chức năng minh họa cho bài giảng, giáo viên có thể sử dụng các số liệu và hình thức biểu hiện của chúng bằng cách vừa giảng vừa minh họa để học sinh dễ lĩnh hội bài giảng.

Ví dụ: Khi trình bày các điểm cực Đông, Tây, Nam, Bắc của một quốc gia, một vùng…giáo viên chỉ trên bản đồ những số liệu về kinh độ, vĩ độ hoặc nêu lên đỉnh cao nhất của một dãy núi bằng số liệu cụ thể có trên bản đồ.

Đối với các số liệu đã được xử lí và được biểu hiện theo phương pháp của khoa học bản đồ, giáo viên có thể sử dụng để trình bày về độ lớn, đặc tính số lượng, sự phân bố của đối tượng trên bản đồ…để lí giải, minh họa cho vấn đề của bài nêu ra.

Khi sử dụng theo hướng trên, giáo viên nên kết hợp sử dụng các câu hỏi để học sinh tự giác quan sát trực tiếp đối tượng hoặc làm sáng tỏ những kiến thức cần nắm.

- Với chức năng là nguồn tri thức thì nhiệm vụ của giáo viên ở đây là phải giúp học sinh sử dụng chúng để tìm ra (ở mức tối đa) những kiến thức cần nắm, đặc biệt là đối với các hình thức biểu hiện của số liệu và sự phân bố của chúng.

Việc sử dụng như thế nào còn phụ thuộc vào mục đích, yêu cầu, nội dung của từng kiến thức, từng vấn đề, từng bài học và cả nguồn số liệu có trên bản đồ, lược đồ trong sách giáo khoa và bản đồ đã xuất bản.

Để khai thác được tri thức, học sinh buộc phải trải qua một quá trình làm việc tích cực với các thao tác tư duy, tính toán, phân tích, so sánh, tổng hợp thì mới tìm ra được ý nghĩa bên trong của chúng như mối liên hệ giữa các hiện tượng tìm hiểu.

Trong quá trình hướng dẫn học sinh khai thác giáo viên cũng có thể nêu những câu hỏi dẫn dắt học sinh tìm hiểu từng khía cạnh của từng vấn đề, sau đó học sinh tự lực làm việc với các số liệu và hình thức biểu hiện của chúng. Nhiệm vụ của giáo viên là kiểm tra việc khai thác và nhận xét, bổ sung những điểm chưa đúng.

Để việc tiến hành sử dụng theo hai hướng trên có hiệu quả, GV cần chú ý những điểm sau:

+ Cần lựa chọn các số liệu và hình thức biểu hiện của chúng trên bản đồ sao cho phù hợp với nội dung bài giảng.

+ Cần dựa vào bản chú giải trên bản đồ để nhận biết kí hiệu quy ước. + Phải nắm được phương pháp thể hiện số liệu của khoa học bản đồ.

+ Cần chú ý định ra các bước khai thác một cách hợp lí với đối tượng và trình độ học sinh. [9], [10], [17]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng phương pháp khai thác và sử dụng số liệu thống kê trong dạy học địa lí lớp 12 trung học phổ thông theo định hướng phát triển năng lực​ (Trang 31 - 34)