9. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
1.2.3.2. Nhân tố thuộc về phía khách hàng
-Năng lực tài chính của khách hàng: Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có đặc điểm chung là quy mô tài sản và nguồn vốn nhỏ, tỷ lệ nợ so với vốn tự có cao, đa phần hoạt động phải dựa vào vốn vay ngân hàng với tỷ trọng lớn. Cho nên mọi thua lỗ, rủi ro trong kinh doanh sẽ không có khả năng chống đỡ dẫn đến không có khả năng trả nợ, nếu doanh nghiệp bị thua lỗ, phá sản thì ngân hàng có nguy cơ mất vốn. Ngoài ra, do thói quen ghi chép đầy đủ, chính xác và rõ ràng các sổ sách kế toán vẫn chưa được các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm chỉnh, trung thực và thiếu minh bạch, không cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin tài chính theo yêu cầu của TCTD, sổ sách kế toán mà DN cung cấp cho NH nhiều khi chỉ mang tính hình thức, do đó cán bộ tín dụng phân tích tài chính DN dựa trên số liệu do DN cung cấp thường thiếu tính xác thực. Ngược lại với một doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, hoạt động bài bản sẽ có khả năng trả nợ cao.
-Năng lực quản trị điều hành kinh doanh: Nếu khách hàng thiếu kinh nghiệm kinh doanh và chiến lược hoạt động lâu dài sẽ dễ dàng sụp đổ khi không nắm bắt được nhu cầu và biến động của thị trường. Đa phần các khách hàng hoạt động khá hiệu quả khi còn ở quy mô vừa và nhỏ, nhưng sau khi đầu tư phát triển lớn mạnh với nhiều dự án kinh doanh lớn thì khả năng quản lý không theo kịp với tốc độ tăng trưởng và quy mô, đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, phát sinh những khoản chi phí, thiệt hại, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay cho ngân hàng. Trong khi đó với một doanh nghiệp có kinh nghiệm, chiến lược tầm nhìn rõ ràng lâu dài sẽ đáp ứng và thích nghi với sự thay đổi của thị trường, từ đó giảm thiểu rủi ro tín dụng cho ngân hàng.
- Khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích: Không ít khách hàng sử dụng một phần vốn vay vào mục đích khác với hoạt động kinh doanh, điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của khách hàng và làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng, hệ quả là dẫn đến phát sinh nợ xấu. Thậm chí nhiều khách hàng xin vay ngắn hạn nhưng thực tế là sử dụng vào những công trình đầu tư trung dài hạn để cải tiến mở rộng sản xuất kinh doanh, dẫn đến cơ cấu vốn mất cân đối, nợ đến hạn sẽ không trả kịp thời.
- Đạo đức của khách hàng: Khách hàng gian lận liên quan đến báo cáo tài chính khi cố tình khai man các số liệu, phổ biến là số liệu về công nợ và hàng tồn kho. Gian lận liên quan đến tài sản đảm bảo khi bên đi vay cố tình khai man về sự tồn tại của tài sản. Gian lận liên quan đến việc ngụy tạo uy tín để lợi dụng vay tiền qua đó tạo ra các dự án khống để vay khoản tiền lớn và trốn chạy. Có thể nói khía cạnh đạo đức của khách hàng đang tạo ra những rủi ro rất lớn cho ngân hàng, khiến cho việc thẩm định khách hàng cho vay bị sai lệch ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng.
Rất nhiều khách hàng có thiện chí trả nợ không tốt, sau khi kết thúc chu kỳ kinh doanh, mặc dù có lợi nhuận nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không chịu trả nợ nhằm mục đích chiếm dụng vốn ngân hàng, gây khó khăn trong quá trình thu hồi nợ, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Nếu khách hàng có thái độ hợp tác, thiện chí trả nợ tốt sẽ giúp giảm thiểu thời gian và nâng cao chất lượng tín dụng.