thương mại
Quy định về vốn.
Theo Nghị định 141, vốn điều lệ thực góp của các ngân hàng phải đạt 1000 tỷ đồng vào năm 2008 và 3000 tỷ đồng vào năm 2010. Nhiều ngân hàng đã đáp ứng được yêu cầu này trước thời hạn quy định nhưng vẫn còn rất nhiều ngân hàng khác,
đặc biệt là các NHTMCP mới chuyển đổi từ mô hình NHTMCP nông thôn trước đây, đã không thể đáp ứng đủ vốn theo quy định. Tính đến ngày 31/12/2010 còn 13 NHTMCP không thể tăng đủ vốn buộc chính phủ phải ban hành Nghị định số 10/2011/NĐ-CP cho phép lùi thời hạn thêm một năm. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2011, chỉ còn 2 ngân hàng chưa đáp ứng đủ yêu cầu về vốn. Theo tính toán của tác giả, vốn điều lệ của NHTM tăng nhanh chóng với tốc độ trung bình khoảng 40% trong giai đoạn 2006 – 2012, trong đó khối NHTMCP (56%) tăng nhanh hơn so với khối NHTMNN (29%). Kết quả nghiên cứu của Hoàng Hoa Sơn Trà (2011) cho thấy trong giai đoạn 2006-2010, vốn của các NHTM tăng chủ yếu là từ nguồn huy động từ bên ngoài (69%). Trong những năm thị trường chứng khoán bùng nổ (2006-2007), vốn điều lệ tăng thêm từ việc phát hành cổ phần lên đến 80%.
Trong một thời gian ngắn để tăng được lượng vốn hàng nghìn tỷ đồng không phải là điều đơn giản. Theo các chuyên gia, một trong những cách thức đơn giản nhất để các ngân hàng này tăng đủ vốn là liên kết với nhau thông qua sở hữu chéo. Đó là khi, ngân hàng A cho B vay, rồi B dùng tiền vay này sở hữu trực tiếp ngược trở lại A, hoặc gián tiếp sở hữu A sau khi thông qua sở hữu một vài chủ thể trung gian nào đó. Như vậy, con nợ đã trở thành chủ sở hữu ngân hàng (Đỗ Thiên Anh Tuấn, 2015). Mặt khác, sở hữu chéo cũng giúp cho không ít lãnh đạo ngân hàng đã tận dụng doanh nghiệp “sân sau” để tăng vốn. Khi đó, doanh nghiệp có vốn góp lớn của các ông chủ ngân hàng sẽ đứng ra phát hành trái phiếu. Sau đó ngân hàng của các ông chủ trên sẽ bỏ tiền ra mua trái phiếu của doanh nghiệp rồi doanh nghiệp này sẽ sử dụng vốn góp đó vào đúng ngân hàng vừa bỏ tiền ra mua trái phiếu của mình hoặc mua cổ phần tại các ngân hàng có cùng sở hữu với ngân hàng đã cho vay. Tình huống tiêu biểu cho việc lách quy định này chính là việc SCB cho Vạn Thịnh Phát và các doanh nghiệp có liên quan vay vốn, sau đó Vạn Thịnh Phát và các doanh nghiệp này dùng tiền vay được để góp vốn vào TNB và FCB (xem Hình 2.7). Về mặt quan hệ sở hữu, cả ba ngân hàng SCB, FCB, TNB, và cả Vạn Thịnh Phát đều thuộc một chủ sở hữu, chính vì vậy nên các yêu cầu về định giá và giám sát các giao dịch vay mượn và góp vốn ở đây thường không được tuân thủ. Kết quả này kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản
trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát đối với hoạt động tài chính nói chung.
Hình 2.7: Tình huống SCB, FCB, TNB và Vạn Thịnh Phát
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
Theo Thông tư 13/2010/TT-NHNN (Thông tư 13), từ tháng 10/2010, các NHTM phải đạt được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9%. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2010, một số ngân hàng vẫn chưa đạt chỉ tiêu này. Điển hình như CAR của Vietinbank và Agribank chỉ đạt 8,02% và 6,4% tại thời điểm tháng 12/2010. Có thể thấy, các ngân hàng này vi phạm chỉ tiêu về an toàn hoạt động nhưng không có động thái nào từ NHNN. Chính sự tham gia của Nhà nước vào các NHTM này (xem Mục 2.2.1) làm giảm hiệu lực vai trò giám sát của NHNN. Điều đó còn tạo ra tâm lý ỷ lại cho các NHTMNN bởi cơ chế “ngoại lệ” trong giám sát vẫn được duy trì và áp dụng.
