Khái niệm về quỹ An sinh Xã hộ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Nâng cao hiệu quả cho vay quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (Trang 27 - 32)

TỔNG QUAN VỀ HIỆU QUẢ CHO VAY TẠI CÁC QUỸ AN SINH XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM

1.1.1.1. Khái niệm về quỹ An sinh Xã hộ

Công cuộc đổi mới đất nước đã đem lại nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế và xã hội.Trong đó củng cố và hoàn thiện hệ thống chính sách về ASXH là một thành tựu đáng ghi nhận. Theo định nghĩa từ Bộ LĐ-TB& XH, ASXH là hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện, nhằm bảo đảm cho mọi người dân ít nhất có được mức tối thiểu về thu nhập, có cơ hội tiếp cận ở mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin,... thông qua việc nâng cao năng lực tự an sinh của người dân và sự trợ giúp của Nhà nước. Xây dựng hệ thống An sinh Xã hội đa dạng, toàn diện, từng bước mở rộng diện bao phủ, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ đang là đích đến của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách ASXH, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực xã hội

ngày càng lớn. Nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là trong giảm nghèo, tạo việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đời sống vật chất và tinh thần của người người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện và đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đặt ra nhiệm vụ “Phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm An sinh Xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn, suy giảm”… “Tiếp tục sửa đổi, hoàn chỉnh hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, trợ giúp mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế dễ bị tổn thương vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống” … “tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình xoá đói, giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”…

Nghị Quyết số 15 của Ban chấp hành TW Đảng về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” cũng yêu cầu “Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ..”, đồng thời thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn.

Với quan điểm đó, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành một hệ thống ASXH bao phủ toàn dân nhằm bảo đảm để người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; tham gia BHXH, bảo đảm hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu thập thấp, người khuyết tật nặng, người nghèo…); bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin), góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội.

Các Quỹ ASXH được trích từ Ngân sách nhà nước (NSNN), được thiết kế để cung cấp thu nhập cho người dân tại các thời điểm khi họ không thể tự chăm sóc bản thân, hoặc không có khả năng tài chính để duy trì cuộc sống. Các Quỹ ASXH là những khoản chi thường xuyên (không tạo ra sản phẩm vật chất để xã hội sử dụng trong tương lai, chi bảo đảm xã hội, bao gồm: Giáo dục, Y tế, Công tác dân số, Khoa học và công nghệ, Văn hóa, Thông tin đại chúng, Thể thao, Lương hưu và trợ cấp xã hội, Các khoản liên quan đến can thiệp của chính phủ vào các hoạt động kinh tế, Quản lý hành chính, An ninh, quốc phòng…). Tại Việt Nam, có thể kể đến một vài các Quỹ cơ bản điển hình về ASXH như:Quỹ Bảo hiểm Y tế, Quỹ Bảo hiểm Xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ Trợ giúp Xã hội, v.v…

Tóm lại, qua các báo cáo thực tiễn từ các cơ quan chính quyền, có thể định nghĩa về Quỹ ASXH như sau: “Quỹ An sinh Xã hội là một quỹ tiền tệ tập trung được trích ra từ NSNN, do Nhà nước và Chính phủ quản lý, thuộc loại hoạt động Chi thường xuyên. Quỹ An sinh Xã hội được thiết kế để bảo đảm cho mọi người dân ít nhất có được mức tối thiểu về thu nhập, có cơ hội tiếp cận ở mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu”

1.1.1.2.Đặc điểm cơ bản của quỹ An sinh Xã hội

Thứ nhất, Quỹ ASXH có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt của mỗi người dân. Quỹ ASXH về mặt bản chất góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho các công dân khi họ không may gặp phải những “rủi ro xã hội” hoặc các “biến cố xã hội” dẫn đến ngừng hoặc giảm thu nhập.Mục tiêu của ASXH là tạo ra một lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ cho tất cả mọi thành viên của cộng đồng trong những trường hợp bị giảm hoặc bị mất thu nhập hoặc phải tăng chi phí đột xuất trong chi tiêu của gia đình do nhiều nguyên nhân khác nhau, như ốm đau, thương tật, già cả… gọi chung là những biến cố và những “rủi ro xã hội”. ASXH dựa trên nguyên tắc san sẻ trách nhiệm và thực hiện công bằng xã hội, được

thực hiện bằng nhiều hình thức, phương thức và các biện pháp khác nhau. Nhưng tập trung vào ba vấn đề chủ yếu:

Thứ hai, Chủ thể thành lập và quản lý các quỹ ASXH là Nhà nước. Nhà nước sẽ giao quyền cho các cơ quan quản lý và báo cáo định kỳ. Việc thành lập các Quỹ, hầu hết do cơ quan hành pháp là Chính phủ thực hiện, Quốc Hội hoặc các chính quyền địa phương quyết định. Tùy từng đơn vị hành chính phụ trách các lĩnh vực, sẽ là các đơn vị tham gia quản lý Quỹ. Ví dụ: Quỹ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (Bộ LĐ-TB&XH). Sau khi thành lập, Nhà nước sẽ giao cho một hội đồng, tổ chức doanh nghiệp đại diện quản lý và sử dụng Quỹ.

