9. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
2.4.2.2. Nguyên nhân từ phía Ngân hàng
Danh mục tín dụng của chi nhánh chưa thật sự đa dạng ở ngành nghề và đối tượng cho vay: Mặc dù trong những năm gần đây hệ thống BIDV đã triển khai nhiều sản phẩm tín dụng mới, hoàn thiện hơn, phù hợp với nhu cầu của thị trường, tuy nhiên dư nợ cho vay tại chi nhánh tập trung chủ yếu ở những sản phẩm truyền thống như cho vay đầu tư chăm sóc cây công nghiệp. Đối với mảng cho vay bán buôn thì tỷ lệ dư nợ cho vay đối với nhóm khách hàng lớn khá nhiều (chiếm trên 60% dư nợ bán buôn), dẫn đến rủi ro khi khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng tác động đến chất lượng tín dụng của chi nhánh. Ngoài ra việc phát triển dư
nợ đối với các DN ngoài quốc doanh còn chậm, đặc biệt ở các lĩnh vực có mức tăng trưởng cao như thương mại, vận tải, xây dựng, điển hình như trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.
Chính sách tín dụng của ngân hàng: chưa thực sự linh hoạt, mức cho vay còn thấp so với nhu cầu của khách hàng, đôi khi bỏ qua cơ hội đối với nhiều khách hàng tốt. Việc cho vay còn bị động, phụ thuộc vào khách hàng, chưa chủ động tư vấn cho khách hàng những dự án khả thi để mở rộng cho vay, chưa chủ động tìm kiếm và mời gọi những dự án khả thi và có hiệu quả.
Công tác thẩm định phương án, dự án còn thiếu chính xác: Việc thẩm định vốn tự có, tình hình tài chính của đơn vị vay vốn gặp khó khăn do việc báo cáo tài chính thiếu trung thực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, điều này có thể dẫn đến việc thẩm định phương án, dự án của Ngân hàng thiếu chính xác.
Việc phân tích thị trường, đánh giá khả năng cạnh tranh sản phẩm của phương án, dự án của người làm công tác tín dụng chưa được quan tâm đúng mức. CBTD chủ yếu vẫn dựa vào các thông tin mà khách hàng cung cấp để tính toán chứ chưa có sự kiểm chứng thực tiễn. Đồng thời khả năng dự báo tình hình biến động, triển vọng của thị trường trong tương lai cũng còn những hạn chế, đã dẫn đến rủi ro khi quyết định cấp tín dụng khi dự án đi vào thực hiện hoặc khi chính sách Nhà nước có thay đổi.
Đồng thời hiện nay, tình trạng khá phổ biến là cán bộ thẩm định đã quá coi trọng yếu tố TSBĐ của khoản vay khi quyết định cho vay mà ít đánh giá yếu tố rủi ro, tính khả thi của phương án.
Việc kiểm tra, giám sát các khoản vay còn sơ sài, mang tính hình thức:
dẫn đến việc kiểm tra, giám sát món vay không chặt chẽ, sơ sài nên không thể phát hiện được rủi ro.
Hơn nữa, theo mô hình mới thì cán bộ tín dụng không chỉ phụ trách trong lĩnh vực cho vay mà còn là đầu mối phụ trách công tác huy động vốn, thực hiện triển khai và bán chéo các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, là đầu mối quan hệ, giao dịch với
khách hàng. Với việc kiêm nhiệm nhiều công việc, cán bộ tín dụng chưa thật sự chuyên tâm cho công tác tín dụng, ít đi khảo sát thực tế, kiểm tra trực tiếp và đột xuất, do đó không nắm bắt được thực tế kinh doanh của khách hàng để kịp thời phát hiện rủi ro.
Chất lượng cán bộ làm công tác tín dụng: Chi nhánh hiện có khoảng 140 CBNV, trong đó số cán bộ phụ trách công tác tín dụng là 54 người. Trong đó đa phần nhân viên tín dụng đều có tuổi đời trẻ, nhiệt tình và năng động nhưng kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, kỹ năng đánh giá quản lý khách hàng chưa thật sự tốt và đồng đều, dẫn đến việc nắm bắt nhận định khoản vay dễ phát sinh rủi ro.
