Tổ chức, phân công và phối hợp trong quản lý xuất khẩu nông sản

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý của Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng đối với xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc (Trang 29 - 31)

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ QUẢN LÝ CỦA SỞ CÔNG THƯƠNG ĐỐI VỚI XUẤT KHẨU NÔNG SẢN

1.2.2. Tổ chức, phân công và phối hợp trong quản lý xuất khẩu nông sản

Trong những năm qua, công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng nông sản đã được các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức quản lý, giám sát thực hiện tốt công tác kiểm tra kiểm soát, vừa đảm bảo chặt chẽ đúng quy trình, quy định, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người, hàng hóa xuất nhập khẩu và các phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại cửa khẩu biên giới.

Bộ máy quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng được tổ chức theo Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền và Quyết định số

48/2019/QĐ-UBND ngày 18/11/2019 của UBND tỉnh Cao Bằng Ban hành quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Cụ thể gồm các thành phần chính như sau:

- Ban quản lý khu kinh tế: Là cơ quan chủ trì trong việc thống nhất sự phối hợp của các lực lượng chuyên ngành tại cửa khẩu. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu quản lý, giám sát tình hình xuất nhập khẩu, tái xuất hàng hóa, số lượng hàng hóa tồn đọng tại các cửa khẩu để làm cơ sở cho việc điều tiết hàng hóa.

- Cục Hải quan: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Hải quan theo quy định của pháp luật đảm bảo hàng hóa được thông quan nhanh chóng, đúng quy định; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm ngăn chặn các hành vi nhập lậu hàng hóa vào thị trường nội địa.

- Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng: Chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng giữ gìn công tác an ninh trật tự, kiểm tra, giám sát người và phương tiện vận tải hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.

- Sở Công thương: Chủ trì thực hiện theo ủy quyền của Bộ Công thương việc kiểm tra kho, bãi và xác minh các giấy tờ liên quan đến điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.

- Các lực lượng khác như Ủy ban nhân dân các huyện, cục Thuế, cục Quản lý thị trường,… kiểm dịch (gồm kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật): Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.

Bộ máy quản lý hoạt động tại cửa khẩu hoạt động theo nguyên tắc phối hợp giữa các ngành, cơ quan liên quan, đảm bảo các hoạt động tại cửa khẩu được thực hiện thống nhất, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, có trật tự, có nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người, phương tiện giao thông vận tải qua các cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục

hành chính.

Tại tất cả các cửa khẩu, cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn đều được bố trí lực lượng chức năng (Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch) phục vụ công tác kiểm tra giám sát và giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua địa bàn.

Luôn có sự đồng thuận trong công tác phối hợp của tất cả các lực lượng như: Hải quan, biên phòng, UBND các huyện biên giới… trong công tác quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở. Các lực lượng quản lý nhà nước thường xuyên tổ chức họp bàn trao đổi để giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, luôn kịp thời bố trí lực lượng làm việc tại các điểm cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để giải quyết kịp thời các thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa và nộp các khoản phí, lệ phí theo quy định.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý của Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng đối với xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc (Trang 29 - 31)