Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển cho vay khách hàng cá nhân tại ngân hàng TMCP công thương việt nam chi nhánh tiên sơn​ (Trang 87)

5. Kết cấu của đề tài nghiên cứu

3.3.2. Hạn chế và nguyên nhân

3.3.2.1. Hạn chế

Một là, tốc độ tăng trưởng dư nợ chưa tương xứng với tiềm năng của Chi nhánh khi địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang là một trong những điểm phát triển kinh tế hàng đầu cả nước. Chi nhánh có nhiều lợi thế hơn so với các ngân hàng bạn trên địa bàn để phát triển cho vay Khách hàng cá nhân, đó là thời gian hoạt động lâu, nền tảng khách hàng cá nhân lớn, mạng lưới giao dịch rộng lớn, đội ngũ cán bộ chất lượng, giàu kinh nghiệm, địa điểm giao dịch thuận tiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của Chi nhánh chỉ ngang bằng với một số ngân hàng lớn trên địa bàn.

Hai là, thị phần cho vay khách hàng cá nhân của Chi nhánh bị thu hẹp nhiều. Với địa bàn ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh do rất nhiều ngân hàng mở Chi nhánh về địa bàn tỉnh Bắc Ninh hoặc mở rộng thêm Chi nhánh mới, khả năng tăng trưởng và phát triển cho vay khách hàng cá nhân ngày một khó khăn, cạnh tranh khốc liệt và gay gắt. Đặc biệt hiện nay dư nợ của Chi nhánh đang tập trung cao vào một số làng nghề truyền thống như các làng nghề sản xuất kinh doanh đồ gỗ, sản xuất kinh doanh sắt thép, sản xuất kinh doanh phế liệu, vì vậy dẫn tới những rủi ro ngành như thời gian qua với ngành gỗ.

Ba là, tỷ trọng cho vay tiêu dùng của Chi nhánh còn thấp so với tiềm năng khi chỉ chiếm 8.5% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân. Bắc Ninh có nhiều tiềm năng để cho vay tiêu dùng vì kinh tế liên tục tăng trưởng qua các năm, dân số tăng trưởng nhanh bình quân 2.9%/năm, dân số trẻ, trong tỉnh có rất nhiều dự án bất động sản lớn như Vincom Bắc Ninh, Royal Park, Cát Tường…. Vì vậy Chi nhánh có rất nhiều tiềm năng để cho vay tiêu dùng vì sản phẩm cho vay tiêu dùng đa dạng, với những tiềm năng sẵn có Chi nhánh chưa tận dụng được để phát triển cho vay tiêu dùng.

Bốn là, chất lượng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đang có xu hướng giảm. Tuy chất lượng nợ của Chi nhánh vẫn được kiểm soát nợ xấu và nợ quá hạn đăng ở mức 2.14% tổng dư nợ cho vay KHCN và 1.13% tổng dư nợ, nhưng nếu không kiếm soát tốt hoạt động cho vay khách hàng cá nhân bằng các biện pháp như chọn lọc khách hàng cho vay, phát triển đa dạng và tập trung xử lý nợ xấu thì Chi nhánh có thể phát sinh thêm nhiều nợ xấu mới mà không xử lý được nợ xấu cũ làm hỏng thành quả phát triển.

Năm là, công tác kiểm tra giám sát sau Khách hàng vay vốn của Chi nhánh vẫn chưa đạt kết quả tốt. Việc kiểm tra, kiểm soát sau đối với Khách hàng không được tiến hành một cách thường xuyên và nhiều khi còn mang tính hình thức. Do đó không thể phát hiện kịp thời những sai phạm trong quá trình cho vay, dẫn đến nhưng hậu quả đôi khi là không lường trước được.

3.3.2.2. Nguyên nhân của hạn chế tồn tại

Nguyên nhân khách quan

Nguyên nhân từ tình hình quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Chi nhánh có một số lượng lớn khách hàng vay vốn trong làng nghề sản xuất kinh doanh đồ gỗ, với thị trường lớn là khách hàng Trung Quốc, chính vì vậy khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc căng thẳng từ sự kiện giàn khoản 981 và sau đó là tình hình kinh tế Trung Quốc đi xuống kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm giảm một lượng khách hàng

Trung Quốc lớn, từ đó dấn tới một số khách hàng sản xuất kinh doanh đồ gỗ khó khăn và phát sinh nợ xấu.

Nguyên nhân từ phía đối thủ cạnh tranh ngày một gia tăng. Trước năm 2009 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 14 ngân hàng thương mại hoạt động, nhưng đến nay con số này đã tăng lên 32 ngân hàng thương mại, áp lực cạnh tranh từ đó mà tăng lên. Để cạnh tranh các ngân hàng mở rộng các hoạt động kinh doanh đa dạng, đầu tư cho chất lượng dịch vụ để tăng trưởng thị phần.

Nguyên nhân rủi ro tiềm ẩn không thể lường trước được như khách hàng ốm đau, tại nạn và sự kiện hỏa hoạn thiên tai làm hư hỏng hàng hóa dịch vụ khách hàng. Tất cả những yếu tố này làm suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng và có thể làm dẫn tới khách hàng phát sinh nợ xấu.