Cán bộ tín dụng ngoài giỏi về chuyên môn còn phải có kiến thức rộng về nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao. Do việc phát triển mạng lưới hoạt động với việc mở thêm phòng giao dịch chưa đồng bộ với việc phát triển nguồn nhân sự, Chi nhánh chưa có sự chuẩn bị tốt về nhân sự đối với đội ngũ làm công tác tín dụng. Do đó lực lượng làm công tác tín dụng trở nên thiếu về số lượng cũng như không đồng đều về chất lượng.
Ngoài ra một số bộ phận còn thiếu trách nhiệm trong công việc nên trong thẩm định cho vay chỉ mang tính hình thức, thường chấp nhận theo kết quả của khách hàng vay. Từ đó không thể đo lường và dự báo được khả năng rủi ro xảy ra đối với khoản vay, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của chi nhánh.
Hoạt động truyền thông:trong hoạt động tín dụng chưa được quan tâm đúng mức. Không chỉ chi nhánh mà các NHTM khác thường có quan điểm hoạt động huy động vốn và sản phẩm dịch vụ khác mới cần tiếp thị, còn việc cho vay thì khách hàng tự tìm đến NH, không cần phải tiếp thị. Những kênh thông tin quảng bá cũng thực sự chưa gần gũi đối với khách hàng, đặc biệt là các khách hàng cá nhân ở xa khu vực trung tâm hoặc không có điều kiện tiếp cận. Các hoạt động quảng bá khác như quảng cáo trên truyền hình, thông qua tờ rơi…mặc dù tốn kém nhiều chi phí nhưng thật sự chưa phát huy hiệu quả, đa số các khách hàng biết đến BIDV là do người thân bạn bè giới thiệu… Các kênh phân phối khác của chi nhánh còn hạn chế, chưa chủ động và phụ thuộc vào công tác truyền thông của hội sở chính.
Vì vậy trong nhiều năm qua việc tìm kiếm những khách hàng tốt, khách hàng tiềm năng, lôi kéo các khách hàng tốt đang quan hệ với các NHTM khác về vay vốn tại Chi nhánh gặp nhiều khó khăn.
Về chính sách sản phẩm: Mặc dù có rất nhiều sản phẩm đã triển khai nhưng hiệu quả mang lại không như kỳ vọng của Chi nhánh là do: sản phẩm tín dụng chưa thu hút được nhiều khách hàng, danh mục sản phẩm tín dụng chưa thực sự chi tiết, phù hợp với từng phân khúc khách hàng, như đối với hoạt động cho vay hỗ trợ nhu cầu về nhà ở tại BIDV chỉ có một sản phẩm chung cho tất cả các nhu cầu của khách hàng (mua mới nhà/đất ở, xây dựng/sửa chữa/cải tạo nhà ở, mua sắm trang thiết bị nội thất…) trong khi các NH TMCP, ngân hàng nước ngoài thường chia thành nhiều sản phẩm khác nhau, đáp ứng từng nhu cầu cụ thể của khách hàng. Các sản phẩm cho vay của Chi nhánh chưa ứng dụng công nghệ hiện đại (đơn vay vốn trực tuyến, tư vấn online, qua điện thoại…) nên chưa thuận tiện, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng một cách nhanh chóng, kịp thời.
Công tác truyền thông, quảng cáo tiếp thị chưa thực sự hiệu quả: Nhu cầu vay trên địa bàn rất cao, số lượng khách hàng rất dồi dào, nhu cầu thì đa dạng, tuy nhiên số lượng khách hàng đến với ngân hàng vẫn còn hạn chế so với khả năng cung ứng của ngân hàng.
Đối thủ cạnh tranh của BIDV Nam Gia Lai: Hiện nay trên địa bàncó đến 18 chi nhánh ngân hàng đang hoạt động với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các đối thủ cạnh tranh sẵn sàng nới lỏng điều kiện cho vay để tiếp cận khách hàng, do đó đã tác động không nhỏ đến Chi nhánh trong việc giữ chân khách hàng cũ và phát triển khách hàng mới, vì vậy đôi khi phải nới lỏng các chính sách điều kiên, thủ tục vay vốn nên dễ chọn phải các khách hàng xấu làm chất lượng tín dụng kém đi.
Hình 2.12: Đối thủ cạnh tranh của BIDV Nam Gia Lai 2.4.2.3. Nguyên nhân từ phía khách hàng
Khả năng đáp ứng các yêu cầu tín dụng thấp: thể hiện ở năng lực tài chính của khách hàng yếu, tài sản bảo đảm thiếu và không đầy đủ về tính pháp lý. Ngoài ra khách hàng không có đủ vốn đối ứng tối thiểu theo qui định tham gia vào dự án, năng lực quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng kém, thiếu nhạy bén. Mặt khác hoạt động chủ yếu bằng vốn vay NH, thường xuyên sử dụng vốn vay sai mục đích, dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư tài sản cố định mà NH khó kiểm soát được vốn sau khi giải ngân, không có TSBĐ hoặc tài sản không đủ điều kiện thế chấp theo qui định …
Tính trung thực của khách hàng kém: Phẩm chất đạo đức, uy tín và tính thiện chí của khách hàng kém có ảnh hướng xấu đến chất lượng tín dụng. Ngoài ra còn thể hiện trong việc cung cấp thông tin, cung cấp báo cáo tài chính cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Việc chấp hành pháp lệnh kế toán thống kê ở các doanh nghiệp chưa nghiêm, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Báo cáo tài chính không phản ánh đúng thực trạng tài chính doanh nghiệp. Điều này làm NH không có cơ sở pháp lý để phân tích, đánh giá tình hình tài chính và hoạt động sản
xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong từng thời kỳ. Không kiểm soát được trạng thái vốn tín dụng mà NH đã cho doanh nghiệp vay.
Ngoài ra nhiều doanh nghiệp, nhiều khách hàng vay vốn cố tình làm giả giấy tờ sở hữu tài sản thế chấp NH vay vốn. Một tài sản vay nhiều NH, khai báo không đúng về giá trị tài sản, vị trí tài sản, dùng nhiều tài sản bảo lãnh để vay vốn NH sau đó chiếm đoạt vốn vay và bỏ trốn.
Phần lớn các DNNN có tình hình tài chính yếu: Vì vậy các doanh nghiệp này có nhu cầu vay vốn thường cao hơn rất nhiều lần so vốn điều lệ. Các DNNN phần lớn thường làm ăn kém hiệu quả, khả năng cạnh tranh kém, các khoản nợ vay phần lớn đều là tín chấp. Năng lực tài chính yếu cùng với việc cho vay không có bảo đảm bằng tài sản là rủi ro lớn đối với hoạt động cho vay của các NHTM nói chung và của BIDV Nam Gia Lai nói riêng.
Những doanh nghiệp ngoài quốc doanh có quy mô VCSH nhỏ: Năng lực tài chính của loại hình doanh nghiệp này không lành mạnh nên hạn chế khả năng đầu tư và khó đáp ứng được yêu cầu về mức vốn tự có tối thiểu để được vay vốn NH. Mức vốn tự có nhỏ khiến cho các doanh nghiệp dễ đổ bể khi đối mặt với những diễn biến bất thường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đảm bảo tính minh bạch về các thông tin tài chính. Hệ thống báo cáo tài chính thường không đầy đủ, không cập nhật, kém tin cậy, nhiều hệ thống sổ sách kế toán khác nhau. NH không có cơ sở pháp lý để phân tích, đánh giá tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong từng thời kỳ.
Sử dụng vốn vay kém hiệu quả: Do hạn chế về vốn và khả năng lập dự án, khả năng nắm bắt thông tin dẫn đến việc sử dụng các trang thiết bị, công nghệ lạc hậu, không đồng bộ, trình độ quản lý kém làm cho dự án thiếu khả thi và không đem lại hiệu quả. Tình trạng làm ăn thiếu trung thực, cố ý lừa đảo của một số doanh nghiệp, chiếm đoạt vốn NH là những nguyên nhân dẫn đến rủi ro khi cấp tín dụng cho thành phần kinh tế này.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong chương 2, luận văn đã đi sâu phân tích thực trạng hoạt động tín dụng và chất lượng tín dụng tại chi nhánh BIDV Nam Gia Lai trong thời gian qua. Trên cơ sở đánh giá và phân tích hệ thống số liệu thực tế tình hình tín dụng của chi nhánh, đề tài đã xác định được những thành tựu cần tiếp tục duy trì và thực hiện, cũng như những hạn chế tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của ngân hàng, tìm ra nguyên nhân gây ra những tồn tại, để trong thời gian tới Chi nhánh BIDV Nam Gia Lai có những điều chỉnh, giải pháp thích hợp nhằm nhằm từng bước nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
– CHI NHÁNH NAM GIA LAI
3.1. ĐỊNH HƯỚNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI BIDV NAM GIA LAI NAM GIA LAI
3.1.1. Định hướng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng trong thời gian tới
Theo Nghị quyết số 1155/NQ-HĐQT ngày 22/8/2012 của Hội đồng quản trị BIDV phê duyệt chiến lược phát triển của BIDV đến năm 2020 thì định hướng của BIDV là nâng cao vai trò dẫn dắt, vị trí chủ đạo của BIDV trên thị trường với tư cách là một NHTM cổ phần có vốn Nhà nước chi phối, có năng lực quản trị tiên tiến, có phạm vi và qui mô hàng đầu, kinh doanh an toàn, hiệu quả.
