8. Cấu trúc đề tài
2.1.5. Phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phải tiếp cận quan điểm định
hướng hoạt động và giải quyết vấn đề
Dạy học theo quan điểm định hướng hoạt động là quan điểm dạy học nhằm làm cho hoạt động trí óc và hoạt động chân tay kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong quá trình học tập, HS thực hiện các nhiệm vụ học tập và hoàn thành các sản phẩm hoạt động, có sự kết hợp linh hoạt giữa hoạt động trí tuệ và hoạt động chân tay. Đây là một quan điểm dạy học tích cực hóa và tiếp cận toàn thể. Vận dụng dạy học định hướng hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nguyên lí giáo dục kết hợp lí thuyết với thực tiễn, tư duy với hành động, nhà trường và xã hội.
Trong đó HS là chủ thể tự lực thực hiện nhiệm vụ học tập, gắn với các vấn đề trong thực tiễn, kết hợp lí thuyết với thực hành.
Dạy học theo quan điểm giải quyết vấn đề (Dạy học nêu vấn đề, dạy học nhận biết và giải quyết vấn đề) là quan điểm dạy học nhằm phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận biết và giải quyết vấn đề. HS được đặt trong một tình huống có vấn đề, đó là tình huống chứa đựng mâu thuẫn nhận thức, thông qua việc giải quyết vấn đề, giúp HS lĩnh hội tri thức, kĩ năng và phương pháp nhận thức. Dạy học giải quyết vấn đề là con đường cơ bản để phát huy tính tích cực nhận thức của HS, có thể áp dụng trong nhiều hình thức dạy học với những mức độ tự lực khác nhau của HS.
Vì vậy, để đáp ứng được hai quan điểm dạy học trên mỗi chủ đề dạy học trong môn Đạo đức cần có phương pháp và cách tổ chức hợp lí, chủ đề dạy học phải có tính cập nhật, gần gũi với đời sống hằng ngày và phải là những chủ đề mới, hấp dẫn để thu hút HS tìm hiểu. Phương pháp dạy học và hình thức tổ chức phải gắn liền với thực tiễn, chủ yếu là hoạt động cho HS thực hành và tự tìm hiểu. Các em có thể tự quan sát, tự tay làm hay tự sưu tầm tìm hiểu tài liệu về kiến thức. Như vậy, ngoài tiếp thu kiến thức HS có khả năng thực hành vận dụng những kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong đời sống thực tiễn. Mỗi chủ đề tích hợp cần vận dụng các phương pháp dạy học hay tổ chức khác nhau, có thể tổ chức cho HS tham gia các trò chơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa hay đặt HS vào các tình huống có vấn đề để các em tự suy nghĩ tìm giải pháp để giải quyết. Tùy vào nội dung đặc trưng của mỗi chủ đề đã được xây dựng mà GV có thể chọn phương pháp dạy học hay cách tổ chức sao cho phù hợp với đặc điểm HS và phù hợp với cơ sở vật chất đang có. Nhưng nguyên tắc cơ bản là gắn lí thuyết với thực hành và hình thành cho HS khả năng giải quyết vấn đề trong thực tế.
Ví dụ: Dạy học chủ đề “ Tôn trọng quyền người khác” giáo viên đưa ra những vấn đề thực tế vào tích hợp với bài học này. Trong tổ chức dạy học, đặt
HS vào những tình huống có vấn đề liên quan, cho các em tự tìm giải pháp. Tự HS kể ra những trường hợp tình huống có vấn đề liên quan để giáo viên hoặc cả lớp giúp giải quyết. Các hoạt động dạy học trên chủ yếu là vấn đề thực tế mà HS đã từng trải nghiệm, GV chỉ cần bổ sung cho HS cách giải pháp đúng sai hay hành vi nên và không nên ứng xử với người khác, với việc tôn trọng quyền người khác. Qua việc này sẽ giúp rèn cho HS khả năng tự giải quyết vấn đề, thói quen không coi nhẹ việc tôn trọng quyền người khác.