Bên cạnh đó, do các ngân hàng nhỏ chịu áp lực phải đạt tỷ lệ CAR 9% trước ngày 01/10/2010. trong hai năm 2010-2011, hầu hết các ngân hàng nhỏ đều tăng mạnh vốn, thường là hơn 50%. Kết quả là hầu hết các ngân hàng nhỏ đều đạt CAR cao hơn nhiều so với mức tối thiểu theo quy định là 9%. Cá biệt, một số ngân hàng có hệ số CAR khá cao như NHTMCP Bản Việt là 54,92% trong năm 2010, Ngân hàng Phát triển Mê Kông là 37,3% trong năm 2010, hay ngay cả SCB trước khi hợp nhất vào năm 2009 cũng lên đến 50,2%. Theo kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh công bố tại báo cáo Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam số thứ 3 do ngày 08/09/2012, các ngân hàng này đều được xếp vào nhóm ngân hàng có năng lực cạnh tranh trung bình, có sức mạnh thị trường hạn chế.
Hình 2.8: Hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam 2010 - 2012
Nguồn: Vũ Thành Tự Anh và cộng sự (2013)
Liên quan đến việc tuân thủ CAR, tình trạng sở hữu chéo hiện nay cũng giúp cho ngân hàng đánh giá không đúng tài sản “Có” rủi ro, khoản vay có thể được xếp vào nhóm ít rủi ro hơn, đồng nghĩa với việc hệ số CAR không thể phản ánh đúng thực chất. Trong thực tế, nhiều ngân hàng đã cho vay một phần vốn đáng kể để đầu tư chứng khoán và bất động sản trong những năm trước đây. Do có thể nhiều khoản cho vay vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán (có hệ số rủi ro cao) đã được hạch toán vào trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác đầu tư, phải thu khác với hệ số rủi ro thấp hơn, các nhà chức trách rất khó xác định tính minh bạch trong việc tính toán tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tại các TCTD. Chẳng hạn, theo một Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản đã giảm mạnh trong năm 2011. Trong bối cảnh thị trường bất động sản giảm giá nhanh và đóng băng kéo dài thì việc giảm dư nợ cho vay vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán thực tế là không khả thi.
Quy định về cấp tín dụng
Trên thực tế hình thức sở hữu chéo đã làm tăng giới hạn tín dụng và gián tiếp cho phép các TCTD được giải ngân với số tiền lớn hơn gây rủi ro mất kiểm soát về vốn. Luật TCTD 2010 (điều 128) quy định, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách
hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của NHTM. Tuy nhiên, quy định này dễ dàng bị mất hiệu lực bởi hiện tượng sở hữu chéo của các NHTM. Trường hợp cấp tín dụng cho các dự án Chính phủ chỉ dành cho các NHTMNN là một ví dụ điển hình. Do chính phủ vừa là chủ sở hữu các DNNN đồng thời lại là cổ đông chi phối tại các NHTMNN, nên khi cấp tín dụng cho một khách hàng vượt mức 15% vốn tự có của mình, các NHTMNN sẽ xin phê duyệt của chính phủ và NHNN. Hình 2.9 minh họa cho việc cấp tín dụng vượt mức 15% vốn tự có của các NHTMNN cho Dự án thủy điện Huội Quảng (Sơn La) của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Vì EVN và 3 NHTMNN là Vietcombank, BIDV và Agribank đều thuộc sở hữu nhà nước. Chính phủ đã chỉ đạo cho 3 ngân hàng này cho vay vượt quá 15% vốn tự có.
Hình 2.9: Sở hữu chéo giữa NHTMNN và DNNN
Nguồn: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Minh (2009).
Ngoài ra, do việc định nghĩa tín dụng không bao gồm trái phiếu kinh doanh nên nhiều ngân hàng thay vì cho vay truyền thống lại chuyển qua mua trái phiếu do các doanh nghiệp thuộc cùng sở hữu phát hành, từ đó đẩy tỷ lệ cấp vốn tín dụng thực tế lên rất cao. Chẳng hạn, LienVietPostBank đang tài trợ hàng ngàn tỷ đồng cho chính cổ đông sáng lập của mình. Số dư thể hiện trên Báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm cho thấy Him Lam được hưởng lợi khá nhiều từ hình thức tài trợ không phải trả lãi suất (hoặc lãi suất rất thấp) là Tạm ứng xây dựng công trình: tỷ lệ cấp tín dụng mỗi năm trên 35% so với vốn điều lệ (xem Bảng 2.3). Năm 2011, LienVietPostBank không chỉ tạm ứng cho Công ty Cổ phần Him Lam 1.961 tỉ đồng mà còn mua thêm 250 tỉ đồng trái phiếu của chính công ty này, làm cho tỷ lệ cấp tín dụng đối với một
khách hàng lên đến 37% so với vốn điều lệ và 33,54% so với vốn tự có của ngân hàng này, vượt xa so với quy định 15% của NHNN.