Một số sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam thiếu linh hoạt hoặc cơ chế hoa hồng giành cho người giới thiệu khách hàng so với ngân hàng bạn làm giảm khả năng cạnh tranh của Chi nhánh.

Nguyên nhân chủ quan

Một là, công tác thẩm định, quyết định cho vay tại Chi nhánh tại một số Phòng và cán bộ còn chưa đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy trình nghiệp vụ của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, dẫn tới bỏ qua tìm hiểu các thông tin khách hàng từ nguồn dân cư địa bàn, dẫn tới một số khách hàng cố tình tạo lập hồ sơ đẹp để vay vốn và làm phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu. Công tác thẩm định còn chú trọng nhiều tới vấn đề tài sản bảo đảm, chưa đánh giá được đúng đầy đủ tính khả thi của phương án dự án dẫn tới khách hàng kinh doanh thua lỗ và không có khả năng trả nợ do mất nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hai là, cán bộ Chi nhánh tập trung nhiều vào sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh vì vậy việc nghiên cứu sản phẩm cho vay tiêu dùng và tiếp thị, tìm kiếm khách hàng vay tiêu dùng là rất ít. Chi nhành không có chiến lượng cụ thể cho hoạt động cho vay tiêu dùng, đặc biệt là các hoạt động liên kết, hợp tác với các chủ đầu tư dự án bất động sản, đại lý showroom ô tô đây là những kênh phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng rất mạnh mẽ mà một số ngân hàng bạn đã và đang thành công.

Ba là, các cách tiếp cận khách hàng cá nhân mới của Chi nhánh chủ yếu vẫn là thông qua các kênh bán hàng cũ như: Phát tờ rơi, băng rôn, tiếp cận từ khách hàng cũ. Tuy nhiên với sự cạnh tranh và giành thị phần khốc liệt giữa các ngân hàng với đủ các chiêu trò như hiện nay thì những chính sách cụ thể mang tính chất hội nhập với thị trường hơn như: Tổ chức hội thảo, tiếp cận các đại lý về bất động sản, showroom ô tô, các kênh điện tử, bán chéo sản phẩm với khối khách hàng doanh nghiệp, tiếp cận từ đối tác thứ ba sẽ hiệu quả và phù hợp lâu dài hơn

Bốn là, đội ngũ cán bộ quan hệ khách hàng còn trẻ nên kinh nghiệm xử lý nghiệp vụ và kỹ năng bán hàng chưa thật sự chuyên nghiệp, còn cấn thêm các kỹ năng mềm, các kiến thức về các ngành nghề kinh doanh khác như: Bất động sản, chứng khoán, kĩ thuật, xây dựng, ô tô... để phục vụ công tác bán hàng tiếp thị khách hàng cũng như phục vụ công tác thẩm định. Mặt khác hiện tại cán bộ trẻ tại Chi nhánh chiếm tỷ lệ lớn, có nhiệt tình, có kiến thức tuy nhiên thiếu kinh nghiệm thực tế nên mất nhiều thời gian để đào tạo, chất lượng và hiệu quả công việc chưa cao.

Năm là, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với cán bộ trẻ và cán bộ xử lý điều hành nghiệp vụ còn chưa thường xuyên, sâu sát, dẫn đến công tác quản lý thu hồi nợ xấu tốn chưa tốt, mất nhiều thời gian. Do việc giám sát các khoản vay sau khi giải ngân chưa sát sao, kịp thời, do đó không có các biện pháp kịp thời khi khách hàng có dấu hiệu gặp khó khăn trong việc trả nợ làm cho việc thu hồi nợ còn gặp nhiều trở ngại.

CHƯƠNG 4: GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CHO VAY KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI VIETINB ANK CHI NHÁNH TIÊN SƠN ĐẾN NĂM 2025

4.1. Mục tiêu và định hướng phát triển cho vay khách hàng cá nhân của Vietinbank Tiên Sơn đến năm 2025

4.1.1. Bối cảnh kinh tế xã hội trên địa bàn Vietinbank Tiên Sơn

Vietinbank Tiên Sơn nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, là một trong những tỉnh có bước phát triển vượt bậc sau hơn 23 năm tái lập được khẳng định trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật nhất là quy mô nền kinh tế đạt trên 197 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 7 trong cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1,24 triệu tỷ đồng, đứng thứ nhất toàn quốc; giá trị xuất khẩu đạt hơn 35 tỷ USD; Nếu như tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Ninh chỉ có 4 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 177,58 triệu USD, thì đến hết năm 2019, Bắc Ninh đã thu hút 1470 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh: 18,83 tỷ USD. Nhiều tập đoàn xuyên quốc gia lớn trên thế giới đã vào đầu tư tại Bắc Ninh như: Samsung, Hồng Hải, Canon, Pepsi Co,.... Thu ngân sách của Bắc Ninh tăng cao, đạt 30.430 tỷ đồng, vượt 11% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 24.370 tỷ đồng, vượt 3.034 tỷ đồng. Các vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội của tỉnh được đảm bảo, quan tâm ở mức cao hơn so với cả nước, thu nhập bình quân đầu của tỉnh người đạt 6.163 USD, cao gấp 2,23 lần so với bình quân cả nước và đứng thứ 2 toàn quốc, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,27%; thiết chế văn hóa xã hội thể thao khu công nghiệp được quan tâm; phong trào xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, đến nay đã có 96/97 xã và 7/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Thực hiện, chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo về việc cải tiến, nâng cao chất lượng chính sách thu hút FDI của tỉnh, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, xây dựng và thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong quá trình thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Ninh đưa ra các chính sách ưu tiên thu hút FDI “sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên,

