- Ban hành hệ thống pháp luật đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ, minh bạch, phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế để tạo hành lang pháp lý giúp các NHTM trong đó có MB hoạt động hiệu quả, coi trọng các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự giữa ngân hàng và khách hàng.
- Hiện nay khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới- WTO thì các quy định về hoạt động ngân hàng phải theo hướng quốc tế hoá. Hiện nay hệ thống các quy định về hoạt động ngân hàng vẫn chưa thống nhất như quy định về giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản bảo đảm, quy định về thương mại điện tử…cần được ban hành đồng bộ với cơ chế thanh toán hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập.
- Tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính có hiệu quả tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Mỗi dịch vụ ngân hàng ra đời đều chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Nhà nước cần nghiên cứu các loại dịch vụ mới, hiện đại, phổ biến trên thế giới để có thể ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh, thông qua đó số lượng các dịch vụ ngân hàng mới được mở rộng.
- Thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường tiền tệ và thị trường vốn như là tác nhân thúc đẩy việc ra đời của nhữn dịch vụ tài chính nói chung. Ở Việt Nam hoạt động của hai thị trường này còn hạn chế, để thị trường dịch vụ ngân hàng Việt Nam thực sự sôi động thì nhà nước cần phải ra sức thúc đẩy hoạt động của hai thị trường này bằng cách:
+ Hoàn thiện cơ cấu tổ chức cũng như cơ chế pháp lý trên hai thị trường này từ đó hoàn thiện hơn công cụ tài chính.
+ Tạo được lòng tin cho cả các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp, tổ chức tham gia thị trường để từ đó tăng cung và cầu hàng hoá trên hai thị trường để
có được sự sôi động thực sự trên hai thị trường rất quan trọng này.
+ Từng bước ổn định và đưa VND trở thành đồng tiền có khả năng chuyển đổi. - Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông để phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại như hỗ trợ các ngân hàng trong việc phát triển hệ thống ATM, hệ thống các máy chấp nhận thẻ…
- Đưa ra những chính sách hợp lý nhằm từng bước hạn chế thói quen sử dụng tiền mặt trong dân cư, nhà nước nên có quy định ràng buộc về việc thanh toán qua ngân hàng của công chúng và các ngành dịch vụ khác. Đó là những quy định để liên kết các ngành như: điện, nước, bưu điện, thuế, bảo hiểm… để thanh toán các chi phí này qua tài khoản ngân hàng. Điều này có tác dụng rất lớn trong hạn chế sử dụng tiền mặt, tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế và nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các dịch vụ ngân hàng.
- Thực hiện xã hội hoá hoạt động ngân hàng nghĩa là quá trình làm cho mọi người dân, mọi ngành nhận thức đầy đủ các loại sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong những điều kiện cho phép.
- Tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức trong khu vực và trên thế giới qua đó tạo ra cơ hội được cọ sát cũng như cơ hội nắm bắt được những bài học từ công tác quản lý các ngân hàng lớn và có tiềm năng là rất cần thiết đối với các NHTM Việt Nam.
- Khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng trong việc tiến hành hiện đại hoá công nghệ ngân hàng. Tạo điều kiện để các ngân hàng nghiên cứu, ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh ngân hàng.
- Thúc đẩy đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nâng cao tiềm lực tài chính của các ngân hàng trên cơ sở củng cố và hoàn thiện các dịch vụ hiện có, hình thành các dịch vụ mới. Nhà nước phải tạo cơ chế hợp lý để cho phép các ngân hàng chủ động tiếp cận các dịch vụ mới từ các ngân hàng hiện đại trên thế giới để có thể dễ dàng áp dụng vào thị trường Việt Nam, đồng thời tiếp tục có biện pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện các dịch vụ hiện có.
- Tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng vốn điều lệ như cho phép phát hành trái phiếu, giảm thuế thu nhập…đồng thời tạo điều kiện đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá các NHTMNN trong đó có Ngân hàng TMCP Quân đội Việt Nam.