Bảng 2.3: LienVietPostBank và những khoản tài trợ cho Him Lam 2008-2012
Nguồn: Báo cáo tài chính LienVietPostBank 2008-2012
Bên cạnh đó, quy định về các trường hợp không được cấp tín dụng, hoặc hạn chế cấp tín dụng theo Luật TCTD 2010 (điều 126,127) cũng bị vô hiệu hóa. Chẳng hạn, theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011, số dư Navibank cho vay các bên liên quan tính đến ngày 31/12/2011 lên đến khoảng 2.208 tỷ đồng, chiếm hơn 17% tổng dư nợ cho vay khách hàng 12.915 tỷ đồng. Ngoài ra, gần 1000 tỷ đồng vốn của ngân hàng này cũng đang được cho các cá nhân liên quan vay. Hay đối với Westernbank, theo báo cáo thực hiện kết luận của Thanh tra NHNN (thời kỳ thanh tra từ 01/01/2011 đến 29/02/2012), tổng dư nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 của Westernbank thời điểm 29/02/2012 là 3.333 tỷ đồng (trong khi tổng dư nợ cho vay khách hàng thời điểm 31/12/2011 là 8.854 tỷ đồng); dư nợ cho vay nhóm khách hàng có liên quan lên tới 5.092 tỷ đồng, bằng 157% vốn tự có, vượt xa rất nhiều so với mức giới hạn 25% vốn tự có theo quy định tại Luật TCTD 2010.
Hay như trường hợp EVN, Geleximco và ABBank là một minh họa cho trường hợp tác động tiêu cực của sở hữu chéo. EVN, Geleximco là 2 cổ đông lớn của ABBank. Theo quy định tại Luật TCTD 2010 (điều 126), thì ABBank không được cấp tín dụng cho 2 cổ đông trên. Tuy nhiên ABBank lách luật tài trợ cho cả 2 pháp nhân trên thông qua hình thức đầu tư trái phiếu. Năm 2010, ABBank đã tài trợ 1000 tỷ đồng cho EVN và 500 tỷ đồng cho Geleximco bằng cách đầu tư trái phiếu (xem Hình 2.10).
Hình 2.10: Sở hữu chéo giữa Geleximco, EVN và ABBank
Nguồn: Vũ Thành Tự Anh và cộng sự (2013)
Quy định góp vốn, mua cổ phần
Sở hữu chéo vô hiệu hóa quy định tách bạch hoạt động ngân hàng đầu tư ra khỏi hoạt động ngân hàng thương mại. Ở Việt Nam, luật hiện hành quy định các NHTM không được trực tiếp kinh doanh chứng khoán nhưng lại được lập công ty chứng khoán để qua đó gián tiếp kinh doanh. Tuy nhiên, ngân hàng không được cấp tín dụng cho công ty trực thuộc là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chứng khoán. Sử dụng quyền sở hữu chéo, ngân hàng A có thể dễ dàng lách quy định này bằng cách tác động qua các kênh khác nhau để ngân hàng B (mà ngân hàng A đồng sở hữu) mua trái phiếu của Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ của ngân hàng A. Trong năm 2010, ACB đã đầu tư 1.000 tỉ đồng trái phiếu của DaiA Bank rồi DaiA Bank lại mua 700 tỉ đồng trái phiếu của ACBS. Như vậy, thực tế là ACB đã tài trợ 700 tỉ đồng cho ACBS thông qua DaiA Bank nhằm lách quy định không được cho vay công ty trực thuộc là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Hình 2.11: ACB đầu tư cho ACBS thông qua Ngân hàng Đại Á
Nguồn: Báo cáo tài chính năm 2010 của DaiA Bank
Sở hữu chéo vô hiệu hóa các giới hạn góp vốn, mua cổ phần. Theo quy định một ngân hàng và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng đó không được góp vốn vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp. Ngoài ra, luật cũng quy định tổng mức góp vốn, mua cổ phần tối đa của ngân hàng trong tất cả các công ty trực thuộc không quá 25% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng. Tuy nhiên, thông qua các khoản đầu tư trái phiếu và các khoản ủy thác đầu tư một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua các công ty liên kết, ngân hàng vẫn có thể kiểm soát được các doanh nghiệp, các