Chương 2 đã chỉ ra sở hữu chéo được xem là một vấn đề nan giải của hệ thống ngân hàng, vừa là một thách thức trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trước sự lũng đoạn của nhóm lợi ích có thể gây ra những hệ lụy vô cùng nguy hiểm cho cả hệ thống và nền kinh tế. Mặt tiêu cực của nó rất lớn, nên tác giả cho rằng cần phải tập trung giải quyết và kiểm soát để đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế. Một số khuyến nghị về các giải pháp sẽ được trình bày lần lượt dưới đây.
3.1. Một số giải pháp đã được triển khai nhằm kiểm soát và hạn chế tác động tiêu cực của sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam
3.1.1. Thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước tại các ngân hàng thương mại mại
Hầu hết các DNNN đều có sở hữu cổ phần trong các NHTM. Do nắm giữ cổ phần, DNNN sẽ dễ dàng vay vốn từ NHTM mà họ sở hữu do được sự bảo lãnh của chính phủ. Bên cạnh đó, DNNN thì luôn được Chính phủ chỉ định các ngân hàng cấp cho những khoản vay ưu đãi, thậm chí kinh doanh thua lỗ còn được khoanh nợ, giãn nợ, rồi xóa nợ. Vấn đề nảy sinh là các giao dịch vay vốn này thường vi phạm khung giám sát và không được giám sát. Hơn nữa, việc vay vốn dễ dàng sẽ tạo tâm lý ỷ lại cho các DNNN trong việc tiếp cận và sử dụng vốn vay. Sự hoạt động không hiệu quả của các DNNN theo cơ chế sở hữu chéo sẽ truyền dẫn các rủi ro đến các NHTM.Do đó, để loại bỏ tác động tiêu cực của sở hữu chéo đến an toàn hoạt động của NHTM, Chính phủ cần yêu cầu các DNNN đang nắm giữ cổ phần của các NHTMCP phải thoái vốn, chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Điều này sẽ góp phần hạn chế những khoản cho vay, đầu tư theo quan hệ giữa DNNN và NHTMCP.
Gắn với lộ trình tái cơ cấu các TCTD, giải pháp này cũng được kỳ vọng để xử lý sở hữu chéo được đề cập trong Đề án 254 là yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thoái vốn trong các TCTD với mục tiêu hoàn thành trước 31/12/2015. Nghị
định 15/NĐ-CP ngày 06/03/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quy định 4 cách thức thoái vốn Nhà nước tại các NHTM. Song thực tế triển khai cả 4 cách thức này đều đang gặp nhiều khó khăn làm cho thời hạn hoàn thành thoái vốn Nhà nước tại các TCTD trước ngày 31/12/2015 có thể không đạt mục tiêu đề ra. Thời hạn thoái vốn đến năm 2015 đã cận kề, nhưng vẫn còn nhiều khoản đầu tư ngoài ngành ở lĩnh vực ngân hàng, tài chính của PVN, EVN, Vinacomin... chưa thể rút vốn được.
Trong nỗ lực đẩy nhanh thoái vốn ngoài ngành, một trong những giải pháp đó là giao cho các NHTMNN mua lại phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư vào ngân hàng, công ty tài chính. Hoặc chuyển phần vốn này cho NHNN làm đại diện chủ sở hữu vốn. Có nghĩa, Vietcombank, BIDV, Vietinbank… có thể sẽ phải đứng ra nắm lại cổ phần của một số ngân hàng, công ty tài chính, nếu DNNN không tìm được nhà đầu phù hợp để chuyển nhượng vốn. Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu (2014), việc giao cho các NHTMNN đứng ra mua lại phần vốn này là phương án khả thi. Song về mặt thị trường, tình hình sở hữu chéo ngân hàng sẽ phức tạp hơn. Một số quy định để ngăn chặn sở hữu chéo giữa các ngân hàng sẽ là rào cản lớn cho vấn đề thoái vốn khỏi ngân hàng của DNNN. Hơn nữa, một số NHTMNN đã sở hữu cổ phần tại 1 hoặc nhiều NHTM, công ty tài chính khác như trường hợp Vietcombank. NHTMNN giờ mua thêm phần vốn ngân hàng của DNNN thoái ra chắc chắn sẽ tạo áp lực cho chính ngân hàng và tăng sự phức tạp của tình hình sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, việc mua cổ phần của ngân hàng phải phù hợp với chiến lược của các NHTMNN, chứ không phải cứ thừa tiền là mua hoặc mua cổ phần theo chỉ đạo của Chính phủ. Do đó, để thực hiện nghị định này trong nhiều trường hợp đặc biệt cần có sự điều phối của Bộ Tài chính, NHNN và Chính phủ.
3.1.2. Phân biệt ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại
Hiện nay tại Việt Nam đã có những quy định về sự tách biệt giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại nhằm giảm sở hữu chéo. Nhưng trên thực tế sự tách biệt này chưa rõ ràng. Hầu hết các ngân hàng đều có thể dùng vốn huy động ngắn hạn chủ yếu từ dân cư để thực hiện cho vay hay đầu tư vào cổ phiếu. Nhiều ngân hàng thương
mại không tập trung vào mảng dịch vụ chính mà lấn sân đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản... Sự mập mờ này làm cho nhiều ngân hàng leo theo cơn sốt đầu tư bất động sản, tạo ra nguy cơ nợ xấu ảnh hưởng lớn cho người gửi tiền và nền kinh tế. Ở Mỹ, hệ thống ngân hàng rất rạch ròi, ngân hàng đầu tư chỉ đầu tư, còn ngân hàng thương mại thì huy động tiền của dân chúng để cho vay chứ không được đầu tư.
Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã nhận ra rằng luật pháp phải có chính sách tách bạch chức năng ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư; bên cạnh đó phải hạn chế chặt chẽ việc dùng vốn vay của ngân hàng thương mại cho các hoạt động đầu tư nhiều rủi ro. Do đó, Thông tư 36 ra đời nhằm siết chặt hoạt động đầu tư của ngân hàng được phản ánh trong các giới hạn về đầu tư như tỷ lệ khoản đầu tư trái phiếu chính phủ so với vốn ngắn hạn, hay hạn chế các khoản vay cho mục đích đầu tư, kinh doanh cổ phiếu..
Trong khi tình trạng nhập nhằng giữa hai chức năng đang diễn ra như vậy, nhiều ngân hàng Việt Nam lại thông báo sẽ trở thành tập đoàn tài chính. Bản chất của tập đoàn tài chính là vừa có chức năng đầu tư, vừa có chức năng thương mại, điều này khiến cho vấn đề quản lý càng trở nên khó khăn. Do vậy, trong thời gian tới, luật cần bổ sung thêm các quy định liên quan đến tập đoàn tài chính.