Vấn đề mấu chốt trong công tác xử lý sở hữu chéo là phải đảm bảo ngăn ngừa hành vi cố tình vi phạm, đồng thời triệt tiêu lợi ích từ việc sở hữu chéo của các cá nhân và tổ chức. Để thực hiện điều này, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa NHNN và các bộ, ngành liên quan trong việc ban hành các văn bản pháp quy cũng như việc kiểm soát việc thực thi các điều khoản quy định trong các văn bản đó. Một số nội dung pháp lý cần được hoàn thiện sẽ được trình bày dưới đây.
Quy định chung về sở hữu chéo
Cơ quan quản lý nhà nước muốn điều tiết hiện tượng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng trước tiên thuật ngữ sở hữu chéo phải được bổ sung vào các văn bản pháp luật. Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Luật Doanh nghiệp 2005 đã có các quy định để hạn chế những bất cập do sở hữu chéo gây ra tuy nhiên lại không đưa ra khái niệm cụ thể. Tình trạng này dẫn đến hàng loạt các trường hợp lách luật trong thời gian vừa qua. Do đó, các văn bản quy phạm pháp luật cần bổ sung thuật ngữ “sở hữu chéo” đồng thời hình sự hóa các vấn đề liên quan đến sở hữu chéo để ngăn ngừa tối đa hành vi này (Bổ sung vào Luật Hình sự).
Đến nay, thuật ngữ “sở hữu chéo” chỉ được biết đến thông qua dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2015). Theo đó, “sở hữu chéo” là việc đồng thời hai hoặc nhiều doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau. Tuy nhiên, khái niệm này được các chuyên
gia cho là chưa bao trùm được hết các vấn đề phức tạp của sở hữu chéo bởi lẽ bên cạnh các dạng thức sở hữu chéo trực tiếp thì vẫn còn dạng thức gián tiếp như tác giả đã đề cập ở Chương 2 và Chương 3. Do đó, dự thảo cần quy định cụ thể sở hữu chéo trực tiếp của hai doanh nghiệp, sở hữu chéo gián tiếp của nhiều doanh nghiệp.
Quy định về công ty đầu tư tài chính
Gần đây còn xuất hiện một loại định chế tài chính mới với cái tên “công ty cổ phần đầu tư tài chính”, có vai trò rất quan trọng trong các thương vụ thâu tóm ngân hàng và “đầu cơ” tài chính, song lại chưa được nhận diện và đưa vào khuôn khổ giám sát của các cơ quan quản lý. Đáng chú ý là việc vô hiệu hóa các quy định này trong nhiều trường hợp là không trái quy định của luật nhưng lại sai với tinh thần của luật. Do đó, để hạn chế sở hữu chéo gián tiếp cần tăng cường giám sát đối với các công ty đầu tư tài chính đồng thời đồng thời phải bổ sung các quy định liên quan để hạn chế việc đầu tư lòng vòng sai luật.
Quy định về phòng chống rửa tiền
Các quy định về phòng chống rửa tiền cũng phải được thực thi một cách nghiêm túc. Ví dụ, các cổ đông đi vay tiền hoặc các nguồn tiền để góp vốn thành lập ngân hàng không minh bạch thì phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Đặc biệt, khi xem xét việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, NHNN sẽ tăng cường công tác xác minh nguồn tiền của các cổ đông và người có liên quan khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại các ngân hàng. NHNN cũng cần giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng dẫn đến vi phạm giới hạn cấp tín dụng cho cổ đông và người liên quan. Quy định này có tác động hạn chế nguồn vốn ảo đang dịch chuyển lòng vòng qua các định chế tài chính, công ty và các thể chế tham gia trên thị trường trong khi không có sự gia tăng đầu tư thực sự. Mặt khác, một khi nguồn tiền đầu tư vào các công ty, ngân hàng được truy về nguồn gốc một cách rõ ràng, cơ quan chức năng có thể kiểm soát được dòng tiền dịch chuyển trên thị trường nhằm đề ra các quyết sách can thiệp vào thị trường một cách kịp thời
Quy định về công bố thông tin
Bên cạnh những bổ sung của Thông tư 36 về các trường hợp phải công khai thông tin, với những vi phạm về công bố thông tin, có thể thấy để phát hiện được các mối quan hệ sở hữu chéo, cần mở rộng đối tượng công bố thông tin, đặc biệt là nhóm đối tượng là người có liên quan, đồng thời cần hạ tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu ngân hàng mà ở đó chủ sở hữu phải công bố thông tin. Cụ thể, yêu cầu công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu ngân hàng đối với các đối tượng:các cổ đông có tỷ lệ sở hữu NHTM cổ phần từ 1% trở lên; người có liên quan hoặc công ty liên kết của một nhóm cổ đông nắm giữ từ 1% cổ phần một ngân hàng; bắt đầu lập phương án giám sát các cổ đông có tỷ lệ sở hữu trên 1% hoặc công ty liên kết của một nhóm cổ đông có tỷ lệ sở hữu trên 1% mà nhận thấy có vấn đề trong hoạt động.