Đặc điểm thị trường xuất khẩu nông sản Trung Quốc

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý của Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng đối với xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc (Trang 46 - 48)

SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

2.1.2.1. Đặc điểm thị trường xuất khẩu nông sản Trung Quốc

Trong bối cảnh tình hình chính trị phức tạp và suy thoái kinh tế toàn cầu, Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia có nền kinh tế với mức độ tăng trưởng dẫn đầu thế giới. Tuy còn thấp so với trước kia do khủng hoảng kinh tế nhưng những năm gần đây vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định như năm 2016: 6,7%; 2017: 6,9%; 2018: 6,5%; 2019: 6,1% (GDP của Trung Quốc qua các năm [trực tuyến]. Địa chỉ: https:/ /solieukinhte.com [truy cập: 21/11/2020]). Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có sức thu hút lớn đối với doanh nghiệp nhiều nước. Đặc biệt với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam, bởi một số đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, về mức độ tiêu thụ nông sản, Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới, với dân số gần 1,4 tỷ người, có nhu cầu rất lớn phục vụ ổn định đời sống người dân và xã hội trước mắt cũng như các nhu cầu dự trữ quốc gia có tính chiến lược lâu dài. Trung Quốc còn là công xưởng lớn nhất thế giới có nhu cầu nhập khẩu một lượng lớn khổng lồ đối với tất cả các loại nguyên, nhiên vật liệu, khoáng sản, nông sản, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tiêu dùng trong nước và cho gia công xuất khẩu.

Thứ hai, Trung Quốc là thị trường láng giềng lớn nhất của Việt Nam. Mô hình phát triển kinh tế đều hướng ra xuất khẩu. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có nhiều nét giống nhau. Thương mại hai bên được tiến hành theo nhiều phương pháp mậu dịch phong phú (chính ngạch, tiểu ngạch, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới hai nước), với đường biên giới thuận tiện, giao thương bằng cả bốn tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không.

Thứ ba, Trung Quốc là thị trường có nhu cầu phong phú, đa dạng và khác nhau giữa các vùng miền. Các tỉnh Đông Bắc và khu vực miền Trung Trung Quốc có nhu cầu thường xuyên về rau quả nhiệt đới, thực phẩm đồ uống chế biến từ

nguyên liệu hoa quả nhiệt đới. Ngược lại miền Tây Nam Trung Quốc có nhu cầu thường xuyên về thủy hải sản do không có biển, địa hình miền núi hiểm trở. Miền Đông có nhiều thành phố lớn và các đặc khu kinh tế, có nhu cầu lớn nhiều loại sản phẩm cao cấp từ các nước láng giềng phía Nam; đồ gỗ cao cấp, thủy hải sản tươi sống cao cấp, hoa quả nhiệt đới cao cấp. Các tỉnh phía Nam và giáp biên thường xuyên có nhu cầu về than, khoáng sản do vận chuyển từ phía Bắc xuống không hiệu quả. Bên cạnh đó, do tốc độ phát triển kinh tế không đồng đều, các tầng lớp dân cư thu nhập rất khác nhau, có nơi thu nhập cao bằng các nước phát triển đạt khoảng 18.000 - 20.000 USD/người/năm, nhưng có nơi thu nhập chỉ đạt 350 - 400 USD/người/năm nên nhu cầu về các loại hàng hóa rất khác nhau. Nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản của Trung Quốc trong thời gian qua có sự tăng trưởng đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của gần 1,4 tỷ người dân. Các sản phẩm nông sản Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu gồm: ngũ cốc, bông và đường ăn, các loại hạt có dầu và dầu thực vật, rau quả và trái cây, sản phẩm gia súc gia cầm

Thứ tư, Trung Quốc là thị trường đang phát triển. Hiện Trung Quốc đang hoàn thiện dần thị trường trao đổi hàng hóa tại các đô thị, trung tâm kinh tế thông qua hệ thống chợ bán buôn, chợ đầu mối và hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích. Thị trường nông thôn Trung Quốc với hơn 700 triệu người tiêu dùng chủ yếu vẫn thông qua hệ thống chợ truyền thống với hệ thống hơn 2 vạn cửa hàng “Lợi dân” do Bộ Thương mại Trung Quốc xây dựng và quản lý tại các địa phương từ cấp xã trở lên.

Thứ năm, chính sách mậu dịch biên giới của Trung Quốc đã thu hút thương nhân và doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc.

Với việc coi mậu dịch biên giới là một quốc sách quan trọng để phát triển kinh tế vùng biên giới, nâng cao mức sống cư dân biên giới nhằm ổn định biên giới quốc gia. Trung Quốc đã có các chính sách hỗ trợ và giành ưu đãi đặc biệt về mọi mặt, nhất là giao quyền quản lý rộng rãi cho địa phương nhằm phát huy mọi lợi thế về địa lý phục vụ cho phát triển kinh tế vùng biên giới. Các chính sách và

cơ chế quản lý mậu dịch biên giới của Trung Quốc đã thu hút một lượng lớn thương nhân và doanh nghiệp Việt Nam tham gia gom hàng nông sản xuất khẩu theo đường biên mậu.

Do lợi thế tuyệt đối về vị trí địa lý, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và bờ biển dài, nên cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu hai nước tuy cơ bản là tương đồng nhưng về trước mắt và lâu dài Trung Quốc càng phụ thuộc và có nhu cầu tăng lên đối với các nhóm hàng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển: nhóm hàng nông sản nhiệt đới như cao su tự nhiên, nhu cầu thường xuyên ổn định, đồng thời có xu hướng tăng lên do ngành công nghiệp ô tô ngày càng phát triển; hoa quả nhiệt đới những năm qua chủ yếu do Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan cung cấp nhưng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của một số tỉnh phía Nam Trung Quốc, chưa đủ sức và điều kiện vươn xa lên Đông Bắc và vào sâu trong lục địa. Cà phê Việt Nam mới xâm nhập vào thị trường Trung Quốc trong khi nhu cầu tiêu dùng đối với loại đồ uống này tăng lên nhanh chóng, nhất là tại các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn do thói quen sinh hoạt đã thay đổi, do vậy các mặt hàng như gạo chất lượng cao, hoa quả tươi,.. sẽ có cơ hội nhiều hơn để thâm nhập vào thị trường này. Mặt hàng thủy hải sản bao gồm thủy hải sản đông lạnh và thủy hải sản khô xuất khẩu chủ yếu vào miền Tây. Hải sản tươi sống cao cấp chủ yếu xuất khẩu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn nằm sâu trong lục địa. Các mặt hàng thực phẩm chế biến bao gồm: hoa quả sấy khô, bánh, mứt, kẹo chế biến từ nguyên liệu và hương liệu trái cây nhiệt đới như bánh sầu riêng, kẹo dừa, bánh đậu xanh ngày càng có nhu cầu cao hơn.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý của Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng đối với xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc (Trang 46 - 48)