chi nhánh Hai Bà Trưng
3.2.1. Xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ phi tín dụng giai đoạn 2020 – 2025
Để có một chiến lược phát triển dịch vụ hợp lý trước tiền cần có sự thay đổi trong nhận thức về việc thay đổi cơ cấu hoạt động và thu nhập theo hướng giảm dần các hoạt động tín dụng thuần túy, thay vào đó là nâng cao tỷ trọng các khoản thu từ các sản phẩm dịch vụ hiện đại. Để làm được điều này phải xuất phát từ sự thống nhất trong toàn hệ thống chứ không thể chỉ thực hiện được tại một chi nhánh. Cùng với cả hệ thống chi nhánh phải mở rộng nền khách hàng, chú trọng chất lượng phục vụ đặc biệt là các dịch vụ mới dựa trên nền tảng khách hàng, tiềm năng tài chính và các lợi thế sẵn có của mình. Cần tích cực và chủ động trong cải thiện năng lực tài chính bằng cách đẩy mạnh công tác xử lý và thu hồi nợ xấu, làm trong sạch bảng tổng kết tài sản đi đôi với việc nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro.
Chiến lược phát triển dịch vụ phải được lập cho từng khoảng thời gian: quý, năm, 3 năm, 5 năm để có kế hoạch khai thác tối đa nguồn lực, nhân lực, vật lực. Các chiến lược dài hạn phải đảm bảo hiệu quả và đồng bộ dựa trên mục tiêu và định hướng phát triển của ngành. Tiếp đó tiến hành nghiên cứu tổng thể nhu cầu của thị trường, nghiên cứu phân đoạn thị trường đối với khách hàng, đồng thời nghiên cứu chiến lược, chính sách của các ngân hàng trên địa bàn kể cả của các đối thủ tiềm năng.
Trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của chi nhánh cần xác định các dịch vụ cơ bản, dịch vụ mũi nhọn để tập trung khai thác, phát triển. Bên cạnh đó là phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho các dịch vụ trọng điểm, rồi từng bước điều chỉnh các yếu tố tiềm năng như vốn, công nghệ, nhân lực nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thực thi của chiến lược. Trong quá trình triển khai cần có lộ trình cụ thể, phân công, phân nhiệm và giao chỉ tiêu cần thực hiện cho từng bộ phận, từng nhân viên. Cần có cơ chế khuyến khích tính chủ động, sáng tạo cho nhân viên tìm tòi, phát huy sáng kiến trong việc áp dụng thực thi chiến lược vào thực tế.
Trong quá trình thực hiện cần định kỳ đánh giá tính hiệu quả của chiến lược cũng như những thay đổi của thị trường để từ đó có được sự điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với nhu cầu thực tế và khả năng thực thi của chiến lược, hạn chế tối đa tính bảo thủ không mang đến hiệu quả.
3.2.2. Đầu tư trang thiết bị công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại vào các sản phẩm dịch vụ ngân hàng
Đối với cả hệ thống, MB đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. MB đã tiến hành hiện đại hóa đồng bộ hệ thống công nghệ ngân hàng và có tính liên kết cao trong toàn hệ thống với mục tiêu mở rộng khả năng cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng đồng thời hoàn thiện và chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ và quản lý nghiệp vụ dựa trên sự tương hỗ mật thiết giữa hệ thống công nghệ- mô hình tổ chức- cơ chế điều hành các đơn vị, phòng, ban. Từng bước xây dựng một hệ thống dữ liệu thông tin, phân tích, lập kế hoạch thống nhất dần tiến tới tự động hóa
các nghiệp vụ ngân hàng.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ phi tín dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút ngày càng nhiều khách hàng, chi nhánh cần chú trọng hơn nữa việc đầu tư trang thiết bị công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiến tới tự động hóa, tăng cường phát triển các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao và nhiều tiện ích. Cùng với cả hệ thống MB, để hiện đại hóa công nghệ tại chi nhánh Hai Bà Trưng phải đáp ứng những yêu cầu sau:
- Chọn lựa hệ thống công nghệ hiện đại, đáp ứng những thông số kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện nghiệp vụ kinh doanh và quản lý điều hành, đồng thời cho phép tích hợp các dịch vụ ngân hàng mới đã được hoạch định và hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
- Tập trung đầu tư cải tiến công nghệ ngân hàng ở hội sở và mạng lưới các điểm giao dịch trước hết là hiện đại hóa công nghệ thanh toán, xử lý dữ liệu thông tin nhằm tăng khả năng phục vụ khách hàng, thu hút nguồn vốn.
- Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng, tập trung đầu tư phần mềm ứng dụng vào các tiện ích ngân hàng đào tạo cán bộ đủ khả năng tiếp nhận kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả thiết bị hiện có.
- Nâng cấp hệ thống tin học, phát triển và hoàn thiện mạng giao dịch trực tuyến giữa hội sở chi nhánh và các điểm giao dịch.
- Hoàn thiện đưa vào ứng dụng hệ thống ngân hàng bán lẻ, dịch vụ ATM, POS, thấu chi…
- Nghiên cứu và thử nghiệm việc tự động hóa các quy trình cung cấp dịch vụ theo hướng cắt giảm các bước trung gian nhằm phục vụ khách hàng nhanh chóng hơn. Phát triển, mở rộng các dịch vụ như Homebanking, thí điểm các hình thức Phonebanking, Internetbanking…