3.2.3.1. Mục đích
Biện pháp lập kế hoạch phối hợp các lực lượng giáo dục học sinh bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo tính ổn định tương đối, tính hệ thống và tính hướng đích của các hoạt động phối hợp, tránh sự tùy tiện, sự tự phát trong hoạt động phối hợp giáo dục học sinh bảo vệ môi trường.
3.2.3.2. Nội dung
Lập kế hoạch phối hợp các lực lượng giáo dục học sinh bảo vệ môi trường gắn liền với kế hoạch quản lý chung của nhà trường và được hội đồng nhà trường thông qua vào đầu mỗi năm học.
Kế hoạch phối hợp phải được xây dựng dựa trên sự thống nhất về mục tiêu, nội dung và phương pháp phối hợp giáo dục học sinh bảo vệ môi trường.
Kế hoạch phối hợp được xây dựng cho năm học nhưng không nên quá phức tạp mà phải mang tính thống nhất, cụ thể, thực tế, khoa học và phải có tính khả thi thể hiện các hoạt động cụ thể qua từng giai đoạn phối hợp, phù hợp với đặc điểm nhà trường và tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa ở địa phương nơi trường đặt cơ sở. Kế hoạch cần có sự bố trí công việc một cách khoa học với từng lực lượng, con người theo công việc cụ thể một cách hợp lý để mọi người đều thấy hài lòng và hứng thú với công việc được giao đồng thời chủ động được thời gian tham gia, tạo nên cộng đồng trách nhiệm của các lực lượng tham gia để hoàn thành kế hoạch đã đặt ra với hiệu quả cao.
3.2.3.3. Cách thức thực hiện
Bước vào năm học mới, cùng với việc xây dựng kế hoạch chung tổng thể của nhà trường để thực hiện nhiệm vụ năm học, Lãnh đạo quản lý cần đặt ra việc xây dựng nội dung của kế hoạch hoạt động phối hợp các lực lượng giáo dục chung cho năm học và kế hoạch hoạt động phối hợp cụ thể trong từng tháng để đảm bảo tính hệ thống và thường xuyên trong công tác giáo dục học sinh bảo vệ môi trường.
Kế hoạch hoạt động phối hợp các lực lượng giáo dục học sinh bảo vệ môi trường trong năm học được thể hiện các nội dung sau:
- Ngay đầu năm, nhà trường phải thống nhất định hướng chung trong nghị quyết hội đồng nhà trường, coi việc phối hợp các lực lượng giáo dục trong công tác giáo dục học sinh bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi thành viên trong nhà trường chứ không phải chỉ là trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhà quản lý. Tổ chức cuộc họp hội đồng nhà trường triển khai nhiệm vụ năm học, phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng chủ thể quản lý trong nhà trường, yêu cầu các chủ thể phải chủ động phối hợp với nhau, phối hợp với gia đình và các tổ chức xã hội thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh trong việc bảo vệ môi trường chung.
- Nhà trường tổ chức triển khai phổ biến chủ trương lớn, kế hoạch phối hợp chung của nhà trường thông qua giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời thông báo kết quả học tập cũng như kết quả thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, thông báo kế hoạch phối hợp riêng của từng lớp. Thu thập các ý kiến đóng góp, thảo luận và đi đến thống nhất những biện pháp phối hợp cơ bản để thực hiện công tác giáo dục học sinh bảo vệ môi trường.
- Nhà trường có kế hoạch chủ động tư vấn cho gia đình, các cán bộ quản lý xã hội, các tổ chức xã hội về cách thức giáo dục học sinh bảo vệ môi trường ở gia đình và ở ngoài xã hội. Từ đó gia đình và xã hội chủ động phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục học sinh.
- Nhà trường có kế hoạch tổ chức các hội nghị chuyên đề trao đổi và bàn về phương pháp tổ chức thiết thực trong việc tổ chức phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục học sinh bảo vệ môi trường.
- Lãnh đạo quản lý thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các tổ chức xã hội, cán bộ, giáo viên thường xuyên liên hệ, thông báo với gia đình để thông báo tình hình của học sinh. Tổ chức gặp mặt, thông tin trao đổi với gia đình, cán bộ quản lý xã hội khi có vấn đề nảy sinh có liên quan đến học
sinh. Từ đó bàn về các biện pháp phối hợp giáo dục học sinh, đồng thời trực tiếp nghe thông tin từ phía họ về những thông tin của học sinh để có những điều chỉnh kịp thời.
Kế hoạch hoạt động mỗi tháng cần thể hiện những nội dung sau:
- Việc xây dựng kế hoạch thực hiện phối hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường để đạt được mục đích cần có kế hoạch cho từng lực lượng giáo dục. Kế hoạch càng cụ thể, càng chi tiết thì càng thuận lợi cho khâu tổ chức thực hiện.
- Trong kế hoạch hoạt động mỗi tháng cần nêu rõ nội dung hoạt động và yêu cầu đặt ra phải đạt được gì về giáo dục, về rèn luyện kỹ năng cho học sinh,… lãnh đạo quản lý yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thiết kế kế hoạch hoạt động liên kết các lực lượng giáo dục nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác giáo dục học sinh bảo vệ môi trường. Những kế hoạch của giáo viên chủ nhiệm không chỉ đặt ra theo lịch trình của năm mà có cả kế hoạch cụ thể theo tháng. Mỗi tháng lại có sự đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch kết hợp tuyên dương khen thưởng và điều chỉnh hoạt động chưa phù hợp để tiếp tục triển khai kế hoạch tháng tiếp theo.
Tóm lại, kết quả cần đạt được trong việc xây dựng kế hoạch là phải xây dựng được một kế hoạch chung cho sự phối hợp và các kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn cụ thể của nhà trường cho gia đình và các tổ chức xã hội có liên quan. Kế hoạch phải được thống nhất và nhất trí từ các lực lượng giáo dục. Kế hoạch phải có tính khả thi và tính hiệu quả để thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển nhân cách, thói quen cho học sinh. Chính sự quan tâm của cả cộng đồng với quá trình hình thành và phát triển nhân cách, thói quen của người học nói chung và của học sinh nói riêng sẽ giúp các em có ý thức thực hiện những quy định chung của nhà trường, gia đình và xã hội. Học sinh thấy mình được quan tâm, động viên từ đó học sinh sẽ có ý thức hơn trong việc học tập, tu dưỡng và rèn luyện bản thân hình thành thói quen, phản xạ tích cực đối với vấn đề môi trường hiện nay.
3.2.3.4. Điều kiện thực hiện
Nhà trường, gia đình và xã hội đều phải có ý thức thống nhất và thấy được tầm quan trọng của việc phối hợp với nhau để giáo dục học sinh bảo vệ môi trường. Kế hoạch hoạt động cần được các lực lượng thống nhất mục đích và thống nhất chương trình hành động. Đồng thời phải quyết tâm thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra.