8. Cấu trúc của luận văn
1.5. Mục tiêu, yêu cầu bổ nhiệm và sử dụng đội ngũ CBQL trường THPT theo
theo “chuẩn hiệu trưởng”
1.5.1. Mục tiêu (yêu cầu chung)
1.5.1.1. Đủ về số lượng
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, yêu cầu đặt ra đối với mỗi cơ sở giáo dục là phải có đủ số lượng CBQLGD theo quy định. Theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT- BGDĐT-BNV, ngày 23/8/2006 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập: Mỗi trường có một hiệu trưởng và một số phó hiệu trưởng, được quy định cụ thể như sau: Trường hạng 1 có không quá 3 phó hiệu trưởng; Trường hạng 2 có không quá 2 phó hiệu trưởng, hạng 3 có 1 phó hiệu trưởng [7].
1.5.1.2. Đồng bộ về cơ cấu
- Cơ cấu về trình độ: CBQL trường THPT phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học và đã dạy học ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó. Đồng thời, CBQL các trường nhất thiết phải có bằng QLGD hoặc đã tham gia lớp huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về QLGD từ 03 tháng trở lên. Bên cạnh đó, CBQL trường THPT phải có trình độ LLCT từ trung cấp trở lên; có khả năng sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý.
- Cơ cấu về giới tính: Sự nghiệp đổi mới của đất nước đang tạo ra môi trường mới cho sự phát triển tiềm năng của lao động nữ và CBQL nữ, vì thế, việc xây dựng đội ngũ nữ CBQLGD trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, đảm bảo phải cân đối trong cơ cấu cán bộ chung của toàn ngành và thể hiện được sự bình đẳng giới và quan tâm đến lực lượng cán bộ nữ. Mỗi trường THPT nên bố trí hài hòa cơ cấu giới tính (nam, nữ) trong đội ngũ CBQL, đảm bảo mỗi trường có ít nhất 01 nữ CBQL, hoặc ít nhất 01 nam CBQL.
- Cơ cấu về chuyên môn: Để đảm bảo lãnh đạo có hiệu quả, toàn diện các hoạt động của nhà trường, ở mỗi đơn vị trường học, cần bố trí cơ cấu chuyên môn CBQL một cách hợp lý, trong đó phải đảm bảo vừa có CBQL có chuyên môn về khoa học tự nhiên vừa có CBQL có chuyên môn về khoa học xã hội.
1.5.2. Nâng cao về chất lượng
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD là yêu cầu quan trọng nhất, là nhiệm vụ chiến lược của ngành, bởi vì chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD quyết định chất lượng đào tạo. Để nâng cao về chất lượng đội ngũ, cán bộ QLGD phải đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo; có khả năng sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, có trình độ và năng lực điều hành quản lý; có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn sư phạm, có kinh nghiệm QLGD, tích cực, chủ động học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ của các trường nhằm thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường nói riêng, mục tiêu chiến lược của ngành GD&ĐT nói chung...
1.5.3. Đảm bảo đạt “chuẩn hiệu trưởng”
Đảm bảo đạt chuẩn hiệu trưởng theo điều 7 và điều 8 của Thông tư số 29/2009/TT- BGD&ĐT, ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định Chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Theo Thông tư số 29/2009/TT- BGD&ĐT, tại Điều 6. Tiêu chuẩn 3: Năng lực quản lí nhà trường bao gồm 13 tiêu chí: Phân tích và dự báo; Tầm nhìn chiến lược; Thiết kế và định hướng triển khai; Quyết đoán, có bản lĩnh đổi mới; Lập kế hoạch hoạt động; Tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ; Quản lý hoạt động dạy học; Quản lý tài chính và tài sản nhà trường; Phát triển môi trường giáo dục; Quản lý hành chính; Quản lý công tác thi đua, khen thưởng; Xây dựng hệ thống thông tin; Kiểm tra đánh giá.
1.5.4. Phân cấp quản lý đội ngũ cán bộ quản lý trường THPT
1.5.4.1 Quy định hạng trường THPT
Quy định hạng trường THPT giúp cho việc thực hiện biên chế CBQL và chế độ phụ cấp của Nhà nước đối với CBQL các trường THPT. Hạng trường được quy định theo cơ cấu vùng, miền và theo số lớp học mỗi trường của mỗi vùng miền.
Bảng 1.1: Quy định hạng trường Trung học phổ thông
TT Trường THPT thuộc vùng, miền Hạng 1 Hạng 2 Hạng 3
1 Trung du, đồng bằng, thành phố. Từ 28 lớp trở lên Từ 18 đến 27 lớp Dưới 18 lớp 2 Miền núi, vùng sâu, hải đảo Từ 19 lớp trở lên Từ 10 đến 18 lớp Dưới 10 lớp
(Nguồn: Thông tư số 35/2006 /TTLT-BGD&ĐT-BNV)
Trường THPT thuộc hạng 1 được biên chế không quá 03 Phó hiệu trưởng. Trường THPT thuộc hạng 2 được biên chế không quá 02 Phó hiệu trưởng; Trường THPT thuộc hạng 3 được biên chế không quá 01 Phó hiệu trưởng.
1.5.4.2. Thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo
Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BGDĐT-BNV (năm 2011) Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GD&ĐT thuộc UBND tỉnh:
Sở GD&ĐT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công hoặc ủy quyền của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và theo quy định của pháp luật.
Sở GD&ĐT có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ GD&ĐT.
Đối với quản lý phát triển đội ngũ CBQL trường THPT trong tỉnh, thẩm quyền của Sở GD&ĐT: Trong những năm qua, công tác lựa chọn bổ nhiệm và sử dung CBQL trường THPT được Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm theo các văn bản hướng dẫn về quy trình bổ nhiệm và sử dụng CBQL, cụ thể là: Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, Nghị định 34/2011/NĐCP ngày 17/5/2011 quy định về xử lý đối với cá bộ viên chức, Quyết định 583-QĐ/TU ngày 24/9/2008 ban hành Quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
1.5.4.3. Thẩm quyền của Sở Nội vụ
Thông tư số 15/2014/TT-BNV, ngày 31/10/2014 Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ thuộc UBND tỉnh:
Sở Nội vụ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Tổ chức bộ máy; vị trí việc làm; biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tôn giáo; thi đua - khen thưởng; công tác thanh niên.
Sở Nội vụ chấp hành sự lãnh đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của UBND cấp tỉnh, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Nội vụ.
Đối với quản lý phát triển đội ngũ CBQL trường THPT trong tỉnh, thẩm quyền của Sở Nội vụ: Tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu số lượng CBQL trường THPT hàng năm. Thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật CBQL các trường THPT trên địa bàn tỉnh.