Thứ ba, nguồn tài chính của Quỹ được hình thành chủ yếu từ NSNN. Đây là một hình thức chi thường xuyên của Chính phủ. Mức hỗ trợ đối với các Quỹ là hoàn toàn khác nhau và khả năng huy động nguồn lực xã hội là khác nhau. Những Quỹ đảm nhận chức năng dự trữ, dự phòng cho “biến cố xã hội” thì NSNN chiếm tỷ trọng phần lớn, thực hiện theo các quy trình và quy định của NSNN.

Thứ tư, tất cả các Quỹ ASXH được thành lập dựa trên mục đích đảm bảo đời sống của toàn dân, với từng nhiệm vụ khác nhau và vai trò từng Quỹ trong mỗi thời điểm và giai đoạn là khác nhau. Tuy nhiên, ASXH không loại trừ được sự nghèo túng. Tác dụng của ASXH là góp phần đẩy lùi nghèo túng, góp phần vào việc thúc đẩy tiến bộ xã hội. ASXH là một tất yếu khách quan trong cuộc sống xã hội loài người. Trong bất kỳ xã hội nào, ở bất cứ giai đoạn phát triển nào cũng đều có những nhóm dân cư, những đối tượng rơi vào tình trạng không thể tự lo liệu được cuộc sống, hoặc trong cảnh gặp sự cố nào đó trở thành những người yếu thế trong xã hội. Nếu trong xã hội có những nhóm người “yếu thế”, những người gặp rủi ro, bất hạnh thì cũng chính trong xã hội đó lại nảy sinh những cơ chế hoặc tự phát, hoặc tự giác, thích ứng để giúp đỡ họ. Đây là cơ sở để hệ thống ASXH hình thành và phát triển. Từ đó, ASXH là một quá trình phát triển toàn diện, từ đơn giản đến phức tạp và ngày càng phong phú, đa dạng.

1.1.1.3. Phân loại quỹ An sinh Xã hội

a) Xét về nguồn lực tài chính, các quỹ ASXH được chia thành: Nguồn cụ thể dành riêng cho quỹ: bao gồm các nguồn chung (như phần trăm của tổng doanh thu) và nguồn riêng biệt (như bằng một khoản thuế hoặc đóng - góp An sinh Xã hội cụ thể).

- Các quỹ có nguồn thu chuyển từ ngân sách nhà nước. - Các quỹ có nguồn thu từ phí đóng góp của người sử dụng.

- Các quỹ có nguồn thu từ bán tài sản tài chính và phi tài chính (thường được sử dụng cho mục đích một lần)

- Các quỹ có nguồn thu từ bán hàng hóa và/hoặc dịch vụ. - Các quỹ có nguồn thu từ vốn đi vay.

- Các quỹ có nguồn thu từ tài trợ: bao gồm các khoản viện trợ trực tiếp và/hoặc gián tiếp qua giảm nợ, hoán đổi nợ.

b) Xét về phân cấp quản lý, các quỹ ASXH được chia thành:

- Các Quỹ được quản lý tập trung bởi Bộ Tài chính hoặc Kho bạc Nhà nước. Động lực phổ biến nhất để thành lập các quỹ này là để hạn chế các quy trình quản lý của ngân sách nhà nước, ví dụ trong trường hợp các quỹ quay vòng được quản lý tập trung.

-Các quỹ được quản lý bởi các Bộ chủ quản và/hoặc các cơ quan khác sử dụng ngân sách nhà nước: ngoài động lực nêu trên, các quỹ này có thể được thành lập để tránh kiểm soát chi tiêu áp dụng cho các tổ chức ngân sách.

- Các quỹ được quản lý bởi chính quyền địa phương.

Như vậy, có nhiều hoạt động hoặc quỹ được tổ chức dưới dạng quỹ ngân sách. Trong những trường hợp này, các quỹ này là một phần của ngân sách nhà nước, nhưng được dành cho các chính sách và mục đích đặc biệt. Ví dụ như tất các quỹ tín thác ở Hoa Kỳ đều thuộc ngân sách nhà nước, ngoại trừ hai quỹ ủy thác hưu trí An sinh Xã hội, và chúng đều được phân loại là quỹ An sinh Xã hội ngoài ngân sách.

c) Xét về tính chất tài trợ, các quỹ ASXH được chia thành:

-Quỹ có tính chất bồi hoàn (cho vay có thu hồi vốn): bao gồm các quỹ có nhiệm vụ hỗ trợ dưới hình thức cho vay quay vòng.

-Quỹ không bồi hoàn (cấp phát từ quỹ): bao gồm các quỹ thực hiện các nhiệm vụ tài trợ, hỗ trợ (không hoàn lại).

-Quỹ lưỡng tính (vừa cấp phát, vừa cho vay): bao gồm các quỹ được giao một nhóm các nhiệm vụ và bố trí nguồn lực đế vừa cho vay, vừa tài trợ cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Nâng cao hiệu quả cho vay quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(117 trang)
w