dự án, và kể cả các ngân hàng khác. Một trường hợp điển hình là MaritimeBank mặc dù chỉ nắm giữ 10,2% vốn tại Ngân hàng Mê Kông (MDB) nhưng thông qua Quỹ Tín Phát – nắm giữ đến 18,5% cổ phần tại MDB, do đó MaritimeBank vẫn có thể chi phối được MDB một cách dễ dàng. Trên thực tế, một số ngân hàng đã cùng các công ty liên kết tham gia góp vốn thành lập công ty cổ phần đầu tư tài chính, sau đó chuyển vốn qua hình thức uỷ thác đầu tư. Công ty cổ phần đầu tư tài chính nhận vốn uỷ thác đi đầu tư vào các doanh nghiệp, dần dần trở thành công ty chuyên đi nắm giữ sở hữu doanh nghiệp. Chẳng hạn, theo báo cáo thường niên 2011, Eximbank đã có những khoản đầu tư vào các tổ chức kinh tế như 10,86% ở chứng khoán Rồng Việt; 10,99% ở Eximland; 9,45% vào công ty bảo hiểm Nhà Rồng; 10% vào quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Long; 11% vào Sài Gòn Exim. Các công ty này lại có sự đầu tư lẫn nhau, như trong cơ cấu cổ đông quỹ đầu tư tăng trưởng
Việt Long có bảo hiểm Nhà Rồng, chứng khoán Rồng Việt, công ty cổ phần đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu. Đáng chú ý, nhiều lãnh đạo cấp cao và cấp trung của các công ty này là lãnh đạo ở công ty mẹ. Chẳng hạn ở Eximbank, ông Phạm Hữu Phú nguyên phó chủ tịch HĐQT Eximbank, hiện là chủ tịch HĐQT Sài Gòn Á Châu, chứng khoán Rồng Việt, Eximland.
Sở hữu chéo tạo điều kiện cho một số người sở hữu đồng thời nhiều ngân hàng và doanh nghiệp khác nhau, từ đó chi phối hoạt động kinh doanh ngân hàng. Theo quy định hiện nay, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu quá 5%, một tổ chức không được sở hữu quá 15%, cổ đông và những người liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) nhằm hạn chế việc thâu tóm ngân hàng trái pháp luật. Tuy nhiên để lách các quy định trên, các cổ đông sở hữu số vốn nhỏ hơn 5% vốn điều lệ lại ủy quyền cho những cá nhân tổ chức không có họ hàng với mình để đầu tư vào một ngân hàng. Ví dụ cho trường hợp này là ông Đặng Thành Tâm. Tuy ông Đặng Thành Tâm chỉ sở hữu 2,97% tại Navibank và không có cổ phần tại Westernbank, nhưng ông lại sở hữu gián tiếp cả hai ngân hàng này. Ông Tâm nắm 23,69% cổ phần tại Công ty Cổ phần Viễn thông Sài Gòn và 34,94% cổ phần Tổng Công ty Phát triển nhà Kinh Bắc (KBC). Công ty Cổ phần Viễn thông Sài Gòn trực tiếp sở hữu 9,41% Westernbank. Còn KBC đầu tư 483 tỉ đồng tại Công ty Cổ phần Năng lượng Sài Gòn - Bình Định, vốn chiếm 9,85% cổ phần tại Westernbank và 11,93% tại Navibank. Như vậy khi sở hữu chéo diễn ra thì quy định này dường như bị vô hiệu hóa.
Quy định về phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro
Các NHTM thường có xu hướng che đậy tỷ lệ nợ xấu bằng nhiều kỹ thuật khác nhau do việc trích lập dự phòng sẽ làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận của ngân hàng để chia cho các cổ đông. Khi khách hàng không trả được nợ, thay vì xếp khoản vay thành nợ xấu và trích dự phòng rủi ro theo quy định, dựa trên quan hệ sở hữu chéo giữa ngân hàng A và khách hàng này, ngân hàng A có thể cho khách hàng vay một khoản nợ mới và dùng khoản nợ mới này để trả nợ cũ. Thông qua sở hữu chéo ngân
hàng cũng cho phép ngân hàng A giấu nợ xấu của mình bằng cách không khai báo nợ xấu mà nhờ ngân hàng B (mà ngân hàng A có sở hữu) cho vay, qua đó giảm được mức nợ xấu phải khai báo và không phải trích dự phòng rủi ro tương ứng.
Trường hợp điển hình như NHTMCP Nhà Hà Nội (Habubank) chỉ báo cáo tỷ lệ