Về hoạt động tín dụng, BIDV sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với qui mô và cơ cấu kỳ hạn của nguồn vốn cũng như tuân thủ theo chỉ đạo điều hành của NHNN trong từng thời kỳ; đảm bảo tăng trưởng tín dụng thấp hơn tăng trưởng huy động vốn từ 3% đến 4% để tỷ lệ tín dụng/huy động vốn kiểm soát thấp hơn 100% theo khuyến nghị của Moody’s vào năm 2015. Nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3 % đến 2018 và đến 2020 kiểm soát dưới 2%.
Về phát triển hoạt động Ngân hàng bán lẻ: phấn đầu đưa BIDV đạt thị phần lớn thứ 2 trên thị trường về dư nợ tín dụng bán lẻ, huy động vốn và dịch vụ bán lẻ.
Là một chi nhánh hạng 1 của BIDV, BIDV Nam Gia Lai luôn lấy an toàn, chất lượng và hiệu quả bền vững làm mục tiêu hàng đầu trong hoạt động kinh doanh tại chi nhánh, đặt mục tiêu hiệu quả kinh doanh bền vững trên cơ sở hoạt động có bài bản và chuẩn mực, quảng bá được hình ảnh của BIDV Nam Gia Lai và thương hiệu
BIDV ra trước công chúng. Thực hiện tốt phương châm hoạt động của BIDV (Hiệu
quả kinh doanh của khách hàng là mục tiêu hoạt động của BIDV, Chia sẻ cơ hội - Hợp tác thành công); và mục tiêu hoạt động của BIDV là trở thành ngân hàng chất lượng – uy tín hàng đầu tại Việt Nam với chính sách kinh doanh chất lượng – tăng trưởng bền vững – hiệu quả an toàn.
Kiểm soát được mọi hoạt động, đảm bảo minh bạch, an toàn, hiệu quả. Chế độ thông tin báo cáo và chỉ đạo được thông suốt kịp thời. Đảm bảo hiệu quả kinh doanh của chi nhánh, tiết kiệm chi phí, đặc biệt chi phí quản lý (khoảng 15%-20% so với định mức được chi), thu nhập của cán bộ nhân viên năm sau cao hơn năm trước ít nhất 20%, phấn đấu đưa lợi nhuận bình quân đầu người đứng trong tốp đầu trong các chi nhánh của BIDV tại khu vực Tây Nguyên. Để đạt được các mục tiêu trên, chi nhánh đã xây dựng các mục tiêu cụ thể như sau:
- Phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh hàng năm và trở thành Chi nhánh có chất lượng tín dụng tốt nhất địa bàn.
- Đa dạng hóa sản phẩm, phát triển mạnh các dịch vụ tiện ích, phát triển mạnh tín dụng bán lẻ, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của địa phương, không ngừng nâng cao hiệu quả kinh doanh và khẳng định vị thế, thương hiệu BIDV trên địa bàn.
- Định hướng phát triển khách hàng: Tập trung vào khách hàng mục tiêu và các sản phẩm chủ lực mà BIDV có ưu thế cạnh tranh, có tiềm năng phát triển và đem lại lợi nhuận cao, cụ thể là phát huy các thành tích đã đạt được trong việc phát triển khu vực khách hàng truyền thống, duy trì lượng khách hàng hiện hữu thông qua các sản phẩm và dịch vụ mới cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó lôi kéo lại những khách hàng đã rời bỏ khỏi chi nhánh trong thời gian qua.
- Định hướng họat động tín dụng: Nâng cao chất lượng tín dụng, tăng trưởng