khoáng sản, đất đai”. Đặc biệt tỉnh triển khai thực hiện cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như: Điện tử, điện lạnh, viễn thông, cơ điện... Cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi bao gồm: Hỗ trợ về giải phóng mặt bằng; Hỗ trợ nhà đầu tư cung ứng và đào tạo lao động; Đối với các dự án có quy mô lớn (vốn đầu tư từ 1500 tỷ trở lên), sử dụng công nghệ cao, ngoài các ưu đãi theo quy định chung của chính phủ, nhà đầu tư được UBND tỉnh xem xét hỗ trợ xây dựng cơ chế hỗ trợ ưu đãi đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận... Tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ; tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, nước, xử lý rác nước thải và rác thải; chú trọng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, cung cấp phần mềm và giải pháp, nghiên cứu và phát triển (R&D),... Giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn 2030 - 2050 sẽ điều chỉnh nâng dần tỷ trọng vốn FDI trong ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Mặc dù kinh tế công nghiệp phát triển vượt bậc nhưng Bắc Ninh vẫn kế thừa phát huy giá trị cốt lõi của kinh tế vùng đất Kinh Bắc xưa (đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, tơ tằm Vọng Nguyệt…). Để các làng nghề thủ công truyền thống được giữ gìn và phát triển mạnh mẽ, xây dựng được uy tín thương hiệu riêng của mình trong cả nước và quốc tế. Tỉnh Bắc Ninh đã quyết tâm, xây dựng được cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, trả lương cho các nghệ nhân làng nghề, (được hỗ trợ tiền theo tháng). Qua đó giữ được hồn cốt của làng nghề, trường tồn với thời gian.

Đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm gần đây, Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 176 về việc “Thông qua Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020”. Đến năm 2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 31 về việc “Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016-2020”; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 46 về

việc “Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016-2020”. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp, hiện đại và bền vững. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất lúa, hoa, rau màu và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Bắc Ninh đã có rất nhiều thành tựu phát triển kinh tế trong những năm qua tuy nhiên, tình hình kinh tế của Bắc Ninh gặp rất nhiều khó khăn như bức tranh chung của cả nước khi dịch bệnh Covid - 19 bắt đầu bùng phát từ đầu năm 2020.

Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhân dân bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, an sinh, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, nhiều ngành kinh tế chủ lực giảm mạnh trong quý II, nhất là ngành công nghiệp, nên tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm (theo giá so sánh năm 2010) giảm 3,3% so cùng kỳ.

Đây là 1 trong 2 năm liên tiếp GRDP của tỉnh Bắc Ninh giảm trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2010, khi dự án của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đi vào hoạt động. Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản giảm 3%; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 2,8%; khu vực dịch vụ giảm 7%; riêng thuế sản phẩm tăng 4,9%. Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu GRDP cả năm 2020 tăng 5,4% so năm trước (kế hoạch là 7%); kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 65 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước ước 29.006 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,2%.

Có thể thấy Bắc Ninh là một địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội tốt để phát triển, Vietinbank Chi nhánh Tiên Sơn đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng là một thuận lợi. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid tác động không tốt tới sự phát triển kinh tế trên địa bàn và sẽ có thể gây ra rất nhiều kho khăn cho Chi nhánh trong thời gian tới.

4.1.2. Định hướng cho vay khách hàng cá nhân của Vietinbank Tiên Sơn

Để có thể phát triển bền vững, lâu dài cả số lượng và chất lượng khách hàng, Vietinbank Chi nhánh Tiên Sơn xây dựng định hướng phát triển cho vay khách hàng cá nhân như sau:

Thực hiện việc đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả đảm bảo tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với kiểm soát rủi ro. Đa dạng hóa khách hàng trên nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực ngành nghề, không tập trung, phụ thuộc quá lớn vào các làng nghề truyền thống nhằm giảm thiểu rủi ro.

Mở rộng quy mô thị phần cho vay khách hàng cá nhân của Vietinbank Chi nhánh Tiên Sơn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, hướng tới mục tiêu nằm trong top 5 ngân hàng đứng đầu về quy mô cho vay khách hàng cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển cho vay khách hàng cá nhân tại ngân hàng TMCP công thương việt nam chi nhánh tiên sơn​ (Trang 87)