9. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
1.2.3.3. Các nhân tố khách quan
- Môi trường quốc tế: xu hướng toàn cầu hóa, mọi biến động kinh tế, chính trị ở bất cứ nơi nào, đều ảnh hưởng đến nền kinh tế, chính trị trong nước. Một mặt, nó tạo điều kiện giao lưu kinh tế, tăng hiệu quả kinh tế - xã hội đất nước nhưng mặt khác nó lại tạo sự cạnh tranh quyết liệt, gay gắt khiến cho hầu hết các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ và quy luật chọn lọc khắc nghiệt của thị trường. Các khách hàng làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán sẽ làm cho nợ xấu của Ngân hàng tăng lên. Ngoài ra, các NH trong nước, với hệ thống quản lý yếu kém, dễ gặp rủi ro khi nợ xấu tăng lên, các khách hàng có tiềm lực tài chính lớn bị các NH
nước ngoài thu hút. Khi nền kinh tế thế giới khởi sắc, chuyển biến tích cực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tranh thủ cơ hội kinh doanh, qua đó hoạt động tín dụng ngân hàng được phát triển, chất lượng tín dụng được nâng cao.
- Môi trườngkinh tế, xã hội trong nước: môi trường kinh tế xã hội tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực kinh doanh của ngân hàng cũng như các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Một môi trường kinh tế xã hội ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư sản xuất, lưu thông hàng hoá, do đó tạo ra nhu cầu về vốn cũng như tạo ra khả năng thanh toán cho doanh nghiệp. Khi nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định thì các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và có khả năng trả nợ cho ngân hàng, song trong tình trạng bị suy thoái, mất ổn định thì nó làm cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, sản xuất bị đình trệ, sức mua giảm sút, hàng hóa bị ứ đọng…dẫn đến khả năng trả nợ ngân hàng bị giảm sút, gây tình trạng nợ xấu, do đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng của ngân hàng.
- Môi trường pháp lý, chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước: môi trường pháp lý bao gồm hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân, có vai trò hướng dẫn hoạt động tín dụng của ngân hàng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, giúp ngân hàng xử lý các tranh chấp trong hoạt động tín dụng. Mặt khác, môi trường pháp lý có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, đầu tư của doanh nghiệp, nên nó tác động gián tiếp tới nhu cầu vốn và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, một môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ và ổn định là cơ sở nền tảng để ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, các văn bản pháp lý liên quan trực tiếp đến hoạt động tín dụng ở Việt Nam còn chưa đồng bộ, đầy đủ và hoàn thiện.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước nếu đưa ra những chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn, phù hợp với thực tiễn sẽ khuyến khích các tổ chức, các cá nhân làm ăn phát đạt và có nguồn để trả nợ cho ngân hàng đúng hạn. Ngược lại, sẽ làm cho tổ chức, các nhân bị ứ đọng vốn trong sản xuất kinh doanh, do đó khả năng trả nợ đúng hạn cho Ngân hàng là khó khăn.
- Môi trường chính trị: Khi môi trường chính trị không ổn định, các doanh nghiệp và ngân hàng không thể yên tâm để hoạt động, công chúng đầu tư mất lòng tin khiến cho doanh nghiệp và ngân hàng khó huy động vốn. Trong điều kiện đó, ngân hàng buộc phải thu hẹp tín dụng. Vì vậy, môi trường chính trị ổn định là một nhân tố có tác động lớn đến việc nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng.
- Môi trường thiên nhiên: đây có thể là nguyên nhân không thể lường trước được như là hạn hán, lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh phá hoại mùa màng, hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều khi do những nguyên nhân này khiến người vay không trả được nợ Ngân hàng đúng hạn, thậm chí có trường hợp Ngân hàng bị mất trắng số tiền đã cho vay.
Như vậy, chất lượng tín dụng chịu tác động của nhiều nhân tố. Việc dự báo xu hướng các nhân tố này tốt sẽ giúp cho ngân hàng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, tăng khả năng cạnh tranh cũng như hình ảnh và uy tín của mình.