Thiên nhiên mang vẻ đẹp đặc trưng vùng đồng bằng sông nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn ngọc tư từ góc nhìn văn hóa (Trang 41 - 43)

7. Đóng góp của luận văn

2.1.1. Thiên nhiên mang vẻ đẹp đặc trưng vùng đồng bằng sông nước

Nam Bộ nổi tiếng là vùng quê với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, khoáng đạt đặc trưng của miền sông nước. Hình ảnh cánh đồng, con kênh, rạch nước, dòng sông, con đò… vì vậy đã phổ biến đến mức trở thành một hình tượng văn học, một biểu tượng của không gian văn hóa Nam Bộ, làm nên vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất này. Nguyễn Ngọc Tư với sự quan sát thấu cảm của một người con bản địa, với sự tinh tế nhạy cảm của một nhà văn, đã tái hiện trong trang viết của mình vẻ đẹp đặc trưng ấy của quê hương.

Trong tản văn của mình, Nguyễn Ngọc Tư thật ra không miêu tả nhiều, mà nhà văn chủ yếu là gợi. Qua con chữ của tác giả, tạo vật không đơn thuần

38

được tạo nên từ vật, mà chúng luôn luôn có thần thái, có linh hồn, có cuộc sống. Chỉ một đôi nét phác thảo tinh tế, con chữ đã gợi ngay ra không gian và không khí cuộc sống rất đặc trưng của miền sông nước Nam Bộ. Chỉ với một vài hình ảnh nổi bật, con kinh nho nhỏ chạy dài, tàn cây trứng cá góc sân, hàng điệp đỏ de mình ra mé nước đầu bến, những chiếc xuồng ba lá buộc dập dềnh vào chân cầu…, người đọc như được nhìn thấy, được hít thở, được sống trong không khí đất trời Nam Bộ thực sự.

Trước hết, đó là một Nam Bộ với thiên nhiên vô cùng thanh bình, tươi đẹp. Cảnh sắc cứ như chậm rãi, thong dong để đồng điệu cùng con người. “Bến Tre lần đầu, con phà Rạch Miễu chạy chậm như chiều. Một chuyến phà thong dong, người ta bỏ ra khỏi xe, ngồi ngắm sông, người ta cười nói chậm, đốt thuốc và nhả khói cũng chậm rì. Thời gian như ngưng đọng, trên gương mặt người, trên dòng sông, trên cái cồn đất xanh rì cây trái”[72, tr76]. Và ngược lại, con người luôn có cảm giác như được hòa mình về với tự nhiên dịu dàng và trong khiết. “Tôi ở dưới mặt đất, cảm giác trên ngọn dừa, những con đuông dừa rúc vào nách lá non, và trong tổ chim vắt vẻo, những con sẻ nhỏ đang khẻ mỏ chui ra khỏi trứng. Tôi ở bên một con sông, cảm giác bờ bên kia đang liêu xiêu bông bưởi rụng trên những chiếc lá mục trong vườn. Tôi soi mình xuống nước, cảm giác dưới đáy sâu kia phù sa đang nhảy múa, dịu dàng”[72, tr84]. Đọc những trang tản văn về Nam Bộ của Nguyễn Ngọc Tư, người đọc như được thả mình vào một thế giới của cỏ cây, sông nước, một thế giới yên ả, thanh bình, ấm cúng.

Bên cạnh đó, người đọc còn được cảm nhận một Nam Bộ với thiên nhiên thật bé nhỏ, bình dị, gần gũi. Nguyễn Ngọc Tư khá tinh tế khi không dụng công đặc tả thiên nhiên ở những mảng khối đồ sộ, kì vĩ. Nhà văn thường lựa chọn những cảnh vật rất bé nhỏ, hết sức đời thường, bình dị, gần gũi. Đó là những gì ta vẫn biết, vẫn gặp, vẫn thấy, những thường không nhiều người dừng lại để ngắm nhìn và cảm nhận về nó. Có khi, đó chỉ đơn giản là mảnh

39

vườn thân thuộc bao đời nay: “Phía bìa sân, ba đặt cái bàn thờ Thông Thiên nho nhỏ, bát cắm nhang để giữa hai hũ gạo, muối (hết thảy mọi thứ đó cũng nhỏ xíu), buổi chạng vạng, gió phiêu phiêu mang hương nhang bay lãng đãng trước nhà. Ranh giới giữa sân với vườn rau là những cái mương nhỏ tạo thành do má tôi lấy đất lên giồng. Sát hàng ba có một luống hẹ kiểng, trổ bông tím rập rờn suốt hai mùa nắng, mưa”[73, tr75]. Cũng có khi, đó chỉ là những con đường, cây cầu, nếp nhà thoáng ẩn thoáng hiện trong kí ức: “Những nóc nhà thưa. Những cây cầu khỉ. Mỗi khi nhớ về xóm cũ, hiện lên ngay trong đầu cái phác họa giản dị đó, cùng những cánh đồng, mảnh vườn xanh xanh đậm nhạt mọc quanh. Một con đường khấp khểnh băng qua xóm, ben lối đi lau sậy chập chờn”[66, tr29]. Đọc những trang viết như thế, hình dung và tưởng tưởng về một miền sông nước như thế, ai chưa biết Nam Bộ cũng phải yêu, ai chưa đến Nam Bộ sẽ thèm đến, ai lỡ xa Nam Bộ thì nhớ thương khôn nguôi về không khí ấy, nết đất nết người ấy.

Có thể nói, vẻ đẹp của thiên nhiên miền sông nước Nam Bộ trong tản văn Nguyễn Ngọc Tư không phải cái đẹp kiểu lung linh kiều diễm, kiêu sa đài các, mà nó là cái đẹp dung dị, man mác, thân thuộc của một thế giới cảnh sắc hoang sơ khoáng đạt. Vẻ đẹp này là một yếu tố góp phần làm nên chất thơ riêng cho tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn ngọc tư từ góc nhìn văn hóa (Trang 41 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)