7. Đóng góp của luận văn
3.2.5. Giọng điệu trầm tư, triết lí
Khác với nhiều người viết tản văn thường chỉ chú trọng và nghiêng hẳn về cảm xúc, Nguyễn Ngọc Tư không chỉ giãi bày tâm trạng và còn chiêm nghiệm, suy tư về con người, về lẽ sống. Chính vì vậy, ẩn trong giọng điệu trầm tư thường là những ngẫm ngợi, triết lí.
Nhiều khi, mượn cớ là một khung cảnh, tác giả gửi gắm nhiều suy nghĩ: “Cảm giác của một người đứng trước sông. Giải thích về sự đằm thắm, ngang tàng, trầm tư hảo sảng và cởi mở của Bến Tre, tôi chỉ biết lấy cái tâm thế đứng trước sông của Bến Tre ra mà nghĩ. Ai đứng trước sông mà lại nhỏ nhặt, lặt vặt, muộn phiền”[72, tr80]. Đúng là yêu mảnh đất – con người quê hương thì không thể chỉ ngắm nhìn nó, mà còn phải nghĩ về nó để lí giải và thấu hiểu.
Có lúc, tác giả lại như muốn thưa cùng bạn đọc về tình đất tình người phương Nam: “Nầy biển, nầy rừng, nầy tôm cá trên bãi bồi, nầy tính cách hồn nhiên không vụ lợi của người Đất Mũi. Để anh có thể ngồi quây quần với bà con, đêm thức nghe gió mùa tan trong bếp lửa, bên bữa rượu ấm nồng, tôi ngồi đếm tóc anh, chợt giật mình thấy anh bạn mình tuổi đời có còn trẻ gì đâu, hú hồn, chút xíu nữa là không kịp về Đất Mũi xứ tôi rồi. Đất Mũi gần gũi vậy, sao phải mất tới mấy chục năm trời mới đến được vậy ta”[73, tr18]. Quả là, để yêu một miền đất đã là một chuyện, và để hiểu một miền đất cũng lại là một câu chuyện nữa.
Từ những quan sát thường nhật, tác giả ngẫm suy ra biết bao điều về cuộc sống con người Nam Bộ: “Đã hiểu nhau về hết thảy nỗi nhọc nhằn nên người mua không nặng nề mặc cả bon chen, người bán cũng chẳng đanh đá chua ngoa như kẻ chợ, hình như họp chợ chỉ để trao đổi, san sẻ với nhau những gì mình có”[73, 39]. Vậy là mỗi cử chỉ, mỗi ứng xử đều mang chứa trong nó những lí do, những ý tình đặc biệt.
68
Có khi, chỉ một cơn gió chướng và một bóng người đi qua thôi cũng đủ cồn cào lên trong tâm tưởng nhà văn những suy tư về đời sống, kiếp người: “Chắc ông Táo xui gió Chướng rập rờn qua cửa, xui người rinh thúng củ kiệu đi qua để cho mình đắng đót buồn, mai tới rồi, đã hết hôm nay mà mình chưa kịp sống”. Quả là những suy nghiệm khơi gợi ra thăm thẳm nỗi người.
Không cần những chi tiết đặc biệt, không cần những ngôn từ mạnh mẽ, to tát, chỉ bằng một giọng điệu thảng thốt thoáng gợi, Nguyễn Ngọc Tư đã đặt ra biết bao suy tư triết lí để bạn đọc cũng phải chậm lại, dừng lại, cùng suy ngẫm.