7. Kết cấu của luận văn
1.3.2.2. Các hoạt động tác nghiệp của Ngân hàng
Quy trình tín dụng và đầu tư của Ngân hàng
Về nguyên tắc, các quy trình tín dụng của các Ngân hàng có các nội dung cơ bản tương tự nhau, tuy nhiên nội dung chi tiết lại có nhiều khác biệt. Điều này phụ thuộc vào quy mô của từng Ngân hàng, cấu trúc các loại hình cho vay, năng lực
chuyên môn của đội ngũ nhân sự, mức độ ứng dụng công nghệ tin học của từng Ngân hàng. (Hồ Diệu, 2001).
Quy trình tín dụng càng chặt chẽ sẽ giúp cho Ngân hàng hạn chế tối đa rủi ro có thể xãy ra trong hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, nếu quy trình quá rườm rà, phức tạp sẽ gây mất thời gian của Khách hàng và cũng mất thời gian của nhân viên kinh doanh khi làm thủ tục cho vay, từ đó có thể làm cho Khách hàng e ngại khi đến vay vốn tại Ngân hàng.
Thẩm định cho vay của Ngân hàng
Khi quyết định cung cấp một khoản vay, các Ngân hàng bắt buộc phải có sự thẩm định, thông qua đó, có thể đánh giá được tính hợp lý hiệu quả của dự án đầu tư và đó cũng chính là biện pháp nhằm nâng cao chất lượng các khoản vay. Đặc biệt, những khoản vay trung và dài hạn thường đem lại nhiều rủi ro, khả năng linh hoạt kém nên phải thông qua công tác thẩm định để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn cho vay số tiền bao nhiêu, thời gian bao lâu, từ đó bảo đảm tính ổn định, an toàn cho khoản vay.
Thông thường, công tác thẩm định Khách hàng được tiến hành trước và chủ yếu tập trung vào xem xét các mặt: tư cách pháp lý, khả năng tài chính, khả năng quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, năng lực sản xuất kinh doanh, mức độ tín nhiệm. Nếu Khách hàng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu do Ngân hàng đặt ra thì dự án đầu tư sẽ được tiếp tục xem xét để quyết định có cho vay hay không. Vấn đề đặt ra ở đây là thủ tục và các điều kiện, tiêu chuẩn được sử dụng làm căn cứ để đánh giá Khách hàng và dự án đầu tư có hợp lý hay không. Nếu các điều kiện, tiêu chuẩn đặt ra quá khắt khe, không phù hợp với thực tế thì sẽ có rất ít các Khách hàng bảo đảm thoả mãn được yêu cầu của Ngân hàng. Điều đó gây cản trở cho Ngân hàng trong việc thu hút thêm Khách hàng, mở rộng quan hệ tín dụng, hay nói cách khác gây cản trở trong việc sử dụng vốn của Ngân hàng.
Ngược lại, nếu quy trình điều kiện đặt ra không chặt chẽ có thể sẽ khiến cho Ngân hàng sai lầm trong việc ra quyết định cho vay, dẫn đến rủi ro tín dụng. Hay nói cách khác là việc sử dụng vốn của Ngân hàng không hiệu quả, thậm chí còn gây thiệt hại cho Ngân hàng.
Giám sát và kiểm soát rủi ro tín dụng của Ngân hàng
Cho dù công tác thẩm định dự án, thẩm định Khách hàng được tiến hành tốt, giúp cho Ngân hàng lựa chọn được những Khách hàng tốt, những dự án khả thi có khả năng sinh lời cao. Song đó chưa phải là sự đảm bảo chắc chắn khoản vay ấy không có rủi ro, đặc biệt là với tín dụng trung và dài hạn. Do hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian dài luôn chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn không thể lường trước được. Chính vì vậy mà công tác giám sát và xử lý các tình huống tín dụng sau khi cho vay có ý nghĩa rất quan trọng.
Thực hiện tốt công tác này sẽ giúp Ngân hàng phát hiện và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực như sử dụng vốn sai mục đích, âm mưu tẩu tán tài sản, lừa đảo Ngân hàng. Đồng thời, qua việc luôn bám sát hoạt động của Khách hàng thì Ngân hàng có thể có biện pháp giúp đỡ Khách hàng thông qua việc cung cấp thông tin bổ ích, kịp thời, đưa ra các lời khuyên hoặc trực tiếp giúp đỡ các Khách hàng khi gặp khó khăn, qua đó góp phần hạn chế rủi ro, tổn thất trong tín dụng trung và dài hạn.