Những hạn chế

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý của Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng đối với xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc (Trang 68 - 71)

SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

2.3.2.1. Những hạn chế

Một là, Hạn chế trong việc tham mưu UBND tỉnh ban hành và thực thi các văn bản liên quan đến quản lý xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu tỉnh Cao Bằng.

Hệ thống pháp luật về XKNS còn chưa đồng bộ, bất cập so với thực tiễn. Luật Hải quan còn nhiều điểm cần phải sửa đổi như: Về nhiệm vụ của Hải quan: Hải quan là cơ quan kiểm soát hàng xuất khẩu nên ngoài các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, phòng, chống buôn lậu, cần bổ sung thêm một số nhiệm vụ trong thực tế Hải quan đã thực hiện như phòng chống gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu đối với các hành vi khai tên hàng, mã số phân loại hàng hóa không đúng. Về hồ sơ hải quan (điều 23): Giao cho Bộ Tài chính quy định mẫu tờ khai hải quan, quy định về “chứng từ thay thế tờ khai hải quan. Quy định rõ những trường hợp phải nộp thêm những chứng từ khác như: Hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, hợp đồng mua bán hàng hóa; Về trị giá hải quan (điều 86, khoản 2) cần phải thay đổi quy định về “giá bán tại cửa khẩu xuất” bằng “giá bán xuất khẩu hàng hóa đến nước nhập khẩu”...Trong Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương, cần có những chế định chặt chẽ và có chế tài xử lý hiệu quả vấn đề thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, núp bóng thương lái người Việt Nam thao túng thị trường, gây thiệt hại cho nông dân; Xem xét giảm các loại giấy phép để phù hợp với định hướng giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, ngăn chặn cơ chế xin cho, phát sinh tiêu cực. Cần quy định rõ những điều kiện, loại sản phẩm áp dụng để không làm cản trở sự tự do hóa thương mại theo tín hiệu của thị trường.

Hai là, Hạn chế của việc tổ chức, phân công và phối hợp trong quản lý xuất khẩu nông sản

Một số các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về xuất khẩu nông sản được UBND tỉnh phê duyệt còn chung chung, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các Nghị định, Thông tư mới ban hành gây khó khăn trong quá trình thực hiện và sự chồng chéo trong quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành. Các kế hoạch, đề án, chương trình được xây dựng còn khá sơ sài, phân tích và đánh chưa có chiều sâu, chưa nêu rõ được vai trò của quản lý nhà nước đối với xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng. Công tác dự báo đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu còn chưa tốt, do chúng ta chưa có cơ quan chuyên trách nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường Trung Quốc và năng lực phân tích, dự báo thị trường của của cán bộ chuyên môn chưa cao làm hạn chế sự chủ động trong hoạt động xuất khẩu nông sản của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Các cuộc hội nghị, hội thảo còn mang tính lý thuyết, chưa làm rõ được những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp về các thông tin, kinh nghiệm, phương pháp tổ chức, cơ chế liên kết hợp tác, điều hành chính sách và giải pháp hỗ trợ xuất khẩu nông sản… và phương án giải quyết những khó khăn vướng mắc đó.

Cơ sở hạ tầng hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nông sản trong khu kinh tế cửa khẩu cũng như các huyện có biên giới với Trung Quốc đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đượng yêu cầu. Khu trung chuyển phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản tại cửa khẩu Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2025 đã được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Với tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng dự kiến là 3.277 tỷ đồng từ nguồn trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương sẽ là một khó khăn đối với tỉnh nghèo như Cao Bằng.

Trung Quốc là quốc gia có lợi thế về vốn đầu tư, khả năng tự chủ tài chính. Việc Chính phủ Trung Quốc thực hiện chiến lược đại khai phá miền Tây, thành lập và triển khai Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây là cơ hội đem đến cho Quảng Tây nguồn vốn đầu tư rất lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng về kinh tế. Do đó, đối với Khu cửa khẩu Long Bang (Bách Sắc, Quảng Tây) hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng cứng đã được đẩy nhanh.

Về phía tỉnh Cao Bằng mặc dù trong thời gian qua đã chủ động dành nguồn vốn đầu tư từ Trung ương và vốn ngân sách của tỉnh để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng tại Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh nhưng sự mất cân xứng về quy mô đầu tư giữa hai bên là rất rõ. Vì vậy, việc kết nối hạ tầng cứng giữa hai bên còn gặp nhiều khó khăn.

Ba là, Hạn chế của hoạt động kiểm tra, giám sát xuất khẩu nông sản

Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm giữa các ngành chức năng và địa phương chưa chặt chẽ và thiếu kiên quyết. Ví dụ trường hợp dưa hấu đầu năm 2015. Chưa có sự liên kết giữa nhà quản lý, doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân trồng dưa: ngành nông nghiệp chỉ tập trung vào sản lượng, ngành công thương lại quan tâm đến giá trị, còn doanh nghiệp chỉ tính lợi nhuận nên người nông dân lại chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Văn bản pháp lý của ngành bất cập và chưa đầy đủ, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra. Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu và yếu về chuyên môn, trang thiết bị thiếu. Chế độ, chính sách cho công chức thanh tra chuyên ngành chưa có tính khuyến khích họ làm việc có hiệu quả. Tần suất kiểm tra doanh nghiệp của cơ quan QLNN tăng cao gây nhiều phiền hà, khiến doanh nghiệp không yên tâm sản xuất, kinh doanh. Quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra NN&PTNT chưa được ban hành dẫn đến tổ chức và bộ máy theo Luật Thanh tra chưa thực hiện được. Đối với kiểm tra hải quan, tỷ lệ kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa ở Việt Nam khoảng 36%, cao hơn 4-5 lần so với thông lệ quốc tế.

Quy trình kiểm tra, giám sát còn chưa hợp lý. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm lại chỉ thực hiện ở sản phẩm cuối cùng, chứ không kiểm soát cả chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Điều này dẫn đến việc không kiểm soát được dư lượng kháng sinh trong sản phẩm. Đánh giá về hoạt động kiểm tra XKNS thì có đến 86,4% ý kiến cho rằng việc kiểm tra còn mang tính hình thức, 67,3% ý kiến cho rằng, các tiêu chuẩn kiểm tra chưa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Bốn là, Hạn chế của bộ máy quản lý nhà nước đối với xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu tỉnh Cao Bằng

Đội ngũ cán bộ, công chức quản lý Nhà nước, tham gia vào các ban chỉ đạo, các dự án, đề án... (như ban chỉ đạo 389/, đề án Nghiên cứu tính khả thi của việc xuất nhập khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu tỉnh Cao Bằng…) chủ yếu thực hiện công tác kiêm nghiệm nên ít nhiều ảnh hưởng đến chức năng nhiệm vụ được giao.

Khi Khu hợp tác qua biên giới chính thức thành lập, sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề về khâu quản lý nhà nước, trong công tác phối hợp giữa Ban quản lý khu kinh tế, Sở Công thương, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng và một số cơ quan, đơn vị liên quan. Nhất là đối với tỉnh Cao Bằng còn đang thiếu đội ngũ cán bộ, công chức có kinh nghiệm quản lý, vận hành các hoạt động bên trong Khu hợp tác, nhất là quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý của Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng đối với xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc (Trang 68 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w