Thị hóa và guồng quay cuộc sống hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn ngọc tư từ góc nhìn văn hóa (Trang 53 - 55)

7. Đóng góp của luận văn

2.3.1. thị hóa và guồng quay cuộc sống hiện đại

Có thể nói rằng, đô thị và lối sống đô thị có những khác biệt so với nông thôn và lối sống ở nông thôn, từ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, đến cơ cấu xã hội, thiết chế văn hóa, phương thức giao tiếp ứng xử, tâm lý cộng đồng… Để tiếp cận, giải quyết, ứng xử với các vấn đề đời sống đô thị, không thể dùng cái nhìn chủ quan, định kiến, mà cần khách quan nhìn nhận vấn đề xuất phát từ những đặc trưng của nó.

Đời sống đô thị có những đặc trưng riêng của nó, đó là: sự tập trung cao độ về các điều kiện hình thành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; dân số tập trung đông, mật độ cao; sự đa tạp về nguồn gốc cư trú, về đặc điểm xã hội mang tính thiếu chặt chẽ; sự biến động nhanh và mạnh của cơ cấu xã hội dân cư đô thị theo hướng nhiều thành phần và ngày càng phức tạp; yêu cầu chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa trong công việc tạo ra những áp lực cao.v.v.. Những yếu tố đó khiến cho đời sống đô thị bao giờ cũng có xu hướng nhanh, mạnh, vận động liên tục như một guồng quay không ngừng nghỉ.

Đối diện và phải nhập mình vào guồng quay tất yếu đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã suy nghiệm và đặt ra nhiều ưu tư, trăn trở trong trang viết của mình.

50

Chính tác giả phải tự thú nhận về những cảm giác mình đang phải trải qua khi xa quê để đến sống giữa ồn ào phố thị. Đó là một chuỗi những ngổn ngang, bề bộn: “Lấy chồng bảy năm, bảy năm bỏ quê ra thành, bảy năm trôi trong dòng âm thanh hỗn độn, bảy năm thấy ngộp thở, bảy năm ao ước sự yên lặng”[69, tr38]. Thì ra, con người ta như bị cuốn theo dòng xiết cuộc sống, chỉ ao ước lúc nào đó được dừng lại, được chậm lại, được tĩnh lặng cho mình một khoảng sống riêng. Điều đó hẳn là rất khó với bối cảnh thị thành hôm nay.

Trong thế giới tản văn tưởng như chỉ toàn những phiêu diêu và rung cảm của Nguyễn Ngọc Tư, nhiều lúc ta lại thấy ngột ngạt đến khó thở. Nó là sự bức bách đến ám ảnh của không gian sống, nhịp điệu sống: “Ngày nào cũng chen chúc, cũng vội vã, cũng mệt mỏi, vùi đầu vô cái máy tính với bốn bức tường, ra vào thì xe cộ khói bụi nghẹt thở… Trong cơn cao hứng, chị nói luôn một thôi một hồi, về những nhàm chán, những ngột ngạt của cuộc sống, về những giấc mơ ướt đẫm mồ hôi, thấy mình bị trói trong hàng trăm sợi dây rối bời, càng vùng vẫy chúng càng siết chặt, khủng khiếp hơn là những chiêm bao thấy mình chìm trong làn nước đen ngòm”[72, tr35-36]. Một nỗi sợ hãi đã len lỏi vào vô thức, càng cho thấy rõ cái bức ngột kia thật ghê gớm. Rõ ràng, đang có một áp lực rất lớn đối với con người trong đời sống hiện thời.

Cái quay cuồng hối hả của thời buổi tốc độ, lạ thay, có khi không làm cho mọi thứ nhanh hơn, mà như tắc nghẹn lại: “Những con đường nghẹn vì người đông. Những dòng sông nghẹn vì rác rưởi. Những ngọn gió nghẹn vì khói bụi. Những ban mai nghẹn trong tiếng còi xe. Bầu trời nghẹn vì những khối nhà cứng nhắc và khô khốc. Va chạm và cãi vã. Chen chúc và cáu kỉnh”[66, tr9]. Không phải chỉ là cái nghẽn cơ học, đây còn là một sự xơ cứng, một sự bức tử, một cái chết của phía đời sống tinh thần.

Những vấn đề xung quanh câu chuyện đô thi hóa và guồng quay của cuộc sống hiện đại được Nguyễn Ngọc Tư đặc biệt nhấn mạnh, tập trung phản ánh trong tập tản văn Sống chậm thời @ (in chung với Lê Thiếu Nhơn). Ở đó, các

51

câu chuyện đều đậm đặc màu sắc đô thị, đặt ra các vấn đề nóng hổi, cấp thiết, với không gian “thời @” được nhìn qua lăng kính của tâm thế “sống chậm”.

Những toan lo bận bịu mưu sinh thường nhật là điều có lẽ không né tránh bất kì một ai. Với sự nhạy cảm và con mắt hay quan sát, Nguyễn Ngọc Tư không chỉ nghĩ về cuộc bươn trải của mình, mà con nghĩ về những gian nan vật lộn của bà con mình. Nhìn mớ rau, con cá, nghĩ về giá cả, thương mình là chuyện nhỏ, áy náy với người nông dân thì nhiều: “Biết bao điều phải nghĩ, đã cực lòng lắm rồi, lại thêm giá vùn vụt lên. Mau như trở bàn tay, món tiền hôm nay chỉ mua được nửa nắm rau hôm trước. Con cá trong giỏ cứ nhỏ dần đi, nỗi áy náy thì ngược lại, lớn ngợp lòng”[69, tr48]. Đúng là âu lo tất bật đến từng ngõ ngách cuộc sống.

Vừa là do đặc thù công việc, vừa là do phong cách và nhịp sống đô thành, ngay cả chuyện gặp gỡ nhau (theo đúng nghĩa) cũng là cái gì đó thật khó khăn. Tác giả đã phải ngao ngán nhận ra, để gần gũi chia sẻ cùng một người sao mà thành ra khó quá: “Thấy loáng thoáng đôi ba lần, tôi và chị chỉ kịp gật đầu chào rồi thì chìm lịm trong không khí đám tiệc, hội họp. Kiểu đó thì có gặp nhau hàng trăm lần cũng không gọi là gặp”. Đúng là quá nhiều thứ xô bồ bủa vây khiến người ngày càng ít không gian và thời gian sống cho chính mình, cho nên sự gặp gỡ tri âm tri kỉ để sẻ chia thì tất nhiên lại càng xa xỉ.

Có thể nói, đọc tản văn Nguyễn Ngọc Tư, luôn thường trực tâm thế của một người đang xấp ngửa giữa vòng cuốn của guồng quay thời tốc độ, làm mọi cách để níu lại, tìm lại sự bình yên, tĩnh lặng, thanh thản cho lòng mình. Đây cũng chính là câu chuyện văn chương và đời sống hiện thời, với quy luật tất yếu của mối quan hệ hai chiều. Phản ánh cái hiện thời ấy, Nguyễn Ngọc Tư rõ ràng đã chứng tỏ sự nhạy cảm, sầu tư trong sâu thẳm con người mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn ngọc tư từ góc nhìn văn hóa (Trang 53 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)